Từng bước thay đổi toàn diện
Giáo dục đại học có tầm quan trọng đặc biệt, là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội và là năng lực nội sinh nâng cao trình độ dân trí, khoa học và công nghệ của đất nước. Nền giáo dục đại học của mỗi quốc gia có mối quan hệ nhân quả với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nên đổi mới giáo dục đại học cũng không thể tách rời yêu cầu của kinh tế xã hội và theo nhịp của tiến bộ khoa học và công nghệ
Trong 10 năm qua (2013 - 2023), thực hiện Nghị quyết số 29 NQ-TW trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã tạo nên những thay đổi mạnh mẽ đối với giáo dục đại học cả về chất lượng và hiệu quả trong đào tạo ở các trình độ.
Việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục đại học tăng mạnh về quy mô, chất lượng đào tạo được nâng cao, cơ bản đáp ứng nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và nhu cầu học tập của người dân; góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước từng bước phát triển bền vững.
Về việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, trong 10 năm qua, chương trình đào tạo giáo dục đại học đã được chú trọng, xây dựng theo hướng đa dạng, mềm dẻo. Điều này giúp củng cố kiến thức, phát triển năng lực, phẩm chất cho sinh viên nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định của Khung trình độ Quốc gia và chuẩn chương trình đào tạo, trang bị kiến thức, kĩ năng cho người học theo hướng mở, giúp người học phát triển được tiềm năng của họ. Tỉ lệ sinh viên có việc làm và chế độ tiền lương dành cho sinh viên vừa ra trường ngày càng được tăng cao.
Việc giáo dục chính trị và giáo dục quốc phòng an ninh trong các cơ sở giáo dục đại học đã phát huy hiệu quả, góp phần giữ ổn định tư tưởng trong toàn khối giáo dục đại học nhiều năm qua vào bảo đảm an ninh, quốc phòng cho đất nước.
Đối với việc xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông, gắn với xây dựng xã hội học tập, hệ thống giáo dục đại học được thiết kế có sự liên thông giữa các trình độ đào tạo trong Khung cơ cấu giáo dục quốc dân và Khung trình độ Quốc gia Việt Nam. Trong đó, có sự phân định chuẩn đầu ra ở các trình độ của giáo dục đại học, có tính tương thích với khung trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới; sử dụng như một công cụ tham chiếu để đánh giá, đối sánh năng lực sinh viên tốt nghiệp từ các trình độ của giáo dục đại học.
Hệ thống các ngành đào tạo của giáo dục đại học cũng tương thích với bảng phân loại ngành đào tạo thông dụng trên thế giới, giữa các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước, giữa các trình độ và hình thức đào tạo, tạo điều kiện cho người học được học tập suốt đời.
Hệ thống giáo dục đại học cũng đã mở về tư duy và cơ chế quản lí thông qua chuyển đổi từ cách quản lí tập trung theo tiếp cận từ trên xuống sang cơ chế tự chủ đại học có sự điều tiết vĩ mô thông qua hệ thống các quy định, chính sách đối với giáo dục đại học, nhằm đào tạo ra những con người năng động, tư duy độc lập, luôn chủ động và sáng tạo, có năng lực hành động trong công việc; không thụ động hay rập khuôn máy móc.
Hệ thống giáo dục đại học còn thể hiện ở sự đa dạng, linh hoạt về loại hình và phương thức đào tạo. Có các loại trường công lập, tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; có đào tạo chính quy và phi chính quy; có liên tục và không liên tục; có trực tiếp và trực tuyến; có các hình thức đào tạo thuận tiện cho người học, lấy người học làm trung tâm để phục vụ; có gắn với công tác nghiên cứu, thực hành và thực nghiệp, gắn cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp
Yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế” được thể hiện trong cả về nội dung, chương trình giáo dục, và phương thức đào tạo. Chương trình đào tạo từng bước được đổi mới, chú trọng hơn khả năng thực hành nghề nghiệp; phương pháp dạy học tiếp tục được đổi mới gắn với trải nghiệm, nghiên cứu, sáng tạo. Trình độ, năng lực giảng viên ngày càng được nâng cao, chuẩn hóa.
Các cơ sở giáo dục đại học cạnh tranh bằng chất lượng sinh viên đạt chuẩn đầu ra, cạnh tranh về uy tín giữa các trường; chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập đã từng bước hội nhập với thế giới; cơ chế quản lí được đổi mới căn bản theo hướng giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các cơ sở giáo dục đại học; đổi mới phương thức quản lí nhà nước đối với giáo dục đại học.
So với 10 năm trước đã hội nhập sâu rộng quá trình chuyển mình, hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học đã có những bước tiến đáng kể. Hội nhập quốc tế về chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên, kiểm định chất lượng, việc thực hiện khung trình độ quốc gia, ngôn ngữ giảng viên giảng dạy trong cơ sở đào tạo ngày càng được chú trọng, nâng cao. Sau 10 năm thực hiện, giáo dục đại học Việt Nam được xếp trong nhóm trung bình khu vực Đông Nam Á.
