Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Ba phương án lựa chọn
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hai phương án được đưa ra lấy ý kiến. Phương án 1: Thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn, gồm 4 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Phương án 2: Thí sinh thi 5 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả Lịch sử).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện khảo sát ý kiến của 130.000 cán bộ, giáo viên trên cả nước. Kết quả nghiêng về phương án 2 với tỉ lệ lựa chọn chiếm 73,59% ý kiến khảo sát, 26,41% lựa chọn phương án 1. Kết quả này cũng trùng với kết quả khảo sát tại Hội nghị công tác quản lí chất lượng với 205 đại biểu là lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo khi có 68,8% chọn phương án 2 và 31,2% đồng ý với phương án 1.
Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đã đề xuất thêm phương án thí sinh chỉ thi 4 môn, gồm hai môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi đưa ra ba phương án, khảo sát ý kiến của gần 18.000 cán bộ, giáo viên cho thấy tỉ lệ lựa chọn phương án thi 4 môn lại chiếm đa số. Cụ thể, có 59,8% chọn thi 4 môn, 40% chọn phương án thi 6 môn và 0,2 % chọn ý kiến khác.
Như vậy, có ba phương án thi đang được Bộ đưa ra lấy ý kiến, trong đó các ý kiến đều thống nhất trong nhóm môn lựa chọn sẽ thi hai môn và còn sự khác nhau trong lựa chọn số môn thi ở nhóm môn học bắt buộc.
Giảm số môn để giảm áp lực
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, ưu điểm của phương án 3 với hai môn bắt buộc, hai môn tự chọn là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh cũng như cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn thay vì 6 môn như hiện nay). Phương án này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em, tạo điều kiện cho học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là làm ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử, Ngoại ngữ, hai môn này hiện đang là môn bắt buộc phải học trong chương trình cấp THPT
Tuy nhiên, ở góc độ thí sinh, phương án thi 4 môn nhận được sự đồng tình của nhiều em. Theo em Phạm Phương Linh, học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), khi chỉ thi 4 môn, học sinh sẽ giảm áp lực ôn tập và thi cử, dành thời gian nhiều hơn cho các môn học yêu thích cũng như những môn các em dự định sử dụng điểm để xét tuyển vào các trường đại học.
Đây cũng là chia sẻ của em Phạm Thu Hương, học sinh Trường THPT Quang Trung (Hà Nội). Theo Hương, hiện các trường đại học đang càng ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển đa dạng hơn nên thí sinh cũng phải dành nhiều thời gian hơn cho việc ôn tập phục vụ kì thi này.
“Điểm thi tốt nghiệp chỉ là điểm thành phần kết hợp với điểm học bạ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh. Theo đó, với mục đích xét tốt nghiệp, em nghĩ không nên thi quá nhiều môn để giảm tải cho học sinh vì ngoài môn thi để xét tốt nghiệp, mỗi học sinh còn phải học và ôn thêm các môn học khác để thi lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học. Em nghĩ thi 4 môn là hợp lí”, Hương nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thí sinh cần thi cả 4 môn học bắt buộc bởi nếu không thi, các em sẽ chểnh mảng trong khi Lịch sử là môn học có ý nghĩa bồi đắp niềm tự hào dân tộc, môn Ngoại ngữ là công cụ quan trọng của kỉ nguyên hội nhập.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Hệ thống giáo dục FPT cho rằng phương án thi nên hướng tới giảm gánh nặng cho học sinh, gia đình và xã hội. Việc đưa môn Lịch sử vào thi bắt buộc sẽ vô tình tạo áp lực lớn cho học sinh và ngược với định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT trong khi đó môn Ngoại ngữ đang ngày càng trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh.
Cũng ủng hộ phương án thi 4 môn, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục học Việt Nam đề xuất nên nghiên cứu và mạnh dạn triển khai phương án này nhằm giảm áp lực cho học sinh, giáo viên, đồng thời, không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh. “Giảm số môn thi, học sinh sẽ có thêm thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em”, thầy Lâm nói.
Cần sớm chốt phương án
Nhìn ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng thi bao nhiêu môn không quan trọng, quan trọng là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát, đối chiếu với mục đích, yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Chúng ta đã đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và xác định chương trình mới nhằm phát huy tối đa năng lực sở trường của học sinh, tránh tối đa việc dạy vẹt, học vẹt. Bộ là cơ quan chịu trách nhiệm và có chuyên môn cao nhất về lĩnh này nên Bộ sẽ biết được thi như thế nào là phù hợp nhất với học sinh. Tôi nghĩ rằng Bộ cũng không cần thiết phải xin ý kiến nhiều đến thế vì theo dư luận xã hội chưa chắc đã hay, chưa chắc đã tốt do không phải ai cũng có chuyên môn”, bà Nga phân tích.
Theo bà Nga, phương án thi cần phải được chốt sớm để Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương, đặc biệt là các học sinh, giáo viên và các nhà trường có chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị chu đáo cho kì thi.
“Năm 2025 là năm đầu tiên chúng ta tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho lứa học sinh đầu tiên được dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên đây sẽ là kì thi rất quan trọng. Chương trình có rất nhiều đổi mới so với chương trình cũ và từ đổi mới chương trình quy định đổi mới cách dạy, cách học, từ đổi mới cách dạy và học quy định đổi mới trong cách thi cử và đánh giá. Vì vậy, nếu như không có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa thì rất dễ rơi vào bị động và lúng túng. Do đó, tôi nghĩ rằng cần phải rất chú ý đến khâu chuẩn bị để chúng ta kì thi diễn ra nghiêm túc, hiệu quả và an toàn. Đó cũng là một trong những đóng góp vào việc thực hiện thành công của chương trình giáo dục phổ thông 2018”, bà Nga nói.
Thái Bình