(Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Trung tâm TT-SK)
Tham dự hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ; đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GD-ĐT; các chuyên gia đến từ các đơn vị, tổ chức có liên quan cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách chuyên môn của các Sở GD-ĐT.
Nhận định việc báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW là cơ hội hết sức thuận lợi đối với ngành giáo dục, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Đối với Nghị quyết 29, ngành GD-ĐT là đơn vị tham mưu, là đơn vị thực hiện nên hơn ai hết, những người thực hiện báo cáo, đánh giá kết quả của chính mình thực hiện sẽ rõ ràng, sâu sát và thấu hiểu.
Do đó, hội thảo khoa học hôm nay với sự tham gia của các nhà giáo, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các trường đại học, Thứ trưởng đề nghị cần có những chia sẻ, góp ý thẳng thắn về báo cáo, những nhìn nhận, đánh giá khách quan sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Thông qua đó, phải rút kinh nghiệm, bài học đối với những mục tiêu chưa đạt được như đề ra, có những giải pháp tháo gỡ, định hướng lối đi mới cho thời gian tiếp theo.
Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành báo cáo tóm tắt về kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW cho biết: quyết 29 đã đặt ra 02 mục tiêu tổng quát, 03 mục tiêu cụ thể và 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã đạt được những thành tựu đáng kể, các mục tiêu hầu hết đã đạt được. Hệ thống các cơ sở giáo dục phổ thông đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân, công tác phổ cập giáo dục tiểu học và THCS tiếp tục được quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục và từng bước đạt chuẩn mức độ cao hơn.
Tỉ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7% (tăng 3,5% so với năm học 2013 - 2014); học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS đạt 94,3%3; học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục THCS đạt 90,7%.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, trung thực để rút ra bài học kinh nghiệm tiếp tục triển khai trong bối cảnh và giai đoạn tiếp theo.
Theo Cục trưởng Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục Vũ Minh Đức cho biết, với thực trạng thiếu hơn 118.000 giáo viên ở các bậc học như hiện nay, thời gian qua, Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã quan tâm, chú trọng vào các giải pháp tháo gỡ bài toán này.
Tập trung vào phát triển đội ngũ bằng việc ban hành, triển khai các đề án đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ; ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục; ban hành các quy định, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, nhân viên ngành giáo dục; đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Hiện nay, trên toàn quốc có 135 cơ sở có đào tạo giáo viên. Các cơ sở giáo dục đã quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học, nghiên cứu khoa học giáo dục, coi trọng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT đã ban hành các quyết định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên theo nhu cầu đào tạo của các địa phương và năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo…
Năm học 2022 - 2023, trình độ đạt chuẩn của giáo viên (theo Luật Giáo dục 2019) tiểu học là 83,26%; THCS là 90,32%, THPT là 99,83% (tăng so với năm học trước lần lượt là 13,70%; 7,05%; 0,1%);
Tỉ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ đạt 32,44% (tăng 17,64% so với năm 2013); tỉ lệ giảng viên có học hàm phó giáo sư và giáo sư lần lượt là 5,9% và 0,77% (tăng 1,5% và 0,07% so với năm 2013).
Về hệ thống chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục đã cơ bản hoàn chỉnh và được các đơn vị triển khai tương đối đầy đủ, kịp thời, bảo đảm quyền lợi, công bằng cho nhà giáo, kịp thời ghi nhận, động viên, khuyến khích nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Về cơ sở vật chất, cả nước có 606.210 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, trong đó, số phòng học kiên cố 517.920 phòng, đạt tỉ lệ 85,44% (tăng gần 23% so với năm học 2013 - 2014).
Bên cạnh kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế cũng được chỉ ra. Trong đó có việc thể chế hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW còn chưa đồng bộ; thiếu đồng bộ, thống nhất giữa quy định pháp luật về GD-ĐT với các quy định pháp luật khác; các quy định pháp luật nói chung chưa thực sự phù hợp với tính chất đặc biệt của GD-ĐT; số lượng văn bản quy phạm pháp luật nhiều, do nhiều cơ quan ban hành, nội dung quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, …
Tại hội thảo, đại diện các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, góp ý, nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến các nội dung trong dự thảo báo cáo như tổ chức thi tốt nghiệp THPT; đào tạo và tuyển dụng giáo viên; triển khai Chương trình GDPT 2018; cơ sở vật chất; tài chính, nguồn lực xã hội; chế độ, chính sách nhà giáo; phương pháp kiểm tra, đánh giá; chính sách học phí; xã hội hóa…
Đánh giá cao sự chuẩn bị của các đơn vị chuyên môn với nội dung báo cáo tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý: Đây là vấn đề lớn, khó, phức tạp vì vậy báo cáo cần sự chỉn chu, đầy đủ, sâu sát và kĩ lưỡng ở tất cả các nội dung. Thứ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, góp ý để hoàn thiện báo cáo một cách đầy đủ và toàn diện.
Nguyễn Minh