Phù hợp yêu cầu thực tiễn
Thầy Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay theo quy định hiện hành, giáo viên và nhà trường vẫn được tham gia vào quá trình lựa chọn sách giáo khoa nhưng chỉ với vai trò đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, tại dự thảo thông tư mới, vai trò của giáo viên, nhà trường rõ ràng hơn khi mỗi trường được thành lập hội đồng riêng tự quyết định lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc thù của đơn vị mình.
“Giáo viên sẽ lựa chọn cuốn sách phù hợp với học sinh của lớp mình, trường mình, với khả năng sư phạm của tổ chuyên môn để đề xuất lên hội đồng. Theo đó, thầy cô sẽ có tiếng nói quyết định để đảm bảo chất lượng giáo dục tốt nhất cho học sinh”, thầy Hà chia sẻ.
Đồng tình với nhận định này, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng việc giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên, nhà trường là phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Phân tích cụ thể hơn, thầy Bình cho rằng mỗi nhà trường có đặc thù riêng và không ai hiểu học sinh bằng giáo viên. Vì vậy, các thầy cô tùy theo năng lực, trình độ của học sinh sẽ có lựa chọn sách phù hợp với khả năng tiếp thu của các em cũng như với điều kiện thực tiễn nhà trường.
Bên cạnh đó, việc giao quyền chọn sách cho các trường cũng là cách nâng trách nhiệm của cơ sở đào tạo. Các nhà trường phải có sự chủ động, linh hoạt, bản lĩnh trong việc lựa chọn học liệu chứ không không nen trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên.
Thầy Bình cho rằng nhà trường, giáo viên được tự quyết lựa chọn sách giáo khoa, học liệu phù hợp với học sinh của mình cũng là xu hướng chung của thế giới, hướng tới dạy học cá nhân hóa. Giáo viên thậm chí có thể sử dụng kết hợp cùng lúc nhiều sách giáo khoa, nhiều học liệu ngoài sách giáo khoa để tăng chất lượng giáo dục.
“Khi đó nhà trường, giáo viên sẽ được tăng tính chủ động, sáng tạo. Tôi đánh giá cao sự điều chỉnh này của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, thầy Bình cho hay.
Đây cũng là quan điểm của bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh. Theo bà Thúy, với dự thảo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến thêm một bước trong việc giao quyền tự chủ cho nhà trường. “Tôi cho rằng việc các trường được chọn bộ sách giáo khoa phù hợp đặc thù của mình là hợp lí”, bà Thúy nói.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Theo bà Nga, việc giao quyền chọn sách giáo khoa cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố như hiện nay có những điểm chưa phù hợp vì mỗi đối tượng học sinh khác nhau có thể cần những bộ sách khác nhau. Cùng trong một tỉnh nhưng điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực, trình độ của học sinh và giáo viên giữa khu vực miền núi, nông thôn và thành phố rất khác nhau. Thậm chí, ngay trong cùng một thành phố, vẫn có những trường chất lượng học sinh và giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, có trường chưa tốt bằng.
“Vì vậy, để các trường tự chọn sách giáo khoa là phù hợp vì các trường sẽ hiểu rõ học sinh và giáo viên của mình để lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp nhất”, bà Nga nói.
Hạn chế tiêu cực
Cũng theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, việc giao cho các trường lựa chọn sách giáo khoa sẽ tránh được việc lợi ích nhóm nếu có.
Theo bà Nga, hiện có nhiều bộ sách giáo khoa và vì thế, các đơn vị xuất bản sách đương nhiên sẽ có sự cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng.
“Tuy nhiên, chúng ta có thể lường trước tình huống không cạnh tranh bằng giá cả mà bằng các hình thức khác. Nếu giao quyền cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chọn sách giáo khoa thì cả nước chỉ có hơn 60 hội đồng chọn sách. Giả sử có lợi ích nhóm trong chọn sách giáo khoa thì việc thực hiện rất dễ, nhưng nếu giao cho các nhà trường với hàng chục nghìn hội đồng chọn sách thì không một nhà xuất bản, một tổ chức, cá nhân nào có thể tác động được đến tất cả các cơ sở giáo dục. Vì thế, tránh được nguy cơ lạm dụng việc này để trục lợi cá nhân. Tôi cho rằng dự thảo quy định này sẽ tháo gỡ được nhiều bất cập,” bà Nga phân tích.
Trên thực tế, vấn đề lợi ích nhóm trong lựa chọn sách giáo khoa đã được dư luận nhiều lần đặt ra và được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đà Nẵng chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Nữ đại biểu khẳng định có lợi ích nhóm trong vấn đề này và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền chọn sách cho giáo viên.
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, với việc thực hiện theo dự thảo thông tư mới, khi mỗi nhà trường là một hội đồng chọn sách sẽ giảm lo ngại của xã hội về sự tác động của các nhà xuất bản đến quyết định chọn sách giáo khoa của các địa phương.
Từ góc nhìn quản lí giáo dục địa phương, giáo sư Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho rằng dự thảo thông tư mới chính là sự điều chỉnh hợp lí của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, đội ngũ nhà giáo.
“Vì thế, dự thảo thông tư có thể nói đã đi rất đúng, trúng, phù hợp với tâm tư và mong muốn của đội ngũ giáo viên, nhà trường. Với tư cách quản lí giáo dục địa phương, chúng tôi rất hoan nghênh quan điểm này và thông tư dự thảo. Đây cũng chính là khâu cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chọn sách và giảm sự tác động của đội ngũ quản lí đến việc chọn sách giáo khao, khắc phục những bất cập mà lâu nay chúng ta đang nói một cách rất hiệu quả”, giáo sư Thái Văn Thành nói.
Thái Bình