Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất: Hút thuốc có nguy cơ cao gây ung thư, do trong thuốc lá có đến 7.000 chất hóa học độc hại, trong đó có nhiều chất gây ung thư như: nicotine, Tar (Chất Dính), Hydrocarbon Polycyclic Aromatic; Formaldehyde; Asen, Benzene; Vinyl Chloride; Xyanua… Khi hút thuốc đồng nghĩa với việc hít hững chất độc này vào cơ thể. Các chất độc hại này dần phá hủy các tế bào của cơ thể, gây nên những nguy hiểm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn ảnh hưởng đến hệ hô hấp: Điển hình nhất là các bệnh về phổi: ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phế quản phổi làm suy giảm chức năng phổi. Ở độ tuổi học sinh, cơ thể đang trong quá trình phát triển, cơ thể của các em sẽ bị các chất độc này tàn phá một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim, đột quỵ, và các vấn đề về huyết áp.
Ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và hoạt động học tập của học sinh Do chất Nicotine trong thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, tập trung, và tư duy logic của học sinh. Hơn nữa, những học sinh hút thuốc lá thường có khả năng học kém hơn, có động cơ học tập thấp, và thường xuyên vắng học hơn học sinh không hút thuốc lá.
Thuốc lá gây ra nghiện: Nicotine là chất gây nghiện mạnh, và việc bắt đầu hút thuốc ở lứa tuổi học sinh tăng nguy cơ trở thành người nghiện. Nghiện thuốc có thể ảnh hưởng đến hiệu suất học tập và tâm trạng của học sinh.
Ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh: Việc hút thuốc lá có thể gây stress và ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Nó cũng có thể tăng cường nguy cơ mắc các vấn đề tâm thần như trầm cảm và lo âu.
Ảnh hưởng đến hoạt động thể chất của học sinh: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, học sinh hút thuốc lá thường có khả năng thể chất kém hơn so với những học sinh không hút thuốc. Điều này có thể làm suy giảm sự linh hoạt và khả năng tham gia vào hoạt động học tập các môn thể dục, thể thao hay vận động thể chất ở học sinh.
Ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội của học sinh: Hút thuốc lá có thể tạo ra rào cản trong mối quan hệ xã hội của học sinh, do nhiều người không ưa mùi khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Nhìn chung, hút thuốc lá không chỉ là một vấn đề sức khỏe cá nhân mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, trí lực, sự phát triển và sự thành công của học sinh. Việc giáo dục và hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng có vai trò quan trọng giúp học sinh nhận thức được những tác hại của thuốc lá và “nói không với hút thuốc lá”.
Trương Thạo