GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: “Nghị quyết 29 có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục”

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã chỉ ra 4 thành tựu tiêu biểu sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Ông là chuyên gia hàng đầu về vật liệu và kết cấu tiên tiến, đã công bố hơn 300 bài báo, công trình khoa học và là thành viên hội đồng quốc tế của 10 tạp chí quốc tế ISI có uy tín, là một trong những nhà khoa học xuất sắc góp phần định danh nền khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam trên bản đồ KHCN thế giới. 

Liên tục trong 5 năm liền, từ 2019 đến nay, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là một trong 2 nhà khoa học đang làm việc ở Việt Nam vào top 10.000 các nhà khoa học có ảnh hưởng hàng đầu thế giới và xếp hạng top 100 thế giới trong lĩnh vực Engineering and Technology. 

Nhân dịp này, PV có bài phỏng vấn GS về những thành tựu và thách thức với giáo dục đại học Việt Nam sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội

- Thưa GS, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", ông đánh giá những điểm được/chưa được của giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết này?

Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục của nước nhà. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh CNH-HĐH và thế giới bước sang kỉ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0. Với 7 mục tiêu đã nêu ra trong Nghị quyết, có thể thấy đều là những mục tiêu và nội hàm quan trọng, cơ bản, cốt lõi, nền tảng - rất hiện đại và hội nhập, rất đúng, trúng và kịp thời.

Đã có nhiều hội nghị, hội thảo tổng kết và đánh giá về kết quả thực hiện NQ 29 ở những góc độ khác nhau. Thành tựu thì rất nhiều, riêng với giáo dục đại học Việt Nam, tôi thấy nổi bật lên 4 thành tựu tiêu biểu nhất như sau:

Trước hết, có thể đánh giá giáo dục đại học Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Có thể thấy chưa bao giờ giáo dục của Việt Nam đổi mới nhanh và mạnh mẽ, tiếp cận các chuẩn mực của quốc tế như những năm qua. Minh chứng rõ nhất cho nhận định này là những kết quả trong việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học, xếp hạng đại học. 

Đến nay, hầu hết tất cả các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đều đã có đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng; 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã được thành lập và được Bộ cấp phép hoạt động. 

Tính đến ngày 30/9/2023, cả nước đã có 186 cơ sở giáo dục đại học và 11 trường cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, chiếm hơn 70% tổng số các trường đại học, học viện trong cả nước; 9 cơ sở giáo dục đại học được công nhận bởi tổ chức đánh giá/kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA); có 1.297 chương trình đào tạo đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 1.143 chương trình đào tạo đã được kiểm định, đánh giá ngoài và 996 chương trình đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Chỉ trong vòng mấy năm gần đây, số các chương trình đào tạo được kiểm định đã tăng lên rất nhanh, gấp khoảng 8 lần so với năm 2020. 

Qua tự đánh giá, đánh giá ngoài, nhà trường thấy được điểm mạnh, điểm yếu và xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sát thực, hiệu quả hơn. Các cơ sở giáo dục đã thay đổi cách nhìn nhận về công tác đảm bảo chất lượng, tăng cường năng lực quản lí nhà trường, quản lí dạy, học.

Nếu kiểm định phản ánh chất lượng thì xếp hạng đại học nói lên đẳng cấp. Từ năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, mới có 2 ĐHQG có tên trong danh sách xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS, thì nay, đại học Việt Nam đã có tên trong nhiều bảng xếp hạng uy tín của quốc tế như QS, THE, ARWU. Mới đây, tổ chức xếp hạng THE ranking đã công bố xếp hạng đại học tốt nhất thế giới năm 2023, có 6 trường đại học Việt Nam lọt thứ hạng khá cao trong bảng xếp hạng này là: Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân; trong đó một số ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500-1000 thế giới… 

Chuyển biến đột phá về chất lượng, tiềm lực KHCN. Cách đây 10 năm, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học của cả nước trung bình mới đạt khoảng 15%, thì nay, tỉ lệ này đã tăng gấp hơn 2 lần, đạt khoảng 32%. Số lượng, chất lượng đội ngũ tăng lên từng bước, từng năm theo chuẩn quốc tế. Nếu như trước đây, GS, PGS không yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế, thì nay, tiêu chuẩn chức danh bắt buộc yêu cầu GS, PGS đều phải có công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín. 

Đến nay, trong các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có khoảng hơn 1.000 nhóm nghiên cứu, trong đó có hàng trăm nhóm nghiên cứu mạnh, và từ các nhóm nghiên cứu mạnh đã tiến tới thành lập một số phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, có vai trò dẫn dắt trong hoạt động khoa học công nghệ của quốc gia. 

