Một trong những nội dung mới về đánh giá giáo dục phổ thông là chuyển từ đánh giá chuẩn kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực học sinh dựa trên kết quả hoạt động và yêu cầu cần đạt được; đánh giá không chỉ chú ý đến kết quả mà còn đánh giá cả quá trình học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập; đánh giá nhằm vào sự tiến bộ của người học.
Đánh giá xác thực là một trong những phương pháp đánh giá được chú trọng trong việc đánh giá quá trình học tập của sinh viên. Đánh giá xác thực đã được nghiên cứu và sử dụng trong một số môn học ở trường tiểu học trên thế giới.
Qua phân tích một số nghiên cứu của Wiggins (1993), Chun (2010), Frey et al. (2012), Muller (2015), bài viết về các đặc điểm của nhiệm vụ đánh giá xác thực của tác giả Nguyễn Thị Thu Trang và Vũ Đình Phương (2021) trình bày: nội dung nhiệm vụ cần gắn với thực tiễn; học sinh phải vận dụng tư duy bậc cao khi giải quyết các vấn đề trong bài tập; đánh giá xác thực thể hiện tính sáng tạo, sản phẩm tạo ra từ nhiệm vụ đánh giá xác thực không phải là kết quả của bài tập mà là sản phẩm hoặc kết quả thực tế có chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ; nhiệm vụ của bài đánh giá xác thực sẽ định hướng các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, từ đó giáo viên và học sinh có thể sử dụng để đánh giá, tự đánh giá.
Bài viết này được thực hiện bởi tác giả Nguyễn Thị Thu Trang (Đại học Thủ Dầu Một) trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước đó của tác giả. Trong đó, trong một công bố năm 2018, tác giả đã đã đề xuất quy trình thiết kế nhiệm vụ đánh giá xác thực dạy học môn Toán theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh tiểu học như sau:
Bước 1: Xác định mục đích và đối tượng đánh giá.
Bước 2: Xác định thời gian đánh giá.
Bước 3: Xác định các tiêu chuẩn cần đánh giá.
Bước 4: Thiết kế các nhiệm vụ của đánh giá xác thực
Bước 5: Xây dựng tiêu chí đánh giá
Bước 6: Thiết kế bảng đánh giá.
Quy trình nêu trên đảm bảo các nhiệm vụ đánh giá xác thực được xây dựng sẽ đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực môn Toán trong chương trình Toán (2018) dựa trên kết quả học tập của học sinh, đồng thời đề xuất các tiêu chí đánh giá để giáo viên và học sinh sử dụng để đánh giá và tự đánh giá.
Để trả lời các câu hỏi nghiên cứu, tác giả đã sử dụng phương pháp phỏng vấn bằng bảng hỏi. Các câu hỏi tập trung nghiên cứu nhận thức của giáo viên về đánh giá xác thực trong dạy học môn Toán theo định hướng phát triển năng lực học sinh tiểu học.
Các dữ liệu thu thập được sẽ được xử lý, phân tích để đưa ra các thông tin cần thiết phục vụ cho mục đích đánh giá, từ đó đưa ra nhận định về mức độ nhận thức của giáo viên đối với việc đánh giá xác thực nhiệm vụ dạy học môn Toán theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh tiểu học. Thời gian tiến hành khảo sát là từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022.
Từ kết quả nghiên cứu, tác giả nhận định: Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói chung và môn Toán nói riêng là vô cùng cần thiết. Trong đó, việc đổi mới hoạt động kiểm tra đánh giá có tác động quan trọng đến hoạt động dạy học giúp giáo dục đạt mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh. Đánh giá xác thực là một trong những hình thức đánh giá đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động đánh giá năng lực người học. Tuy nhiên, kết quả khảo sát giáo viên về đánh giá xác thực cho thấy giáo viên tiểu học ở một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Dương cần được trang bị thêm kiến thức về đánh giá xác thực và đó cũng là cơ sở để đề xuất các phương pháp thực hiện đánh giá xác thực trong thực tế dạy học môn Toán ở nước ta theo định hướng phát triển năng lực học sinh tiểu học.
Vân An lược dịch