Thực tế tăng cường và thực tế ảo: Công nghệ nào sẽ làm thay đổi nền giáo dục?

Thực tế tăng cường và thực tế ảo là bộ đôi công nghệ “song sinh dính liền”: bạn dường như không thể nói về một trong hai công nghệ này mà không nói về phần còn lại. Nhưng giữa thực tế ảo và thực tế tăng cường, đâu mới là công nghệ phù hợp nhất cho giáo dục.

Thực tế tăng cường và thực tế ảo

Vậy đâu là sự khác biệt giữa thực tế tăng cường và thực tế ảo? Đầu tiên, thực tế ảo (virtual reality - VR) là một môi trường ảo, do con người tạo ra, đưa người sử dụng vào một không gian không có thực, nhờ đó người sử dụng có cảm giác như đang được trải nghiệm trong một thế giới khác. Chẩng hạn, thực tế ảo có thể đưa người dùng đến một sân bóng đá, một di tích nổi tiếng hoặc một con phố đông đúc ở thành phố New York. Trải nghiệm thực tế ảo thường được tạo ra thông qua một loại thiết bị đeo đầu, che kín toàn bộ phần mắt và các khu vực xung quanh, hoặc thông qua một thiết bị điều khiển cầm tay. Thị trường thiết bị thực tế ảo được dự báo sẽ đạt giá trị 407,51 triệu USD vào cuối năm 2018.

Trong khi đó, thực tế tăng cường (augmented reality - AR) tạo ra một lớp hình ảnh được tạo bằng máy tính “đè” lên những hình ảnh có sẵn ở thế giới thực và cho phép vật thể “ảo” tương tác với thế giới “thực” một cách nhuần nhuyễn. Chẳng hạn, nhờ AR, bạn có thể nhìn thấy một nhân vật ảo đang bước đi trên vỉa hè cùng bước chân với bạn. Công nghệ thực tế tăng cường đang được sử dụng ngày càng nhiều trên các điện thoại thông minh và máy tính bảng, xuất hiện trong các viện bảo tàng và thậm chí trong nhiều ngành nghề khác như kiến trúc, dược phẩm và xây dựng. Thị trường thiết bị thực tế tăng cường được dự báo sẽ đạt 659,98 triệu USD vào cuối năm nay (cuối năm 2018, thời điểm viết bài này).

Có lẽ một trong những ứng dụng nổi tiếng nhất của công nghệ thực tế tăng cường chính là Pokémon Go, trò chơi đã từng “làm mưa làm gió” khắp thế giới vào năm 2016. Phụ huynh khi ấy đã tỏ ra vô cùng sung sướng khi những đứa trẻ của họ đã chịu bước ra khỏi cửa nhà và tương tác với thế giới thực, dù vẫn một phần thông qua màn hình hiển thị của điện thoại. Điều này có được nhờ tiềm năng của công nghệ thực tế tăng cường, và đã đưa công nghệ này lên bản đồ của những công nghệ giáo dục tiềm năng.

VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) trong lớp học

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự ưu việt của việc sử dụng cả thực tế ảo và thực tế tăng cường trong môi trường lớp học. Một trong những điểm mạnh đáng kể nhất là những công nghệ này góp phần thay đổi vai trò của giáo viên từ người truyền đạt kiến thức thành người hỗ trợ, và - do tính chất trực quan và kinh nghiệm - có thể thúc đẩy việc học tập tích cực đồng thời giúp học sinh nắm bắt kiến thức trừu tượng một cách dễ dàng hơn. Bản chất “nhập vai” của cả thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường cũng có thể giúp ngăn chặn sự phân tâm, giúp học sinh tập trung hơn và tập trung tốt hơn. Đối với học sinh thích phương pháp học tập trực quan và những em gặp khó khăn trong học tập, VR và AR cung cấp một phương tiện thay thế để đáp ứng nhu cầu của họ.

Một lợi ích khác của công nghệ này là đem tới cơ hội cho người học cảm nhận bài học một cách tốt hơn, với nhiều giác quan hơn - bao gồm cả những cảm xúc khó khăn như căng thẳng, lo lắng, xung đột và bối rối - để các em chuẩn bị tốt hơn cho những trải nghiệm này trong thế giới thực. Ví dụ, sinh viên y khoa có thể trải nghiệm những thử thách tâm lý của công việc tại bệnh viện. Kiểm soát viên không lưu, cảnh sát và lính cứu hỏa có thể tham gia các trải nghiệm đào tạo trực tuyến thực tế giúp họ đối mặt với những tình huống thảm họa cần xử lý nhanh.

