Hội thảo 10 năm thực hiện Nghị quyết 29: “Bức tranh” giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên sau 10 năm đổi mới

Trong bối cảnh cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn hẹp, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

(PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, báo cáo tại Hội thảo - Ảnh: Trung tâm TT-SK)

Nhiều kết quả tích cực

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục đào tạo đã đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Chương trình GDPT tổng thể và chương trình giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục của từng bậc học, môn học đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên được ban hành mục tiêu, chuẩn đầu ra cụ thể. Ban hành tương đối toàn diện, bao quát hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới.

Ban hành và thực thi các giải pháp nhằm đổi mới việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2006 đồng bộ, kịp thời theo hướng tiếp cận hình thành phẩm chất và năng lực học sinh như việc giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, linh hoạt sắp xếp tinh giản nội dung dạy học, đổi mới về phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, đổi mới quản trị nhà trường.

Chương trình GDPT 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, khoa học, đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chương trình xác định rõ 05 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông, đảm bảo định hướng nghề, phân luồng hướng nghiệp cho học sinh.

Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối các nội dung giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học theo hướng tích hợp ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; khắc phục sự chồng lấn giữa các môn; bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học. Nội dung các môn học được xây dựng theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống; đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của CTGDPT mới, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Về đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan. Hệ thống các văn bản đổi mới thi và kiểm tra đánh giá được ban hành đồng bộ, kịp thời.

Việc đổi mới kì thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch; luyện thi tràn lan không còn diễn ra như những năm trước đây, thực hiện đúng phương châm “học gì thi nấy”, yêu cầu học sinh phải học toàn diện. Kết quả Kì thi cũng đáp ứng được yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lí giáo dục.

Công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tổ chức các đoàn học sinh giỏi tham dự Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục được đổi mới ở tất cả các khâu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm nghiêm túc, khách quan, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ngày càng được hoàn thiện. Hệ thống giáo dục phổ thông được ổn định, hệ thống giáo dục thường xuyên từng bước được hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu của mọi đối tượng người học, phù hợp với đặc điểm của từng lứa tuổi, phù hợp với quốc gia và xu thế phát triển hệ thống giáo dục phổ thông quốc tế, bảo đảm tính tương thích với các bảng phân loại giáo dục chung của quốc tế và bảo đảm thời lượng học tập tương đương với các nước trên thế giới.

Đối với công tác quản lí giáo dục, đào tạo cũng được đổi mới căn bản, bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo, coi trọng quản lí chất lượng.

Ưu tiên các nguồn lực đảm bảo thực hiện

Đến thời điểm này, cả nước có tổng số 1.234.124 giáo viên mầm non, phổ thông, so với năm học 2012 – 2013 tăng 141.894 chỉ tiêu.

Để bảo đảm chất lượng đội ngũ, nhiều đề án đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục đã được ban hành. Đồng thời, Bộ GDĐT ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên; các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm; quy định, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, nhân viên ngành giáo dục; đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học.

Năm học 2022 - 2023, trình độ đạt chuẩn của giáo viên (theo Luật Giáo dục 2019) tiểu học là 83,26%; THCS là 90,32%, THPT là 99,83% (tăng so với năm học trước lần lượt là 13,70%; 7,05%; 0,1%).

Về công tác bồi dưỡng giáo viên, Bộ GDĐT đã hoàn thành các chuyên đề bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho 30.127 giáo viên phổ thông cốt cán và 3.815 cán bộ quản lí cốt cán, đều vượt mục tiêu đề ra. 641.240 giáo viên và 48.422 cán bộ quản lí cơ sở giáo dục hoàn thành các khóa bồi dưỡng đại trà.

Hiện nay, có tổng số 135 cơ sở có đào tạo giáo viên, trong đó có 15 trường đại học sư phạm và 20 trường cao đẳng sư phạm. Có tổng số 31 ngành ở trình độ đại học và 01 ngành Giáo dục mầm non ở trình độ cao đẳng. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm như chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (NĐ 116); chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (NĐ 141). Cùng với đó, Bộ GDĐT ban hành các quyết định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên theo nhu cầu đào tạo của các địa phương và năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo…

Hệ thống chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục đã cơ bản hoàn chỉnh và được các đơn vị triển khai tương đối đầy đủ, kịp thời, bảo đảm quyền lợi, công bằng cho nhà giáo, kịp thời ghi nhận, động viên, khuyến khích nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngoài lương để nhà giáo tăng thêm thu nhập như: phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, và các loại trợ cấp cho giáo viên công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn…

Về cơ sở vật chất cơ bản đã được đầu tư, đầu tư có trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy, học theo chương trình mới tại các cơ sở giáo dục. Cả nước có 606.210 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, trong đó, số phòng học kiên cố 517.920 phòng, đạt tỉ lệ 85,44%, tăng gần 23 % so với năm học 2013-2014. Hệ thống các phòng học bộ môn, các phòng chức năng được tăng cường đầu tư, bổ sung theo yêu cầu đổi mới giáo dục.

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, dẫu vẫn còn đó những bất cập, hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai, nhưng với những kết quả bước đầu đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận, đó là đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự đóng góp nỗ lực, bứt phá, chuyển mình của toàn ngành giáo dục và được sự ủng hộ, công nhận của toàn xã hội.

Nguyễn Minh

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo 10 năm thực hiện Nghị quyết 29: “Bức tranh” giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên sau 10 năm đổi mới tại chuyên mục Hội thảo khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn