Chính sách phát triển giáo dục - đào tạo tiếng Anh trong quá trình hội nhập ASEAN: thực tiễn và đề xuất cho Việt Nam

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tại các nước trong ASEAN, trước hết cần hệ thống hoá tiêu chuẩn tiếng Anh ở các trường đại học tại khu vực. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu so sánh và thống kê tại bàn nhằm hệ thống một số chính sách, quá trình triển khai trong lĩnh vực này tại Việt Nam và một số thành viên ASEAN. Nghiên cứu phân tích thực trạng giáo dục tiếng Anh bậc đại học ở Việt Nam, từ đó gợi ý một số giải pháp phát triển giáo dục - đào tạo tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập khu vực.

Tiếng Anh có một vị thế đặc biệt trong ASEAN. ASEAN xác định ngôn ngữ làm việc thống nhất là tiếng Anh, dù đây không phải là ngôn ngữ bản địa của bất kì quốc gia nào trong khu vực.

Kachru (1985) mô tả sự lan tỏa của tiếng Anh trên phạm vi toàn cầu bằng hình ảnh 3 vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn bên trong gồm những quốc gia coi tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa, vòng tròn bên ngoài là các nước sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai, còn các quốc gia dùng tiếng Anh như ngoại ngữ thuộc vòng tròn mở rộng. Tại ASEAN, Brunei, Malaysia, Singapore và Philippines là thuộc địa cũ của Anh và Hoa Kỳ, thuộc nhóm quốc gia ở vòng tròn bên ngoài, còn Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cambodia và Indonesia nằm ở vòng tròn mở rộng. Có nhiều phân tích liên quan đến vị trí của Mianma và nhận định quốc gia này có thể xếp vào vòng tròn bên ngoài. Cơ sở đưa ra quyết định là do quốc gia này trong lịch sử từng là thuộc địa của Anh nhưng do chính sách đóng cửa trong thời gian dài, vai trò của tiếng Anh đã suy giảm và tạo cho Myanmar có đặc điểm gần giống với các quốc gia thuộc vòng tròn mở rộng. Kết quả cho thấy, các quốc gia thuộc vòng tròn bên ngoài có trình độ từ cao tới rất cao, trong khi đó, nhóm nước thuộc vòng tròn mở rộng dao động từ rất thấp tới thấp. Sự chênh lệch này chủ yếu do đặc điểm lịch sử và quan điểm của các chính phủ, cũng như xã hội về vai trò của tiếng Anh trong đời sống.

Chính phủ Việt Nam đánh giá tầm quan trọng của tiếng Anh và cụ thể hoá triển khai xây dựng và thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Đề án Ngoại ngữ Quốc Gia 2020 quy định sinh viên các trường cao đẳng và đại học không chuyên ngữ sau khi tốt nghiệp phải có trình độ ngoại ngữ tối thiểu Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam, tương đương với trình độ B1 theo Khung tham chiếu Châu Âu (CEFR). Do đó, kể từ cuối năm 2012, Bộ GD-ĐT bắt đầu có hướng dẫn chi tiết, giúp các trường thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, số liệu khảo sát thực tế cho thấy giáo dục Anh ngữ tại Việt Nam còn tồn tại rất nhiều hạn chế như: Việt Nam xếp thứ hạng 52/100 quốc gia về trình độ tiếng Anh tại các nước không sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ và thuộc nhóm ở trình độ thấp; Mức điểm TOEIC trung bình đạt 220-244/900;... Nghiên cứu chỉ ra phần lớn các chương trình ở bậc đại học đã trở nên lạc hậu, chưa vận dụng tốt thang cấp độ tư duy Bloom trong xác định mục tiêu học tập giáo dục và đánh giá chất lượng giảng dạy, học tập. Với giáo án nặng lí thuyết, phương pháp học tập thụ động, cũng như thái độ chủ quan, thiếu tinh thần cầu tiến, nhiều sinh viên chỉ dừng lại ở mức Biết - Hiểu, trong khi thị trường lao động yêu cầu trình độ Anh ngữ từ mức Vận dụng trở lên.

Từ đó, nghiên cứu đề xuất phương hướng cải thiện chất lượng giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam như sau: (1) Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo đã được điều chỉnh sau quá trình tham khảo ý kiến chuyên gia; (2) Các trường đại học cũng như các tổ chức giáo dục cần kiểm định lại các khóa học, đánh giá lại chương trình đào tạo tiếng Anh, từ giáo trình, phương pháp giảng dạy đến xây dựng và đào tạo đội ngũ giảng viên; (3) Các trường đại học nên tập trung một số hoạt động cải thiện tiếng Anh cụ thể; (4) Các trường đại học khảo sát nhu cầu việc làm của sinh viên, sau đó nhóm chuyên trách sẽ xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với từng ngành nghề, công việc.

Về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiếng Anh của Việt Nam trong môi trường hợp tác sâu rộng với các thành viên ASEAN, trước hết, Việt Nam cần tăng cường sự hợp tác và gắn kết sâu rộng trong đào tạo tiếng Anh với các nước trong khu vực ASEAN. Các khóa đào tạo, hợp tác, trao đổi trong khuôn khổ giữa các trường cũng cần được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, Việt Nam cần tổ chức thường xuyên những buổi hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt với các quốc gia trong khu vực về giáo dục và đào tạo tiếng Anh. Ở tầm vĩ mô, Việt Nam nên cùng các quốc gia thành viên tập trung xây dựng một lộ trình giáo dục tiếng Anh với các mục tiêu cụ thể, tăng cường các chương trình giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế và xã hội.

Nghiên cứu của nhóm tác giả tiếp cận các chương trình đào tạo tiếng Anh một cách chính quy. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn tồn tại một hạn chế khi chưa phân tích rõ cách thức cụ thể các thành viên ASEAN phát triển đào tạo hệ thống giáo dục đại học Anh ngữ chất lượng cao và thích ứng với quá trình hội nhập sâu của khu vực.

Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu sắc hơn có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.

Huyền Đức

Tài liệu tham khảo

Hoàng Thị Hòa, Đỗ Hoàng Phương Nhi (2020). Phát triển giáo dục - đào tạo tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập tại ASEAN: Thực tiễn và gợi ý chính sách cho Việt Nam. Tạp chí Quản lý và Kính tế quốc tế, 130, 42-52.