Thế giới ngày nay có sự phát triển về chất nhờ vào Cách mạng công nghiệp 4.0. Nền giáo dục trong xã hội công nghiệp đã có những khác biệt về nguyên lí giáo dục bởi so với nền giáo dục trong xã hội hậu công nghiệp (Post-industrial society) đã có những thay đổi về sứ mệnh giáo dục, về những năng lực cốt lõi của con người trong thế hệ mới, về tổ chức trường lớp cũng như về nội dung, phương pháp đào tạo.
Xét trên bình diện toàn cầu, sự thay đổi lớn lao nhất về tổ chức giáo dục là việc từ bỏ mô hình giáo dục khép kín sang mô hình giáo dục mở (xã hội học tập); về phương thức và phương pháp giáo dục, học tập trực tiếp (Offline Learning) là giảm nhanh tỉ trọng thực hiện các khóa học, nhường chỗ cho học tập trực tuyến (Online Learning); về triết lí “giáo dục cho mọi người” (Education for All), người ta đã thay bằng ý tưởng “Học tập suốt đời cho mọi người” (Lifelong learning for All),... Văn hóa giáo dục trong thế kỉ XXI hướng vào những nguyên lí cơ bản sau đây:
Nguyên lí giáo dục khai phóng
Nguyên lí này xuất phát từ quan điểm coi con người là cứu cánh chứ không phải là phương tiện. Giáo dục hướng tới mẫu người tự do, tức là con người được phát huy những năng lực bên trong một cách triệt để nhằm làm cho họ thành một nhân cách có những cá tính (Individuality) riêng biệt. Theo cách nói của các nhà triết học, con người có những đặc điểm cá tính riêng là con người trở thành chính họ, nhân cách (Personality) của họ không trùng lặp nhân cách người khác, họ không phải là cái bóng của người khác. Trong giáo dục phương Tây, đào tạo con người tự do là định hướng hàng đầu. Giáo dục con người tự do là giáo dục tự do (Liberal Education), dịch sang tiếng Việt là giáo dục khai phóng.
Về thực chất, giáo dục khai phóng là nguyên lí giáo dục nhằm trao quyền cho người học để chuẩn bị cho họ có năng lực ứng phó với sự phức tạp, biến đổi không ngừng và đa dạng của xã hội hiện đại. Nó cung ứng cho họ một nền tảng kiến thức rộng về một thế giới mở cùng các kiến thức trong một lĩnh vực chuyên môn cụ thể.
Trong điều hành chương trình xây dựng xã hội học tập, UNESCO cũng khẳng định quan điểm: chỉ có học tập suốt đời, người dân mới có đủ năng lực để được trao quyền giải quyết những thay đổi liên tục của xã hội và môi trường và đối đầu với những thách thức về kinh tế. Những giá trị cốt lõi tương ứng của giáo dục khai phóng gồm: - Thái độ cởi mở, sự ham hiểu biết, lòng tự tin; - Sử dụng thành thạo các kĩ năng học tập, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tư duy phản biện, kĩ năng hợp tác và làm chủ bản thân; - Am hiểu tường tận, làm chủ lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm; - Có kiến thức rộng rãi về văn hóa và khoa học, yêu thích sự trải nghiệm đa dạng về lối sống.
Nguyên lí giáo dục cá nhân hóa
Giáo dục cá nhân hóa hướng vào việc đáp ứng nhu cầu phát triển riêng của từng người học. Cùng một nội dung học, nhưng mỗi người học lại được hướng dẫn để phát huy sở trường, phát triển năng lực riêng. Việc đào tạo có nội dung thống nhất nhưng lại đáp ứng sự phát triển riêng của mỗi người. Trong cùng khóa học người hiểu chậm không kéo dài thời gian của người hiểu nhanh, người có trình độ tiếp thu tốt không phải chờ đợi người tiếp thu chậm chạp. Giáo dục cá nhân hóa đòi hỏi người dạy phải hiểu rõ những khả năng, hứng thú, thói quen của người học, không áp đặt người học trong việc tiếp thu kiến thức và kĩ năng qua bài học. Giáo dục cá nhân hóa là nguyên lí rất gần với nguyên lí giáo dục khai phóng.
