Nhiều địa phương thiếu giáo viên
Theo báo cáo tình hình chuẩn bị và triển khai năm học mới của Bộ GD-ĐT, tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông so với định mức theo quy định của Bộ GD-ĐT. Như vậy, so với năm học 2021-2022, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 giáo viên.
Thiếu giáo viên là một trong những khó khăn mà nhiều địa phương phải đối mặt khi năm học mới 2023-2024 bắt đầu, đặc biệt là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tại tỉnh Đắk Nông, theo thống kê năm học 2023 - 2024, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của tỉnh thiếu nhiều so với định mức 1.351 người, gây ra tình trạng quá tải học sinh ở một số trường, nhất là vùng sâu, vùng xa. Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo về việc địa phương thiếu đến hơn 1.300 giáo viên, phải thực hiện hợp đồng tạm chờ xin biên chế.
Để có giáo viên đứng lớp, thời gian qua, một số địa phương của tỉnh Đắk Nông đã thực hiện việc dạy kê, dạy thay. Tuy nhiên, việc làm này phát sinh nhiều kinh phí để chi trả giờ dạy kê, dạy thay cho giáo viên, trong khi đó, nguồn kinh phí được cấp thẩm quyền giao rất hạn hẹp.
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT xin giao bổ sung 1.021 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc tỉnh; đồng thời đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 đối với tỉnh hoặc có cơ chế đặc thù đối với những tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, có địa hình đồi núi phức tạp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây cũng là khó khăn mà tỉnh Đắk Lắk phải đối mặt trong nhiều năm qua. Tại cuộc họp đánh giá công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh đã nêu khó khăn của ngành giáo dục khi thiếu giáo viên các cấp và mong muốn UBND tỉnh bố trí đủ định mức biên chế theo quy định.
Trong năm học 2023-2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 694 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với trên 10.900 nhóm lớp, trên 351 nghìn học sinh. Với số lớp như vậy, tỉnh Thái Nguyên cần trên 22.000 biên chế giáo viên. Thế nhưng, tính đến tháng 9/2023, các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên chỉ có 18.191 biên chế, hiện còn thiếu 4.222 biên chế so với định mức quy định. Trong năm học 2022 – 2023 vừa qua, mặc dù các địa phương đã triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.
Rà soát chỉ tiêu, bổ sung biên chế
Dù thiếu giáo viên trầm trọng nhưng thực tế tại một số địa phương đang rơi vào thực trạng không thể tuyển dụng, nhất là vùng sâu vùng xa. Tại hội nghị phát triển giáo dục Tây Nguyên do Bộ GD-ĐT tổ chức vào hồi tháng 3/2023, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết, năm vừa qua Trung ương chỉ cho 115 chỉ tiêu, quá ít so với nhu cầu thực tế.
Tương tự, tỉnh Kon Tum thiếu giáo viên nhưng khi tuyển dụng 200 chỉ tiêu, chỉ có 20 - 30 hồ sơ đăng kí xét tuyển. Nguyên nhân là do mức đãi ngộ đối với giáo viên quá thấp. Ngoài ra, nhiều người trúng tuyển sau đó tìm cách về miền xuôi hoặc nghỉ việc giữa chừng.
Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 – 2024 của Bộ GD-ĐT, nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu cao hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).
Cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).
Bên cạnh đó, do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế. Bộ cũng nhìn nhận, việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển; thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp.
Mặt khác, việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học. Một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026.
Đồng thời, các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lí, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện hợp đồng giáo viên theo quy định trong trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.
Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục được Bộ GD-ĐT lưu ý trong hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024. Với yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc thực hiện quản lí, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục trung học theo tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng GD-ĐT; tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc sở GD-ĐT; chuẩn nghề nghiệp giáo viên; chuẩn hiệu trưởng.
Rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu; nhất là giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Mĩ thuật, Âm nhạc đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình quy định.
Thu Hoài