Đề xuất một số phẩm chất quan trọng giảng viên cần có để triển khai hình thức học tập kết hợp tại các trường đại học

Mặc dù học tập kết hợp (blended learning) có những lợi ích không thể thay thế, song việc triển khai hình thức giảng dạy này vẫn được xem là một thách thức lớn. Trong đó, giáo viên là người đóng vai trò trung tâm đối với thành công của hình thức học tập này. Nghiên cứu của nhóm tác giả Bram Bruggeman và cộng sự sử dụng cách tiếp cận toàn diện để xác định các phẩm chất nào của giảng viên có tác động lớn nhất đến hiệu quả của việc triển khai học tập kết hợp tại các trường đại học.

Do các giảng viên là những người đóng vai trò trung tâm trong bất kì sự thay đổi, cải cách giáo dục nào, nên trong nghiên cứu định tính này, các tác giả chủ yếu tìm hiểu các đặc điểm, phẩm chất nào của người giảng viên có tác động rõ nét nhất tới chất lượng và tính hiệu quả của việc triển khai hình thức học tập kết hợp, từ góc nhìn của chuyên gia. Các chuyên gia có thể phân tích một cách sâu sắc các vấn đề tổ chức phức tạp tại các trường đại học, nhất là liên quan đến quy trình triển khai giảng dạy, nhờ đó những ý kiến của họ sẽ góp phần tạo ra những hiệu quả thực tế. Cụ thể, nhóm nghiên cứu tổ chức phỏng vấn 12 chuyên gia; các cuộc phỏng vấn này đã chỉ ra hai nhóm phẩm chất quan trọng ở người giáo viên: 7 phẩm chất liên quan đến khả năng thích ứng, chẳng hạn như khả năng phát hiện tình huống cần thay đổi nghiệp vụ sư phạm hay sáng tạo ra cách thức kết nối công nghệ với tiến trình học tập của sinh viên, cùng 4 yếu tố sai lầm mà giảng viên thường mắc phải, chẳng hạn như cố gắng phải hiểu một cách sâu sắc về lý thuyết học tập kết hợp, hay thường xuyên lo lắng về khả năng làm chủ công nghệ của bản thân.

Nghiên cứu cho thấy, việc triển khai hình thức học tập tích hợp là một quá trình khó khăn và chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Trong bất kì quá trình cải cách giáo dục nào, giảng viên, giáo viên luôn đóng vai trò tien phong. Thông qua phỏng vấn sâu với 12 chuyên gia về học tập kết hợp ở bậc đại học theo phương pháp của Flemish, đã chỉ ra 7 nhóm đặc trưng/ phẩm chất người giáo viên cần có để thích ứng và triển khai hình thức học tập này, bao gồm: (1) đặt việc giảng dạy và giáo dục làm trung tâm, (2) duy trì tôn chỉ lấy học sinh làm trung tâm, (3) nhận ra tình huống cần sự thay đổi về nghiệp vụ sư phạm, (4) dám thử nghiệm (và thất bại), (5) chia sẻ các nhu cầu và mối quan tâm, (6) có khả năng tự phản biện một cách nghiêm túc với tư cách là một giáo viên, và (7) có thể kết nối và ứng dụng các công nghệ với công việc giảng dạy - học tập. Bên cạnh đó, 4 yếu tố của người giảng viên có thể gây khó khăn cho quá trình triển khai học tập kết hợp gồm: (1) ưu tiên các nhiệm vụ khác hơn so với công tác giảng dạy, (2) áp dụng phương pháp sư phạm trong đó đề cao vị trí trung tâm của giảng viên, (3) hiểu không rõ về hình thức học tập kết hợp và (4) thường xuyên lo lắng về việc áp dụng công nghệ và những yếu tố tiêu cực công nghệ có thể mang lại. Hơn nữa, mối quan hệ giữa các yếu tố thuận lợi và gây khó khăn cho việc triển khai học tập kết hợp nêu trên cho thấy một kết quả thú vị, có thể giúp tìm hiểu sâu hơn cách thức giáo viên chuyển từ quan điểm “chối bỏ” sang “ủng hộ” hình thức học tập kết hợp. Chẳng hạn, việc vượt qua sự lo lắng về công nghệ là yếu tố tiên quyết giúp phát triển năng lực kết nối các công nghệ dạy học trực tuyến với công tác giảng dạy thường quy. Hoặc, việc thảo luận về các quan điểm sư phạm với đồng nghiệp có thể giúp xây dựng quan niệm phù hợp hơn về học tập kết hợp cho các giáo viên đang cảm thấy chưa hoàn toàn đồng tình với hình thức dạy học mới này.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Tondeur, J., Struyven, K., Pynoo, B., Garone, A., & Vanslambrouck, S. (2022, January). Experts speaking: Crucial teacher attributes for implementing blended learning in higher education. The Internet and Higher Education, 48, 100772. https://doi.org/10.1016/j.iheduc.2020.100772