Những giá trị cốt lõi tương ứng với nguyên lí giáo dục cá nhân hóa gồm: - Có sự hiểu biết, làm chủ và thực hành tốt các kĩ năng và phương pháp tư duy; - Có năng lực tư duy phản biện, tư duy hệ thống; - Có kĩ năng giải quyết vấn đề (Problem solving) được đặt ra trong thực hành các kiến thức đã tiếp thu.
Nguyên lí giáo dục dân chủ và bình đẳng
Nguyên lí giáo dục khai phóng và giáo dục cá nhân hóa chỉ thực hiện tốt khi có môi trường thực sự dân chủ và bình đẳng. Từ lâu, các nhà giáo dục muốn giáo dục được tiến hành với xuất phát điểm của mọi người là ngang bằng (egalitarianism) về cơ hội tiếp cận sự học, không phân biệt thành phần xuất thân, vị thế xã hội, chủng tộc, ngôn ngữ, giới tính cũng như những khác biệt về văn hóa. Điều này có nghĩa là, mọi người đều có cơ hội thành đạt như nhau từ vạch xuất phát. Người ta sẽ cạnh tranh nhau bằng sự nỗ lực cố gắng của bản thân, chứ không dựa dẫm vào bất kì điều kiện ưu tiên nào. Đó là ý tưởng cốt lõi về xây dựng người tự lập thân (Self made man).
Các giá trị cốt lõi tương ứng của nguyên lí giáo dục dân chủ và bình đẳng là: - Con người tự lập thân; - Con người thực sự là chủ thể chính trị của xã hội; - Con người được bình đẳng về cơ hội tiếp cận “giáo dục cho tất cả mọi người”.
Nguyên lí giáo dục đa văn hóa
Giáo dục đa văn hóa hướng tới mẫu người có những hiểu biết về văn hóa của đất nước mình, đồng thời có cả hiểu biết về văn hóa của các nước khác. Từ đó, con người trân trọng giữ gìn sự đa dạng về văn hóa toàn cầu, tôn trọng văn hóa khác, văn hóa của người khác. Đó là yếu tố quan trọng để con người giữa các quốc gia hiểu nhau và chung sống với nhau trên nền tảng tôn trọng văn hóa của nhau.
Toàn cầu hóa là xu thế phát triển của thế giới hiện đại. Xu thế này đòi hỏi giáo dục quan tâm đến việc đào tạo những công dân toàn cầu (Global Citizen). Khái niệm “công dân toàn cầu” thể hiện một thế giới quan trong văn hóa giáo dục. Nó bao gồm một tập hợp các giá trị cần thiết để con người tự do đi lại trong một thế giới rộng lớn, không bị những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán... và việc làm. Khái niệm “Giáo dục công dân toàn cầu” (Global Citizenship Education -GCED) được sử dụng trong nhiều trường hợp để thay thế cho các thuật ngữ bao hàm tính toàn cầu như giáo dục hòa bình, giáo dục nhân quyền, giáo dục quốc tế hay giáo dục vì sự phát triển bền vững.
Các giá trị cốt lõi tương ứng với nguyên lí giáo dục đa văn hóa gồm: - Chấp nhận sự đa dạng của thế giới hiện đại; - Tôn trọng con người, tôn trọng sự đa dạng văn hóa; - Đối thoại văn hóa để xây dựng các mối quan hệ văn hóa - văn hóa, người - văn hóa, người - người; - Khoan dung, thân thiện, đồng cảm với người khác; - Chung sống trong ngôi nhà toàn cầu.