Còn thực tế thì sao?

Khá dễ dàng để thấy những trải nghiệm này có thể được ứng dụng trong các lớp học như thế nào. Về lý thuyết, công nghệ thực tế tăng cường mang lại trải nghiệm học tập tốt nhất do chi phí tương đối thấp và khả năng triển khai trên các công nghệ hiện có. Và không giống như thực tế ảo, thực tế tăng cường không “che khuất” hoàn toàn tầm nhìn của người dùng (buộc họ phải đắm chìm vào một thế giới khác) vì nó chỉ “đặt” các nội dung kỹ thuật số lên trên môi trường thực mà thôi. Bằng cách này, thực tế tăng cường cho phép người sử dụng tự do di chuyển, di động hơn so với thực tế ảo - vốn đưa người dùng vào một thế giới hoàn toàn biệt lập với môi trường xung quanh.

Tuy vậy, thực tế ảo lại có ưu thế về khả năng hòa nhập và khả năng thích ứng với các phong cách học tập khác nhau, giúp thu hút sự tham gia của học sinh nhiều hơn. Nó có thể biến các hoạt động vốn được coi là buồn tẻ trong các lớp học truyền thống, chẳng hạn như đọc to những đoạn văn khô khan từ một cuốn sách lịch sử, thành những nội dung mà học sinh thích thú và tích cực tham gia khám phá như đỉnh Everest, Tokyo hoặc Tháp Eiffel ở dạng 3D, thay vì tiếp thu một cách thụ động từ trang sách 2D. Sự công bằng đối với các học sinh (với những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau) trong khả năng tiếp cận nhờ sự trợ giúp của công nghệ thực tế ảo là không thể nói quá: giáo viên có thể đưa học sinh của mình đến với bất kỳ di tích hay địa điểm nổi tiếng nào trên thế giới mà không cần hộ chiếu và dĩ nhiên, không cần… tiền!

Một số môn học có tính trừu tượng nhất định, chẳng hạn như toán học, cũng có thể được minh hoạ một cách trực quan hơn thông qua hình ảnh trực quan mà VR cung cấp. Và về lâu dài, VR có thể tiết kiệm tiền cho các chi phí phổ biến trong lớp học như các chuyến đi thực tế và thiết bị phòng thí nghiệm. Ví dụ, sinh viên y khoa có thể làm việc với các thi thể “ảo” mang lại trải nghiệm thực hành giống hệt nhau, hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn cho tất cả các bên. Sinh viên kỹ thuật điện có thể loại bỏ nguy cơ bị điện giật trong khi học các phương pháp và tính chất cơ bản, nhờ sự giúp đỡ của công nghệ.

Và mặc dù vẫn đang trong quá trình phát triển, công nghệ AR đã giúp thu hút sinh viên tham gia học tập trong một số lĩnh vực đặc thù, chẳng hạn như thiên văn học và giải phẫu học. Trung tâm Y tế Đại học Nebraska thậm chí đã bắt đầu xây dựng một trung tâm thực tế ảo và thực tế tăng cường trị giá 118,9 triệu USD. “Việc học tập đạt hiệu quả tốt nhất thông qua các trải nghiệm, cho dù đó là học cách chơi một môn thể thao, một nhạc cụ hay trong trường hợp của tôi là phẫu thuật tim”, Tiến sĩ Jeffrey Gold công tác tại đây cho biết.

Càng có nhiều kinh nghiệm, càng thực hành, càng có nhiều cơ hội thực hành, chúng tôi càng có cơ hội tốt hơn để cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và lấy bệnh nhân làm trung tâm”.

Lời kết

Mặc dù trên một số phương diện, AR đang đi trước VR rất nhiều, nhưng công nghệ phát triển nhanh đến mức việc đánh giá cuối cùng công nghệ nào sẽ giành được vị trí then chốt trong nhóm các công cụ hỗ trợ giảng dạy không thể thiếu trong lớp học là vô cùng khó khăn. Không thể phủ nhận, cả VR và AR đều mang lại tiềm năng trong việc gia tăng mức độ tương tác của sinh viên. Nhóm khách hàng tiềm năng này không chỉ khiến các nhà giáo dục cảm thấy hứng thú mà còn mang đến cảm giác có cơ hội triển khai công nghệ ngày hôm nay để cải thiện cách học tập của sinh viên ngay ngày mai.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Dale Basye (2018). Augmented Vs. Virtual Reality: Which Will Transform Education? K-12 Blueprint.

Bạn đang đọc bài viết Thực tế tăng cường và thực tế ảo: Công nghệ nào sẽ làm thay đổi nền giáo dục? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn