Theo một nghiên cứu khác mà Surui Wan thực hiện, khi học sinh lên lớp, các em có xu hướng coi mình là “dân toán học” hoặc “dân ngôn ngữ”, ngay cả khi chúng giỏi cả hai.
Surui Wan và cộng sự quan tâm tới lý do tại sao mọi người theo đuổi các quỹ đạo giáo dục và nghề nghiệp cụ thể - như chọn chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học so với chuyên ngành không phải STEM ở trường đại học. Nhóm nghiên cứu biết rằng việc có một bản sắc học thuật cụ thể, chẳng hạn như tự coi mình là “dân toán học”, là một trong những lý do khiến mọi người chọn con đường sự nghiệp tương ứng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu xem khi nào một số học sinh bắt đầu hướng tới việc xác định theo cách này.
Surui Wan tập trung vào môn Toán và Ngữ văn vì đó là những môn phổ biến nhất trong hệ thống K-12 của Hoa Kỳ; ví dụ, bài thi SAT có hai phần chính: tiếng Anh và Toán. Ngoài ra còn có một định kiến giới cho rằng: “Đọc dành cho con gái, còn Toán dành cho con trai”.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu liên quan đến 142 mẫu độc lập trên khắp thế giới, bao gồm gần 211.000 học sinh từ 16 quốc gia và khu vực. Dữ liệu này bao gồm sự nhận thức về độ tự tin và hứng thú đối với môn Toán và Ngữ văn của các học sinh ở các lớp khác nhau.
Nghiên cứu chỉ ra sự thay đổi liên quan đến tuổi tác trong quá trình hình thành bản sắc học thuật của học sinh. Kết quả cho thấy ở trường tiểu học, những học sinh thể hiện sự tự tin và hứng thú cao đối với môn Ngữ văn cũng thể hiện tương tự đối với môn Toán. Qua các năm học, mô hình này dần dần thay đổi. Ở trường trung học, những học sinh thể hiện sự tự tin và hứng thú cao với môn Ngữ văn cho thấy mức độ tự tin và hứng thú trung bình thấp hơn đối với môn Toán và ngược lại. Nói cách khác, học sinh có nhiều khả năng nghĩ rằng họ là “dân toán” hoặc “dân ngôn ngữ” khi qua dần từng năm học.
Học sinh chọn theo đuổi một con đường sự nghiệp cụ thể vì nhiều lý do. Một trong những điều phổ biến nhất là các em tin rằng bản thân làm tốt một nhiệm vụ. Nghiên cứu cho thấy rằng một số học sinh hình thành quan niệm sai lầm rằng các em chỉ có thể giỏi toán hoặc đọc khi chuyển từ tiểu học lên trung học.
Quan niệm sai lầm này có thể có một mặt tối: Học sinh bỏ bê các môn học mà các em coi là điểm yếu ngay cả khi các em thực sự giỏi các môn này so với các học sinh khác.
Một ví dụ là nhiều học sinh, đặc biệt là các em gái, học rất giỏi môn toán nhưng thậm chí còn làm tốt hơn ở môn đọc. Tuy nhiên, những học sinh này lại coi môn Toán là một điểm yếu và tránh theo đuổi con đường giáo dục và sự nghiệp liên quan đến toán học.
Nói cách khác, quan niệm sai lầm được tìm thấy trong nghiên cứu có thể khiến một số học sinh bỏ lỡ các cơ hội giáo dục.
Sẽ rất hữu ích nếu hiểu những điều này trước khi nhóm nghiên cứu có thể đưa ra các khuyến nghị cho phụ huynh, giáo viên hoặc các nhà hoạch định chính sách về các biện pháp can thiệp. Để hỗ trợ hành trình phát triển của mỗi học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường sẽ được “hưởng lợi” từ sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách học sinh nghĩ rằng một người chỉ có thể giỏi toán hoặc đọc. Thật không may, chúng ta biết rất ít về tác động của các yếu tố đóng góp, chẳng hạn như môi trường học đường.
Một yếu tố đóng góp tiềm năng mà nghiên cứu xem xét là quản lý giám sát hoặc việc các trường chia học sinh thành các nhóm theo thành tích. Nghiên cứu của cho thấy học sinh Đức có xu hướng tin rằng họ chỉ giỏi một trong hai lĩnh vực sớm hơn một chút so với học sinh Hoa Kỳ, có lẽ vì việc quản lý giám sát học tập bắt đầu ở Đức sớm hơn ở Hoa Kỳ.
Nghiên cứu tác động của các thực tiễn giáo dục khác nhau đối với niềm tin học tập của học sinh là một hướng nghiên cứu mà Surui Wan và các cộng sự đang theo đuổi.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Wan, S. (2022). Students perceive themselves as a “math person” or a “reading person” early on - and this can impact the choices they make throughout their lives. The Conversation. https://theconversation.com/students-perceive-themselves-as-a-math-person-or-a-reading-person-early-on-and-this-can-impact-the-choices-they-make-throughout-their-lives-187827