Quy mô đào tạo đại học tăng trung bình 4,4% trong giai đoạn 2013-2022. Điều này đã góp phần tăng tỉ lệ dân số trong độ tuổi 18 đến 22 được tiếp thu giáo dục đại học từ 25,2% ở năm 2013 lên 35,4% tại năm 2021. Năm học 2021-2022 đạt khoảng 2,1 triệu sinh viên, số sinh viên nhập học mới theo tất cả các hình thức đào tạo năm 2022 xấp xỉ 570 ngàn sinh viên.
Quy mô đào tạo sau đại học có xu hướng giảm. Số học viên nhập học trình độ thạc sĩ có chiều hướng gia tăng từ năm 2013 đến năm 2019, từ năm 2020 đến nay có chiều hướng giảm. Xét trong cả giai đoạn 10 năm qua thì tỉ lệ giảm bình quân là 1,3%. Số nghiên cứu sinh có chiều hướng gia tăng từ năm 2013 đến năm 2019, từ năm 2020 đến nay có chiều hướng thuyên giảm mạnh, nhất là năm 2020. Tỉ lệ giảm bình quân trong cả giai đoạn là 5%.
Nghiên cứu khoa học, công tác bồi dưỡng nhân tài tiếp tục được đẩy mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Số công bố khoa học quốc tế, công bố trong nước, sáng chế và tài sản trí tuệ khác tăng dần qua các năm; nhiều kết quả, sản phẩm nghiên cứu có giá trị khoa học, quy trình công nghệ có tính ứng dụng, khả năng thương mại hóa cao đã đóng góp quan trọng, thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lãnh đạo Bộ GDĐT dự buổi thuyết trình lab tại trường đại học Sư phạm kĩ thuật Hưng Yên (Ảnh: PV)
Hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục đại học
Việc sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực giáo dục đại học làm cơ sở thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lí, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương.
Nhiều cơ sở đào tạo đã tích cực đầu tư chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, thư viện điện tử, cổng thông tin đào tạo, hệ thống phần mềm quản lí đào tạo, thiết bị giảng dạy đa phương tiện; xây dựng hệ thống học liệu phong phú, đa dạng.
Từ những năm đầu thực hiện Nghị quyết số 29, các cơ sở giáo dục đại học hầu như vắng bóng trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế cũng như chưa có cơ sở giáo dục đại học nào được công nhận kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên sau gần 10 năm đổi mới, theo kết quả xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Trong 03 năm gần đây, số lượng các chương trình đào tạo theo các ngành mới tại các cơ sở GDĐH tăng mạnh so với năm 2013. Danh mục thống kê ngành đào tạo đã bổ sung nhiều ngành mới cho phát triển lĩnh vực công nghệ cũng như các lĩnh vực khác. Việc bổ sung đào tạo các ngành mới vào hệ thống danh mục thống kê ngành đào tạo đối với GDĐH được thực hiện theo tiếp cận từ dưới lên, đảm bảo tính khoa học và chuẩn hóa theo các chuẩn mực trên thế giới giúp các cơ sở GDĐH dễ dàng phát triển các ngành học mới thích ứng với yêu cầu đào tạo luôn thay đổi của thị trường lao động.
Quy mô đào tạo các chương trình thuộc một số lĩnh vực như: công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải, tài nguyên, môi trường,… có sự phát triển chậm hơn so với các ngành, lĩnh vực khác, tuy nhiên, chương trình đào tạo các ngành, lĩnh vực này cũng không ngừng đổi mới, hoàn thiện chương trình theo hướng đa dạng hóa, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực hành, thực nghiệp.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình đổi mới giáo dục đại học như: Đầu tư cho giáo dục đại học từ ngân sách nhà nước còn rất thấp và có xu hướng tiếp tục bị cắt giảm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đổi mới hoạt động đào tạo; Quy mô đào tạo đại học tăng nhưng vẫn nằm ở mức trung bình khá của thế giới; Tuyển sinh và đào tạo các chương trình thuộc một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn; Quy mô đào tạo sau đại học thấp và không tăng trong nhiều năm qua, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Cơ chế hợp tác giữa các cơ sở GDĐH với các doanh nghiệp chưa có sự gắn kết đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.
Xác định rằng, đổi mới là một chặng đường gian nan, nhiều biến động nhưng nhìn lại chặng đường 10 năm đầu tiên của đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo, trong đó có giáo dục đại học, có thể khẳng định rằng, giáo dục Việt Nam đang từng bước hoàn thiện với nhiều thành quả bước đầu đáng tự hào.
Tác giả: Minh Phong