Bài báo tìm hiểu thái độ của sinh viên Việt Nam về việc học tập kĩ năng nghe tiếng Anh sau hai chu kỳ của một dự án nghiên cứu hành động, trong đó phương pháp hướng dẫn chiến lược được áp dụng dưới dạng một biện pháp can thiệp.
Nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Ngoại ngữ tại một trường đại học ở Việt Nam. Khách thể nghiên cứu gồm 30 sinh viên (23 nữ và 7 nam) đang học năm nhất, môn tiéng Anh. Can thiệp của dự án nghiên cứu hành động này là ứng dụng phương pháp hướng dẫn chiến lược nghe, kéo dài 9 tuần. Trong đó, 12 chiến lược được tích hợp vào chương trình học và các tài liệu đọc thêm, sau đó giới thiệu cho sinh viên. Nghiên cứu được thiết kế theo tiêu chuẩn một nghiên cứu hành động, gồm 4 pha: lên kế hoạch, hành động, quan sát và đánh giá.
Các phương pháp chính được sử dụng để thu thập dữ liệu phục vụ nghiên cứu là ghi nhật ký và thảo luận nhóm tập trung. Thảo luận nhóm tập trung gồm 10 câu hỏi mở, trong đó 5 câu đề cập trực tiếp 3 khía cạnh của thái độ, bao gồm nhận thức, hành vi và tình cảm. Trong suốt thời gian 9 tuần của dự án, sinh viên được đề nghị viết nhật ký ngay sau mỗi tiết học kĩ năng nghe, mỗi tuần một lần. Quá trình phân tích dữ liệu định tính sử dụng phần mềm Nvivo 12.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau can thiệp bằng phương pháp hướng dẫn chiến lược, đa số sinh viên giữ thái độ tích cực đối với việc học tập kĩ năng nghe, được thể hiện thông qua các khía cạnh nhận thức, hành vi và tình cảm. Cụ thể, các sinh viên tham gia dự án cho rằng nghe là một kỹ năng khó nhưng rất cần thiết. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghe, nhưng các sinh viên tin rằng các chiến lược nghe ngoại ngữ có thể giúp họ vượt qua các vấn đề có liên quan đến kĩ năng này. Hơn nữa, các sinh viên cũng cho rằng các chiến lược học nghe giúp họ trở nên tự chủ, có mong muốn học tập kỹ năng nghe và cảm thấy tự tin hơn vào khả năng cải thiện khả năng nghe ngoại ngữ của mình. Ngoài ra, họ cảm thấy hài lòng với khóa học nghe về phương pháp hướng dẫn chiến lược, không khí lớp học, phương pháp luận của giáo viên và tài liệu học tập.
Kết quả nghiên cứu có một số ý nghĩa đối với phương pháp sư phạm trong giảng dạy kĩ năng nghe ngoại ngữ cho sinh viên, học viên. Thứ nhất, chúng tôi đưa ra khuyến nghị rằng trong các tiết học nghe, các chiến lược học tập nên được trình bày cụ thể để thúc đẩy, cổ vũ động viên học viên và cung cấp cho họ những phương pháp tốt để vượt qua và cải thiện các vấn đề về kĩ năng nghe. Thứ hai, sự hợp tác giữa sinh viên - giáo viên và giữa các sinh viên được khuyến khích trong các bài học về phương pháp hướng dẫn chiến lược nghe, thông qua các hoạt động làm việc nhóm, làm việc theo cặp, các buổi chia sẻ và các hoạt động dự án. Thứ ba, để tối ưu hóa lợi thế của các chiến lược nghe ngoại ngữ, cần hướng dẫn trong một thời gian đủ lâu để học viên có đủ thời gian làm quen với các chiến lược và thực hành sử dụng chúng thành thạo trong việc học tập.
Vân An lược dịch
Nguồn
Ngo, T. T. H. (2022). Effects of Strategy Instruction on Tertiary Students’ Attitudes towards Learning English Listening Skill: An Action Research Project in Vietnam. International Journal of TESOL & Education, 2(2), 142–167. https://doi.org/10.54855/ijte.22228