Nguyên lí giáo dục đa trí tuệ
Giáo dục đa trí tuệ (Multiple Intelligences Education) nhằm đào tạo con người toàn diện, phát huy tốt nhất những năng lực khác nhau vốn có trong con người và khả năng sáng tạo của họ. Nguyên lí giáo dục đa trí tuệ dựa trên Thuyết “Đa trí tuệ” do nhà tâm lí học Howard Gardner (Hoa Kỳ) đề xuất. Theo ông, có 8 loại hình trí tuệ cơ bản:
Trí thông minh logic - toán: Vùng làm việc đòi hỏi tính logic chặt chẽ, trừu tượng, sự lập luận và suy diễn hợp lí. Vùng làm việc này đòi hỏi con người có tư duy toán học, hoạt động có tính chất trừu tượng, tiếp xúc nhiều các con số.
Trí thông minh không gian: Vùng làm việc đòi hỏi tầm nhìn xa và phán đoán không gian chính xác. Vùng làm việc này phù hợp với những người có trí nhớ thị giác mạnh mẽ, thường có khuynh hướng nghệ thuật. Sự phối hợp tay - mắt là một đặc trưng trong vùng làm việc này.
Trí thông minh vận động: Vùng làm việc dành cho những vận động cơ thể. Những hoạt động thể thao, khiêu vũ, múa v.v... cần đến loại trí tuệ này. Người ta thường nói đó loại hình mẫu cá nhân có trí thông minh vận động, có sự phát triển trí nhớ cơ bắp hơn là trí nhớ thị giác hay thính giác.
Trí thông minh tương tác - giao tiếp: Vùng làm việc với những tương tác người - người. Người có loại trí thông minh này luôn nhạy cảm với tâm trạng, cảm xúc, tính khí, động cơ của người khác. Đặc điểm tâm lí của trí thông minh này là tính hướng ngoại. Những người này thích thú với các cuộc bàn luận, tranh luận, làm việc theo nhóm v.v....
Trí thông minh nội tâm: Vùng làm việc phù hợp với người có tâm lí hướng nội. Họ thích làm việc một mình, tính tự giác cao, ham thích theo đuổi những tư tưởng cơ bản như triết học, logic học.
Trí thông minh tự nhiên (thiên nhiên): Vùng làm việc tiếp xúc với thế giới động vật và thực vật, chú ý đến những đặc điểm của từng loài và phân loại chúng. Năng lực quan sát thiên nhiên, năng lực nghiên cứu thế giới tự nhiên và óc tò mò về thế giới tự nhiên bao quanh... được phát triển ở những người loại hình này.
Trí thông minh ngôn ngữ: Vùng làm việc đòi hỏi sự vận dụng các từ ngữ, cách nói, cách viết thật chuẩn xác. Những người có trí thông minh ngôn ngữ thường học ngoại ngữ nhanh, đọc nhanh, nhớ từ lâu, kể chuyện hấp dẫn, viết lách chặt chẽ, nói năng lưu loát...
Trí thông minh âm nhạc: Vùng làm việc tiếp xúc nhiều với các giai điệu, âm thanh, đòi hỏi cao về độ nhạy bén của thính giác. Người có loại hình trí tuệ này có khả năng tốt về ca hát, chơi các nhạc cụ và sáng tác bài hát. Họ thường sử dụng bài hát hoặc các giai điệu để học hỏi và ghi nhớ thông tin.
Nền giáo dục hiện đại không hướng con người phải đạt tất cả các loại hình trí tuệ, bởi sự thành đạt của mỗi người có thể chỉ dựa vào hai hay nhiều trí thông minh trên là tốt rồi. Một nhà toán học lại là một cầu thủ bóng đá và sáng tác thơ; một cô giáo vừa là nhà sư phạm giỏi lại là một ca sĩ; một bác sĩ răng hàm mặt lại là một họa sĩ tài ba hoặc còn là một nhà điêu khắc hay một nhà hùng biện; một chính trị gia rất giỏi chơi đàn Accordéon, viết truyện ngắn và là dịch giả của nhiều cuốn tiểu thuyết... Đó đều là những người phát triển nhiều năng lực khác nhau. Trong thế giới hiện đại, những người đa trí tuệ sẽ “tự do” hơn những người “đơn trí tuệ”.
GS. TS Phạm Tất Dong