Năm 2023 là năm thứ 10 triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 8, khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Ở bậc học THCS, việc triển khai Nghị quyết 29 cũng đã diễn ra đồng bộ có hệ thống trong nhiều năm qua. Để hiểu thêm hơn về những thay đổi của môi trường giáo dục ở bậc học này, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội).
Qua trao đổi có thể thấy, mặc dù còn nhiều thử thách, nhiều điểm chưa được hoàn thiện như Nghị quyết đề ra nhưng nhìn chung giáo dục đã thay đổi về chất với nhiều điểm tích cực, đặc biệt chất lượng dạy và học được nâng lên rõ nét.
Ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội).
Thưa ông, Nghị quyết 29 của Trung ương 8, khóa XI đã được triển khai 10 năm nay trong toàn ngành Giáo dục. Vậy trong quá trình giảng dạy và điều hành tại trường THCS Thái Thịnh, ông có cảm nhận đâu là nét thay đổi tích cực nhất?
Ông Nguyễn Cao Cường: Có thể nói nét thay đổi tích cực nhất từ khi triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là biểu hiện qua chữ “thực”.
Nhiều đổi thay rất thực chất như dạy thực, học thực. Nói như vậy không có nghĩa là trước đó chúng ta không thực. Nhưng trước khi Nghị quyết 29 ra đời, đâu đó vẫn còn hình thức, bệnh thành tích.
Trong 10 năm vừa qua phương pháp tiếp cận giáo dục tới người học thông qua hình thành phẩm chất, phát triển năng lực của người học. Việc kiểm tra đánh giá người học thực chất hơn. Mạng lưới cơ sở giáo dục gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp đã sát với thực tế hơn. Quan điểm của cha mẹ học sinh và học sinh đã khác nhiều so với trước đây khi luôn nghĩ chỉ học Đại học, Cao đẳng mới là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Hiện nay, từ việc đánh giá năng lực của người học thực chất và những định hướng nghề nghiệp tốt, học sinh đã có nhiều sự lựa chọn cho việc lập thân, lập nghiệp….
Chúng ta chấp nhận nhìn thẳng vào sự thực để thay đổi hướng tới sự phát triển của người học đáp ứng yêu cầu xã hội.
Hiện nay, đổi mới chương trình và sách giáo khoa là sự cụ thể hóa của đổi mới theo nghị quyết 29, vậy thầy có nhận xét gì về quá trình đổi mới này, đâu là điểm tích cực?
Ông Nguyễn Cao Cường: Việc thực hiện chương trình GDPT 2018 đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Thực hiện thống nhất toàn quốc “một chương trình, nhiều bộ sách” đã mang một làn gió mới, trong đó chương trình được thiết kế theo theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học.
Chương trình GDPT 2018 đã cấu trúc các nội dung giáo dục, môn học hướng tới sự phát triển toàn diện của người học. Cùng với việc thực hiện chương trình là sự đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Việc thực hiện chương trình được trao quyền, phân cấp rõ rệt.
Địa phương và nhà trường được trao quyền chủ động và trách nhiệm trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường.
Sự thay đổi lớn nhất có lẽ là phương pháp dạy học. Các phương pháp dạy học tích cực được áp dụng nhằm tích cực hóa hoạt động học tập; chú trọng tổ chức hoạt động học nhằm hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh; thực hiện phương châm “Học qua làm”. Học trò cũng được định hướng phương pháp học nhằm tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất (qua hoạt động học và vận dụng kiến thức).
Xung quanh vấn đề đổi mới theo Nghị quyết 29 theo thầy đâu là vấn đề nhà trường, giáo viên, học sinh đang vấp phải khó khăn để thực hiện đạt kết quả như Nghị quyết nêu ra?
Ông Nguyễn Cao Cường: Thứ nhất là về con người. Có thể thấy rằng, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chưa đáp ứng được những thay đổi trong giáo dục, đặc biệt khi thực hiện chương trình GDPT 2018. Đội ngũ nhà giáo ở nhiều nơi vừa thiếu lại vừa thừa.
Nhiều môn học rất cần có giáo viên lại chưa có và nhiều môn học, cấp học lại có dấu hiệu thừa giáo viên. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách về tiền lương và đãi ngộ chưa có sức hấp dẫn để chúng ta thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhiều năm các trường sư phạm không tuyển được những học sinh xuất sắc, nhiều nơi giáo viên xin nghỉ việc.
Thứ hai là cơ sở vật chất, thiết bị cũng là một khó khăn khi nhiều nơi chưa đảm bảo. Việc trang bị cơ sở vật chất chưa đầy đủ, kịp thời ảnh hưởng nhiều đến hoạt động và chất lượng giáo dục tại các nhà trường. Nhiều nơi việc dạy học môn Tin học gặp rất nhiều khó khăn bởi không có phòng máy tính. Hay nhiều ngôi trường rất khang trang tại các tỉnh miền núi nhưng không có đầy đủ thiết bị dạy học.
Thứ ba là công tác truyền thông. Còn nhiều nơi việc truyền thông tới cha mẹ học sinh, học sinh về những đổi mới theo Nghị quyết 29 còn hạn chế. Chính điều này làm cho nhân dân chưa hiểu hết và hiệu quả của sự thay đổi bị hạn chế. Nếu công tác truyền thông làm tốt hơn, việc thay đổi thế nào, tích cực ra sao, người học được thụ hưởng những điều tốt đẹp như thế nào,…. thì chúng ta sẽ có sự chung tay của nhiều lực lượng, tầng lớp giúp quá trình đổi mới có nhiều thuận lợi.
Thứ tư là áp lực. Thực sự khi những vấn đề đổi mới ở các nhà trường việc thay đổi đầu tiên là công tác quản trị nhà trường và tư tưởng của các Thầy cô giáo. Nhưng đi kèm với những đổi mới, sáng tạo thì nhiều áp lực vẫn đè nặng lên vai của các Thầy Cô giáo. Đôi khi là áp lực tự thân và phổ biến là áp lực từ sự kỳ vọng của xã hội. Nhiều Thầy Cô giáo không chịu được những điều này đã rất buồn khi phải nói lời chia tay với bảng đen, phấn trắng.
Xung quanh vấn đề này thầy còn có ý kiến nào nữa không?
Ông Nguyễn Cao Cường: Với cá nhân tôi, tôi luôn tích cực. Rõ ràng cuộc cách mạng nào cũng có khó khăn, chông gai để có được thành quả. Bản thân tôi và các đồng nghiệp tại ngôi trường THCS Thái Thịnh luôn cùng suy nghĩ, nếu không tiến lên sẽ tìm lý do để chậm chễ, nếu tích cực sẽ tìm giải pháp.
Chúng tôi luôn cố gắng tìm giải pháp để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình nhằm đào tạo được nhiều thế hệ học sinh phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Minh Triết