Bối cảnh giáo dục Việt Nam đã trải qua những thay đổi đáng kể trong khoảng thời gian 10 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2013. Nghị quyết này đánh dấu một điểm mốc quan trọng trong sự phát triển giáo dục của quốc gia, nhấn mạnh sự cần thiết của đổi mới toàn diện giáo dục, mà trong đó nghiên cứu khoa học giáo dục đóng vai trò hướng dẫn và định hình từ chính sách đến thực tiễn giáo dục. Vì thế việc hiểu rõ các chủ đề nghiên cứu quan trọng và xu hướng nghiên cứu khoa học giáo dục trong giai đoạn thực hiện nghị quyết này là cần thiết.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích trắc lượng khoa học (Bibliometrics) nhằm mục đích cung cấp một sơ lược ngắn gọn nhưng tổng quan về tình hình nghiên cứu khoa học giáo dục tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2022, sau khi triển khai Nghị quyết 29. Phương pháp này giúp nghiên cứu thuận tiện thống kê các chỉ số khoa học liên quan đến chủ đề nghiên cứu, số lượng tài liệu xuất bản liên quan đến từng bậc học, tần suất của các từ khóa, phương pháp nghiên cứu và nguồn xuất bản chính. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự tiến triển của chủ đề nghiên cứu và dự đoán xu hướng tương lai.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu Scopus, một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Qua quá trình lọc và phân loại, dữ liệu cuối cùng bao gồm 1.950 bản ghi sẽ được phân tích thông qua sử dụng phần mềm phân tích trắc lượng thư mục chuyên dụng như VOS Viewer.
Một số kết quả quan trọng
Hầu hết các nghiên cứu về khoa học giáo dục tại Việt Nam trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 chủ yếu tập trung vào bậc Giáo dục đại học (1.175 tài liệu, tương ứng 60,26%). Giáo dục phổ thông là cấp học có số lượng nhiều thứ hai với 534 công bố, 27,38% . Các cấp bậc học còn lại có số lượng công bố vẫn còn hạn chế, Giáo dục mầm non (3,03%), Giáo dục nghề nghiệp (1,69%), Học tập suốt đời (1,69%) và nhóm các nghiên cứu tập trung vào nhiều cấp bậc học khác nhau (5,95%).
Các chủ đề có nhiều công bố tiếp theo cũng thuộc cấp giáo dục đại học, bao gồm dạy và học (264 công bố, 60.27%), quản lí, lãnh đạo và chính sách (186 tài liệu, 61.59%), giáo dục tiếng Anh (190 tài liệu, 65.52%), giáo dục quốc tế (116 tài liệu, 80.43%), ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục (152 tài liệu, 69.72%). Mặt khác, hiện có một số lĩnh vực chưa có công bố nào về khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn 2013-2022: Giáo dục quốc tế, Kinh tế giáo dục ở cấp Giáo dục đầu đời, Giáo dục đặc biệt, Giáo dục STEM ở cấp Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục suốt đời. Đây là những lĩnh vực chưa được quan tâm trong nghiên cứu giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn này.
Kết quả cho thấy phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng nhiều nhất ở các cấp học với các chủ đề khác nhau. Phương pháp nghiên cứu định tính là phương pháp được lựa chọn sử dụng nhiều thứ hai sau phương pháp định lượng của các nghiên cứu trong giai đoạn 10 năm từ 2013-2022, tuy nhiên số lượng các tài liệu cũng không nổi trội. Cấp bậc Giáo dục đại học là bậc học duy nhất có các nghiên cứu khoa học giáo dục sử dụng cả bốn phương pháp nghiên cứu (bao gồm định lượng, định tính, hỗn hợp và tổng quan) dàn đều ở các chủ đề. Tuy nhiên, hai phương pháp chủ yếu vẫn là định lượng và định tính.
Từ khóa được sử dụng nhiều nhất là Việt Nam (328 lần), tiếp đến là Giáo dục đại học (176 lần), Sinh viên quốc tế (102 lần), Giáo dục quốc tế (62 lần), Covid-19 (50 lần). Mặc dù từ khoá Giáo dục Đại học có tần suất được sử dụng nhiều nhưng những từ khóa khác có cùng mối liên quan đến lĩnh vực giáo dục đại học có tần suất sử dụng tương đối thấp. Ví dụ, Ý định khởi nghiệp (23%), Sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy (37%), Phát triển nghề nghiệp (22%), Đào tạo giáo viên (19%), Sinh viên (36%). Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy rằng: mặc dù Giáo dục Đại học và Sinh viên quốc tế là từ khóa quan trọng, tuy nhiên, sự chú ý đến những khía cạnh như Sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy (English as a Medium of Instruction), Sự hài lòng (Satisfaction), Cảm nhận (Perception), Covid-19, Học trực tuyến (Online learning) cũng đều rõ ràng. Điều này cho thấy một sự dịch chuyển trong quan điểm nghiên cứu, từ việc tập trung vào cấp bậc và cơ sở đến sự quan tâm sâu sắc hơn đến trải nghiệm và phản ứng cá nhân của người học.
Sách Education in the Asia-Pacific Region, Tạp chí European Journal of Educational Research và tạp chí Journal of Asian Finance, Economics and Business là ba nguồn xuất bản có số lượng tài liệu công bố nhiều nhất (28 tài liệu). Đứng thứ 4 về số lượng tài liệu là Tạp chí Universal Journal of Educational Research, thuộc Nhà xuất bản Horizon Research Publishing (Mỹ), là một tạp chí chuyên về lĩnh vực giáo dục (27 tài liệu). Mặc dù vậy, trong 7 tạp chí, hiện đã có 3 tạp chí bị loại ra khỏi danh mục của Scopus bao gồm Journal of Asian Finance, Economics and Business (28 tài liệu), Universal Journal of Educational Research (27 tài liệu) và Management Science Letters (19 tài liệu), đặc biệt khi cả 3 tạp chí là ba nguồn xuất bản có số lượng công bố cao nhất trong top 10 từ 2013-2022. Việc ba tạp chí quan trọng như Journal of Asian Finance, Economics and Business; Universal Journal of Educational Research và Management Science Letters bị loại khỏi danh sách Scopus có thể ảnh hưởng lớn đến uy tín của các nghiên cứu khoa học giáo dục của Việt Nam đã được công bố trong giai đoạn 2013-2022. Cộng đồng nghiên cứu, đặc biệt là những người sử dụng Scopus để theo dõi xu hướng và tiến triển trong lĩnh vực này, có thể phải đối mặt với thách thức trong việc xác định nguồn thông tin đáng tin cậy và chất lượng.
Nguồn: Phạm Hiệp và cộng sự