Chất lượng của người học về chuyên môn, ngoại ngữ và tin học đều được yêu cầu cao hơn so với trước đây. Đặc biệt về ngoại ngữ, đến nay đã có những bước tiến quan trọng: chuẩn đầu ra về ngoại ngữ bậc đại học là B1, với các chương trình quốc tế, tài năng, chất lượng cao sinh viên còn đạt chuẩn đầu ra cao hơn; yêu cầu ngoại ngữ đầu vào với bậc sau đại học hiện nay là B2 với cả bậc đào tạo thạc sĩ và tiến sỹ. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm được ngày càng tăng, đặc biệt sinh viên Việt Nam ngày càng tích cực tham gia thị trường lao động của toàn cầu, các công ty đa quốc gia trong nước và ở nước ngoài.

Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, cho các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng mạnh. Từ vị trí 59 (số bài báo là 4.017) năm 2014 đã vươn lên thứ 46 thế giới (số lượng bài báo là 18.466) năm 2022. Tổng số lượng bài báo quốc tế của Việt Nam là 97.520 bài trong giai đoạn 2014-2022 (nguồn:www.scimagojr.com). Không chỉ tăng về số lượng mà cả về chất lượng, chỉ số trích dẫn các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam cũng ngày càng tăng. Mấy năm gần đây, một số nhà khoa học Việt Nam cũng đã có tên trong bảng xếp hạng các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng của thế giới được quốc tế đánh giá và bình chọn khách quan. Đây là những chuyển biến quan trọng về chất lượng đội ngũ, là kết quả rất đáng tự hào của giáo dục đại học Việt Nam.

Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; chuyển dịch nhanh và mạnh mẽ cơ cấu ngành nghề đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện NQ 29, bên cạnh các chương trình đào tạo chuẩn, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các trường đại học tích cực triển khai các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Đội ngũ giảng viên tham gia các chương trình này được chọn là những giảng viên ưu tú của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài, nhằm phát triển, quốc tế hóa chương trình đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực toàn cầu. Bên cạnh đó, với chương trình 322, 911, Đề án 89, chúng ta đã cử đi đào tạo được hàng nghìn trí thức trẻ, ưu tú đi học đại học, thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chưa từng có kéo theo yêu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và đang tạo ra những cơ hội cũng như thách thức với Việt Nam. Giáo dục đại học Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số, khối kiến thức STEM ngày càng được chú trọng ở bậc đại học. Bên cạnh đó đã có sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nhanh và phù hợp. Tính từ đầu năm 2016 đến 8 tháng đầu năm 2023, tổng số ngành mở mới ở trình độ ĐH khoảng gần 300 ngành cho thấy giáo dục đại học của Việt Nam đang đi nhanh và đúng hướng, bắt nhịp được với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0.

Tự chủ đại học được triển khai nhanh chóng, sâu rộng và trên nhiều mặt, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Luật 34 năm 2018 về Luật giáo dục đại học sửa đổi. Thi hành Luật số 34, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Những chính sách về tự chủ đại học như luồng gió mới làm thay đổi hẳn diện mạo và cách thức quản trị đại học trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Bộ GDĐT, đến cuối năm 2022 có tổng cộng 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Giáo dục đại học. Và đến tháng 8/2023, chỉ còn 4 trường đại học công lập chưa thành lập và 2 trường đại học tư thục chưa kiện toàn hội đồng trường.  

Thành tựu quan trọng nhất của tự chủ đại học trong thời gian qua là “cởi trói” cho các trường, từ đó tạo cơ chế để các trường chủ động thu hút và thúc đẩy tăng mạnh mẽ các nguồn lực để đầu tư cho chất lượng và phát triển. Gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của các trường. Tự chủ đại học đã thực sự là bước đột phá góp phần quan trọng nâng cao tiềm lực KHCN, nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ và chất lượng các hoạt động KHCN của các trường đại học trong vòng mấy năm qua, từ đó đẩy nhanh xếp hạng đại học, làm gia tăng nhanh chóng tiềm lực con người, cơ sở vật chất và năng lực hội nhập quốc tế của các trường đại học Việt Nam.

Tóm lại, trong khoảng 5 năm gần đây, việc thực hiện Nghị quyết 29 đã được các trường đại học tích cực triển khai toàn diện, mạnh mẽ và từ đó giáo dục đại học Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đó là giáo dục đại học của chúng ta đã hội nhập và theo chuẩn mực của quốc tế; đẩy mạnh tự chủ đại học, có sự đột phá về chất lượng và có sự chuyển mình mạnh mẽ về chương trình đào tạo, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những thành tựu đổi mới đó tác động đến toàn bộ hoạt động của ngành giáo dục, và sâu xa hơn, đến toàn thể xã hội, chi phối và làm đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục của nước nhà. 

