Thuốc lá và nguy cơ ung thư

Hút thuốc lá và nguy cơ ung thư có một mối quan hệ mạnh mẽ và đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh. Các chất hóa học có trong khói thuốc lá có thể gây ra nhiều biến đổi gen và tổn thương DNA, tăng nguy cơ xuất hiện các tế bào ung thư. Dưới đây là một số điểm chính về mối liên quan giữa hút thuốc lá và nguy cơ ung thư

1. Ung thư phổi

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính của ung thư phổi. Các chất hóa học như benzene, formaldehyde, và các hydrocarbon có trong khói thuốc lá đều có thể gây tổn thương DNA và tạo điều kiện cho sự phát triển của tế bào ung thư. 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc.

Mức độ nguy cơ sẽ tăng lên cùng với số năm hút thuốc lá, số lượng thuốc lá tiêu thụ hàng ngày và lứa tuổi lúc bắt đầu hút thuốc lá càng sớm càng nguy hiểm. Hút bao nhiêu thuốc thì tăng nguy cơ bị ung thư phổi? Người ta thấy rằng với bất kỳ lượng thuốc hút nào cũng gây tăng nguy cơ mắc ung thư phổi; nghĩa là, không có giới hạn dưới của của lượng thuốc hút cần thiết để gây ung thư phổi. Thời gian hút thuốc lá cũng rất quan trọng, thời gian hút càng dài thì tác hại càng lớn.

Những người không hút thuốc mà kết hôn với người hút thuốc, tỉ lệ chết vì ung thư phổi cao hơn 20% so với người kết hôn với người không hút thuốc và tỉ lệ chết vì ung thư phổi cũng tăng lên cùng với số lượng thuốc được hút bởi người vợ hoặc người chồng.

Chỉ khoảng 13% bệnh nhân ung thư phổi sống sót sau 5 năm. Tỉ lệ chết do ung thư phổi ở nam giới có hút thuốc cao gấp 22 lần so với nam giới không hút thuốc, còn ở nữ thì gấp khoảng 12 lần. Hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi với chỉ số nguy cơ tương đối cao, khoảng từ 1,2 đến 1,5. Khi đồng thời hút thuốc và có tiếp xúc với yếu tố độc hại khác thì nguy cơ gây ung thư phổi sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Ngoài ra, hút thuốc lá còn gây ra ung thư ở nhiều các phần khác như họng, thanh quản, thực quản, tuyến tuỵ, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng.
2. Các loại ung thư ở các bộ phận thuộc đầu và cổ

Các loại ung thư các bộ phận thuộc đầu và cổ bao gồm ung thư thực quản, thanh quản, lưỡi, tuyến nước bọt, môi, miệng và họng. Những nguy cơ của các bệnh ung thư này sẽ tăng dần cùng với số lượng và thời gian hút thuốc. Hút thuốc lá và nghiện rượu là hai yếu tố mạnh nhất gây ung thư ở các bộ phận thuộc đầu và cổ. Nghiện rượu và các sản phẩm chế xuất từ thuốc lá cùng nhau tăng nguy cơ về lâu dài gây ung thư.

- Ung thư thực quản. Nguy cơ phát bệnh ung thư thực quản của người hút thuốc lớn hơn 8 tới 10 lần người không hút thuốc. Những nguy cơ này sẽ bị tăng thêm từ 25 tới 50 phần trăm nếu người hút thuốc sử dụng nhiều rượu.

- Ung thư thanh quản. Hút thuốc gây nên 80 % trong tổng số ung thư thanh quản. Người hút thuốc chịu nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản lớn hơn 12 lần so với người không hút thuốc.

- Ung thư miệng. Hút thuốc là nguyên nhân chủ yếu của các bệnh ung thư lưỡi, tuyến nước bọt, miệng và vòm họng. Những người nam giới hút thuốc có nguy cơ lớn gấp 27 lần phát triển các bệnh về ung thư miệng hơn những nam giới không hút thuốc.

- Ung thư mũi. Về lâu dài người hút thuốc sẽ có nguy cơ cao gấp hai lần hơn người không hút thuốc trong phát bệnh ung thư mũi.

3. Ung thư thận và bàng quang

Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cả thận và bàng quang. Trong tổng số ca tử vong do ung thư bàng quang thì ước tính có khoảng 40 tới 70 % là vì sử dụng thuốc lá.

4. Ung thư tuyến tuỵ

Tuyến tuỵ là tuyến dễ bị ung thư vì khói thuốc vào cơ thể tới tuyến tuỵ qua máu và túi mật. Ước tính rằng thuốc lá là nguyên nhân của 30 % của tổng số ung thư tuyến tuỵ.

5. Ung thư buồng trứng và tử cung ở nữ giới; ung thư tinh hoàn ở nam giới

Cả nam và nữ hút thuốc lá đều có nguy cơ tăng về ung thư buồng trứng (ở phụ nữ) và tinh hoàn (ở nam) so với những người không hút thuốc. Nguy cơ tăng cùng với số lượng và thời gian sử dụng thuốc lá.

6. Ung thư hậu môn và đại trực tràng

Bằng chứng mới đây đã phát hiện ra hút thuốc lá đóng vai trò tác nhân gây ung thư hậu môn và đại trực tràng. Cũng trong một nghiên cứu diện rộng được tiến hành ở Mỹ đối với cả nam và nữ, những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng từ 75 tới 100% so với những người cùng lứa tuổi không hút thuốc.

7. Ung thư máu và hệ thống lympho

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc lá có thể liên quan đến một số loại ung thư máu và hệ thống lympho.

Điều quan trọng là ngừng hút thuốc lá có thể giảm nguy cơ mắc ung thư và cải thiện sức khỏe tổng thể. Người hút thuốc nên tìm kiếm sự hỗ trợ y tế để chấm dứt thói quen này và tham gia vào các chương trình ngừng hút thuốc.

Hoàng Mai (sưu tầm, tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thuốc lá và nguy cơ ung thư tại chuyên mục Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19