Các tác giả Hiep-Hung Pham và Huyen-Minh Vu, trong chương 5 của cuốn sách Reforming Vietnamese Higher Education (Nhai Thi Nguyen, Ly Thi Tran chủ biên) - nằm trong loạt sách về chủ đề Education in the Asia-Pacific Region: Issues, Concerns and Prospects do Springer Nature ấn hành, đã nghiên cứu sự phát triển của các chính sách tài chính đối với lĩnh vực giáo dục đại học và đề xuất các tác động đối với các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam.
Mô hình chia sẻ chi phí, trong đó đề xuất việc chuyển một tỷ lệ nhất định gánh nặng chi phí giáo dục đại học từ chính phủ sang các bên liên quan khác phụ trách, chẳng hạn như sinh viên, phụ huynh, các nhà tài trợ, v.v…, đã là một xu hướng lớn của các nền giáo dục đại học trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Thực tế, đây không chỉ là xu thế diễn ra tại các quốc gia theo định hướng tư bản chủ nghĩa mà còn đúng với các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Là một nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam tin rằng giáo dục, bao gồm cả giáo dục đại học, là lĩnh vực thuộc về lợi ích công và do đó, nhà nước có nghĩa vụ cung cấp. Trước những năm 1970, chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách chi trả học phí cho tất cả các sinh viên theo học đại học. Thậm chí, sinh viên đại học ở miền Bắc lúc bấy giờ còn được hỗ trợ cả tiền sinh hoạt phí và chỗ ở miễn phí tại ký túc xá của các trường đại học. Đến nửa sau thập niên 1980, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và lạm phát lên tới ba con số, ngân sách chính phủ không thể tiếp tục hỗ trợ nền giáo dục đại học đang ngày càng phát triển và mở rộng. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách đưa ra một số hình thức chia sẻ chi phí như chi phí y tế và vệ sinh hoặc các khoản “đóng góp” xây dựng trường. Kể từ đó, giáo dục đại học Việt Nam chứng kiến một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược trên khía cạnh tài chính, đó là sự chuyển đổi sang các mô hình chia sẻ chi phí.
Đầu thế kỷ XXI, nhu cầu của xã hội đối với giáo dục đại học càng lớn hơn bao giờ hết, tạo ra áp lực cấp bách đối với Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra một bức tranh giáo dục đại học tổng thể đáp ứng đồng thời các mục tiêu về chất lượng, khả năng tiếp cận và sự bình đẳng. Mặc dù tầm nhìn trên nhận được sự đồng thuận rộng rãi, song vẫn tồn tại một số bất đồng liên quan đến cơ chế tài chính phù hợp dành cho lĩnh vực này. Trong khi ý tưởng về một hệ thống giáo dục đại học miễn phí dường như vẫn còn hấp dẫn đối với nhiều người, song hầu hết các chính sách được ban hành trong ba thập kỷ qua có xu hướng chuyển sang mô hình chia sẻ chi phí theo khuôn khổ, được đề cập một cách phổ biến với tên gọi “xã hội hoá” giáo dục đại học.
Chương sách này bắt đầu với một đánh giá ngắn gọn về sự phát triển của cơ chế chia sẻ chi phí ở Việt Nam kể từ cuối những năm 1980. Sau đó, các tác giả trình bày một phân tích về vấn đề chia sẻ chi phí, dựa trên khuôn khổ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2009 cho các quốc gia thành viên thuộc nhóm đang phát triển Phần cuối cùng đề cập một số hàm ý dành cho các nhà hoạch định chính sách. Trọng tâm của chương sách này là vấn đề tài chính dành cho giảng dạy và các hoạt động liên quan, vốn chiếm phần lớn ngân sách giáo dục đại học của Việt Nam. Chương này không đề cập đến việc tài trợ cho các hoạt động khác (ví dụ nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất hoặc xây dựng hạ tầng).
Vân An lược dịch
Nguồn:
Pham, H. H., & Vu, H. M. (2019). Financing Vietnamese Higher Education: From a Wholly Government-Subsidized to a Cost-Sharing Mechanism. Reforming Vietnamese Higher Education, 75–90. https://doi.org/10.1007/978-981-13-8918-4_5