Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm - tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỉ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc. Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, tụy,... Ngoài ra hút thuốc lá còn tăng nguy cơ ung thư tử cung, ung thư vú đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng và chống tác hại của thuốc lá (Ảnh: Internet)
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng và chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng, có thể triển khai một số hoạt động sau:
1. Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền: Phát triển các chiến dịch tuyên truyền với thông điệp rõ ràng về nguy cơ và hậu quả của việc hút thuốc lá. Sử dụng phương tiện truyền thông đa dạng như: quảng cáo truyền hình, radio, quảng cáo ngoài trời và mạng xã hội để truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả.
2. Tạo các chương trình giáo dục: tổ chức buổi hội thảo, seminar và các chương trình giáo dục trong các cộng đồng để tăng cường kiến thức về tác hại của thuốc lá; hướng dẫn cách ngừng hút thuốc và cung cấp thông tin về các nguồn hỗ trợ, như dịch vụ tư vấn và các phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá.
3. Kết hợp với giáo dục trường học: thúc đẩy các chương trình giáo dục về tác hại của thuốc lá trong các trường học; khuyến khích sự tham gia của học sinh trong các dự án và hoạt động tuyên truyền, giúp các em trở thành những người ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng.
4. Xây dựng môi trường không hút thuốc: khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và cơ sở kinh doanh thiết lập môi trường không hút thuốc.
5. Tổ chức các chiến dịch xã hội hóa: cần có sự hỗ trợ, tham gia của người nổi tiếng, cộng đồng cơ sở và những người có ảnh hưởng để chia sẻ thông điệp về việc không hút thuốc; chia sẻ các câu chuyện thành công về việc cai thuốc lá để tạo động lực cho những người xung quanh.
6. Hỗ trợ chính sách cấm hút thuốc: Hỗ trợ và tham gia vào các chiến dịch và hoạt động nhằm thúc đẩy việc thiết lập các chính sách cấm hút thuốc trong các khu vực công cộng và nơi làm việc.
Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp sử dụng mà còn ảnh hưởng đến đối tượng hút thuốc lá thụ động, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong 10 yếu tố gây ra các loại bệnh khác nhau như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh tim mạch,... Đối với phụ nữ mang thai, trực tiếp hút thuốc lá hay hút thuốc thụ động đều ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển của thai nhi. Còn đối với trẻ nhỏ, ảnh hưởng bởi khói thuốc lá thụ động sẽ ảnh hưởng đến não, tim, đường ruột, các bệnh về hô hấp,... Khói thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lí nguy hiểm. Ngoài những nguy cơ về bệnh tật, việc hút thuốc lá còn gây ảnh hưởng đến kinh tế gia đình do chi phí để mua thuốc lá; làm gia tăng chi phí chăm sóc y tế từ các bệnh do khói thuốc gây ra.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá như: trường học, các cơ sở y tế, nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, thư viện, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên các phương tiện giao thông công cộng; không sử dụng thuốc lá trong các lễ hội, đám cưới,…; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, Chống tác hại của thuốc lá.
Từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, cho gia đình mình và những người xung quanh. Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhằm loại bỏ thói quen hút thuốc cho người dân, tiến tới một xã hội khỏe mạnh với một môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.
Nguồn: Hoàng Huyền (sưu tầm, tổng hợp)