(Ảnh: Thái Bình)
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên gồm 10 huyện và 2 thành phố, phần lớn dân số là dân nhập cư. Dân tộc Kinh chiếm khoảng 77%, còn lại là các dân tộc khác. Với sự đa dạng về thành phần dân tộc nên hoạt động công tác xã hội trong trường học được ngành giáo dục chú trọng triển khai. Đến nay, trong đó 95% các trường thành lập tổ ghép “Tổ công tác xã hội trường học và tư vấn tâm lý”; các thành viên trong tổ bao gồm đại diện Ban Giám hiệu, tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm…
Vào đầu năm học mới, Tổ công tác xã hội và tư vấn tâm lý phối hợp giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu thông tin cá nhân học sinh để phân luồng học sinh thành các nhóm đối tượng để thuận lợi trong công tác hỗ trợ và bảo vệ học sinh trước nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, vi phạm pháp luật, hạn chế tình trạng bỏ học. Các nhà trường đều bố trí phòng tư vấn tâm lý là nơi gặp gỡ, hỗ trợ và tư vấn cho học sinh có nhu cầu tư vấn các vấn đề về tâm lý.
Năm học 2022 - 2023, tổng số lượng phát hiện các vụ việc liên quan đến người học có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, có hành vi bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật là 371 học sinh, trong đó 30 trường hợp thực hiện cơ chế phối hợp giữa đơn vị và các tổ chức khác trên địa bàn cùng can thiệp và trợ giúp.
Đánh giá công tác xã hội và tư vấn tâm lý những năm qua trong các trường học đã được đáp ứng kịp thời với những nhu cầu của học sinh, phụ huynh và xã hội, đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam khẳng định đây là một trong những vấn đề trụ cột trong hoạt động của các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay. Công tác xã hội và tư vấn tâm lý giúp các trường học hoạt động theo đúng nhu cầu của học sinh; bảo đảm các phúc lợi xã hội, sức khỏe, tâm lý của học sinh trong trường học và giúp học sinh chuyên tâm học tập, đạt kết quả tốt hơn.
Quyền Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trần Văn Đạt cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm và xác định, hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp học sinh vượt qua những vấn đề về hành vi và học tập, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dự phòng và ngăn chặn những diễn biến không lành mạnh về sức khoẻ tâm lý của học sinh; trực tiếp tìm hiểu và can thiệp sớm với những trường hợp mới có dấu hiệu rối nhiễu tâm lý; là cầu nối hỗ trợ cha mẹ học sinh chuyển học sinh tới những cơ sở trị liệu chuyên biệt hơn nếu cần thiết.
Trong giai đoạn 2015-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác tư vấn tâm lý trong trường học, trong đó có Thông tư số 31 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Công văn số 4252 về việc tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Cùng với đó là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác để triển khai thực hiện các hội thảo, tập huấn, khảo sát, thí điểm mô hình tư vấn học đường, biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng các ấn phẩm truyền thông...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn những khó khăn như theo quy định hiện nay, trong các trường học không có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường. Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên được tổ chức. Quy trình triển khai thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện đúng.
Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng của công tác xã hội trong trường học của đội ngũ các bộ quản lý, giáo viên ở một số đơn vị trường học chưa cao; giáo viên phụ trách công tác xã hội trường học hiện tại phần lớn là những giáo viên thiếu tiết được phân công kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu về công tác xã hội và công tác tư vấn tâm lý. Một số giáo viên thiếu kỹ năng lắng nghe, giao tiếp với học sinh, nhất là thiếu phương pháp xử lý tình huống với những học sinh khác biệt. Sự phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh ở những trường vùng sâu, vùng xa nhằm phát hiện tình trạng học sinh có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để can thiệp, trợ giúp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những trường có học sinh là người đồng bào chiếm đa số.
Mặt khác, Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học không quy định rõ thành phần và vị trí việc làm, dẫn đến việc triển khai công tác xã hội trường học gặp nhiều khó khăn trong việc tính chế độ cho người làm đầu mối công tác xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý ở các trường phổ thông, các nhà trường cần tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh, học sinh và các lực lượng khác trong nhà trường về công tác tư vấn tâm lý học đường; xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn, tham vấn trong nhà trường cụ thể theo từng năm học; xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tâm lý học đường chuyên nghiệp để tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học; tổ chức đa dạng các hoạt động tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh; tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, cơ chế chính sách.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu ban hành văn bản chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục tăng cường các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh về vai trò của tư vấn tâm lý trong trường học. Thí điểm triển khai mô hình tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học. Thực hiện nghiên cứu khoa học kết hợp đánh giá thực tiễn để hoàn thiện cơ chế, chính sách về tư vấn tâm lý học đường. Tăng cường hợp tác quốc tế và và phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên phụ trách tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục…
Minh Phong