Tôi thấy thành quả lớn lao nhất là từ chính những đổi mới đó, trong hệ thống giáo dục đại học, chúng ta đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kế cận và nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ cao, trẻ tuổi tài năng, đủ sức gánh vác sứ mệnh lớn lao và vẻ vang của đất nước trong giai đoạn mới.

- Thưa GS, bên cạnh những thành tựu, theo ông, còn những hạn chế nào và để thực hiện tốt hơn nữa NQ29, thời gian tới cần có những giải pháp nào để thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam tiến nhanh và mạnh hơn nữa?

Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những thiếu sót, hạn chế. 

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chúng ta phải nâng cao chất lượng và làm tốt ở tất cả các khâu: tuyển sinh đầu vào; chương trình đào tạo; tổ chức giảng dạy và quản lí đào tạo, quản trị đại học (bao gồm các điều kiện đảm bảo chất lượng; đội ngũ, cơ sở vật chất, kiểm tra đánh giá); và chuẩn đầu ra. 

Đáp ứng một số chuẩn đầu ra của sinh viên Việt Nam như ngoại ngữ, tư duy và năng lực phản biện, kĩ năng nghề nghiệp còn thấp. Nhiều chương trình đào tạo còn thiếu gắn kết với nghiên cứu và thực hành, thực tiễn. Chất lượng giảng viên trong một số trường, một số lĩnh vực còn yếu và thiếu.

Đặc biệt là đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp; đầu tư cho nghiên cứu, cho các nhóm nghiên cứu dàn trải và kinh phí nhỏ giọt, trong khi thủ tục xét, giao đề tài chậm, thanh quyết toán lại rườm rà. Cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp, đầu tư của doanh nghiệp cho đại học cũng còn nhiều rào cản. 

Việc áp lực thi cử, tạo điều kiện cho các trường tự chủ, cho tất cả các em thí sinh hầu như ai cũng được đỗ đại học, đã nảy sinh nhiều vấn đề như: quá nhiều phương án và tổ hợp xét tuyển; chất lượng tuyển sinh đầu vào một số trường đại học và nhiều ngành còn thấp. Trong thời gian tới phải tiếp tục nghiên cứu và cải tiến, đổi mới mạnh hơn nữa công tác tuyển sinh; phát huy vai trò cầm trịch về mặt bằng chất lượng đầu vào đại học của cơ quan quản lí Nhà nước.

Một điểm nữa không thể không nhắc đến là tự chủ đại học. Bên cạnh những thành tựu to lớn mà tự chủ đại học mang lại trong thời gian qua, cũng phải thừa nhận đây là mô hình triển khai rất mới mẻ ở Việt Nam và cần phải tiếp tục hoàn thiện. 

- Được biết, năm nay GS tăng xếp hạng từ top 94 lên hạng thứ 85 thế giới trong lĩnh vực Engineering và Technology. Chia sẻ của GS về thành tích này?

Tôi bất ngờ và thấy rất vui và tự hào. Sự kiên trì, bền bỉ làm việc và miệt mài nghiên cứu suốt mấy chục năm qua cuối cùng cũng được ghi nhận và đền đáp.  

Nhà khoa học cống hiến không vì để xếp hạng, không phải vì hư danh, nhưng được quốc tế đánh giá, xếp hạng trong các bảng xếp hạng có uy tín một cách công bằng và khách quan là một niềm tự hào, vinh dự. Nếu không có cơ sở dữ liệu để đánh giá, định lượng kết quả nghiên cứu của nhà khoa học và ảnh hưởng của nó theo các chuẩn mực quốc tế, Việt Nam chúng ta sẽ không biết được mình đang ở đâu so với các đồng nghiệp quốc tế, và không biết bao giờ các bạn trẻ tài năng và nỗ lực vượt bậc mới được thừa nhận, được tôn vinh, để từ đó có thêm động lực và niềm tin tiếp tục phấn đấu, dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học đầy gian truân. 

Thành công của tôi cũng là thành công và niềm vui của nhóm nghiên cứu, của các thế hệ học trò và cũng là niềm vui và thành công của nhà trường, của Đại học Quốc Gia Hà Nội. Tôi cho rằng việc các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế cũng là niềm tự hào, là minh chứng về thành tựu của nền Giáo dục Đại học và Khoa học của Việt Nam.

- Xin cảm ơn GS đã chia sẻ!

Thanh Nga

Bạn đang đọc bài viết GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: “Nghị quyết 29 có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục” tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19