Khi nhắc tới Wikipedia, bạn nhắc tới điều gì? Có thể bạn nghĩ đến việc nhấp vào liên kết này đến liên kết khác để tìm hiểu về các chủ đề khác nhau. Hoặc có thể bạn đã nghe giáo viên nói với bạn rằng các bài viết và trích dẫn trên Wikipedia có độ tin cậy tương đối.
Trước thực trạng mọi người lo ngại về việc sử dụng Wikipedia trong công việc học tập, Retzloff và Kelly khi tương tác với các sinh viên đại học và sau đại học đang thực hiện nhiều loại nghiên cứu khác nhau, nhóm tác giả nhận thấy Wikipedia có thể là một nguồn quan trọng cho thông tin cơ bản, phát triển chủ đề và là “bước đệm” để tìm thêm thông tin mới.
Vậy Wikipedia chính xác là gì?
Wikipedia, được ra mắt vào năm 2001, là một bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí do tổ chức phi lợi nhuận Wikimedia Foundation điều hành và được viết bởi những người sử dụng.
Có 10 quy tắc và năm trụ cột để đóng góp cho trang web. Năm trụ cột thiết lập Wikipedia như một bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí, với các bài viết chính xác và trích dẫn các nguồn đáng tin cậy, và các biên tập viên - được gọi là thành viên Wikipedia - tránh thiên vị và tôn trọng lẫn nhau. Các chính sách và hướng dẫn được xây dựng dựa trên năm trụ cột bằng cách thiết lập các phương pháp hay nhất để viết và chỉnh sửa trên Wikipedia. Ví dụ: các vấn đề phổ biến đi ngược lại các nguyên tắc bao gồm chỉnh sửa có trả tiền và phá hoại, nghĩa là chỉnh sửa một bài viết theo cách cố tình, ác ý, xúc phạm hoặc bôi nhọ. Dưới đây là những gì nghiên cứu cho là ưu và nhược điểm chính đối với sinh viên đại học khi sử dụng Wikipedia làm nguồn thông tin trong nghiên cứu và bài tập của họ, mặc dù bất kỳ ai cũng có thể cân nhắc những mẹo này khi sử dụng Wikipedia.
Những ưu điểm của Wikipedia
- Thông tin cơ bản cho hầu hết mọi chủ đề
Ngoài việc miễn phí và sẵn có, bố cục bài viết được tiêu chuẩn hóa của Wikipedia và các siêu liên kết (hyperlink) đến các bài viết khác cho phép người đọc nhanh chóng tìm ra những điều cơ bản về chủ đề của họ – ai, cái gì, khi nào, ở đâu và tại sao.
Theo quan sát của nhóm tác giả, nhiều sinh viên đến thư viện với một chủ đề đã chọn - ví dụ, quyền biểu quyết trong quá trình Tái thiết (Reconstruction) - nhưng lại có rất ít kiến thức về chủ đề đó. Trước khi tìm kiếm các bài báo và sách học thuật để hoàn thành bài tập của mình, sinh viên sẽ được hưởng lợi từ việc biết các từ khóa và khái niệm liên quan đến chủ đề của họ. Điều này đảm bảo họ có thể thử nhiều từ và cụm từ khác nhau trong danh mục và cơ sở dữ liệu như một phần trong chiến lược tìm kiếm của họ.
- Ghi chú và tài liệu tham khảo khiến người đọc tìm hiểu sâu hơn
“Wiki rabbit hole” là một hành vi duyệt web “nhảy” liên tục từ chủ đề này sang chủ đề khác, đây là minh chứng cho khả năng điều hướng dễ dàng của trang web. Sinh viên có thể tìm thấy thông tin có giá trị như các học giả quan trọng về chủ đề này bằng cách cuộn đến phần “Ghi chú” và “Tài liệu tham khảo” trên trang Wikipedia. Tại đây, sinh viên có thể tìm ra ai là tác giả của các nguồn khác nhau được sử dụng trong bài báo, cũng như thông tin trích dẫn cần thiết để tìm các sách và bài báo bổ sung.
- Sinh viên trở thành “biên tập viên”
Sinh viên có thể viết nội dung, chia sẻ thông tin và trích dẫn chính xác các nguồn học thuật trên Wikipedia bằng cách trở thành “biên tập viên”. Khi biên tập, sinh viên có thể thêm các thay đổi vào bài viết trên Wikipedia khi các sự kiện diễn ra. Mọi người có quyền truy cập vào các nguồn học thuật, cả bản in và trực tuyến thông qua các thư viện, mở rộng nội dung của Wikipedia bằng cách chia sẻ thông tin có thể nằm sau “bức tường phí” (paywall/một thuật ngữ thể hiện sự ngăn cách giữa nội dung và người đọc, yêu cầu họ phải đóng phí để có thể đọc nội dung).
Một số giảng viên chỉ định chỉnh sửa Wikipedia như một giải pháp thay thế cho bài nghiên cứu truyền thống. Thực hành này thu hút sinh viên hiểu biết về kỹ thuật số và dạy họ cách xây dựng và chia sẻ kiến thức xã hội.
Những hạn chế của Wikipedia
- Định kiến mang tính hệ thống và giới
Bản chất nguồn lực cộng đồng của Wikipedia có thể dẫn đến việc loại trừ một số tiếng nói và chủ đề. Mặc dù ai cũng có thể chỉnh sửa, nhưng không phải ai cũng làm.
Về vấn đề phân biệt giới tính, Wikipedia thừa nhận rằng hầu hết những người đóng góp là nam giới, rất ít tiểu sử về phụ nữ và các chủ đề phụ nữ quan tâm ít được đưa tin hơn. Có thể được quan sát thấy trong các lĩnh vực thiếu đại diện khác, đặc biệt là chủng tộc và sắc tộc. Gần 90% biên tập viên Wikipedia của Hoa Kỳ xác định là người da trắng, điều này dẫn đến việc thiếu chủ đề, quan điểm và nguồn tài liệu.
- Yêu cầu trích dẫn có thể loại trừ các nguồn quan trọng
Wikipedia yêu cầu thông tin trong bài viết phải được trích dẫn bởi một nguồn đáng tin cậy. Mặc dù đây thường là một yếu tố quan trọng để xác nhận điều gì đó là đúng hoặc chính xác, nhưng nó có thể hạn chế đối với các chủ đề chưa được đưa tin trên báo hoặc tạp chí học thuật. Đối với một số chủ đề, chẳng hạn như Người bản địa Canada, lịch sử truyền khẩu (oral history) có thể là một nguồn quan trọng, nhưng nó không được trích dẫn trong một bài viết trên Wikipedia.
- Không phải tất cả các nguồn được trích dẫn đều là truy cập mở (open-access)
Một số nguồn có thể có “bức tường phí” và vì các trích dẫn thúc đẩy lưu lượng truy cập và doanh thu, các nhà xuất bản học thuật có quyền lợi nhất định đối với việc các ấn phẩm của họ được trích dẫn, cho dù chúng có sẵn, miễn phí hay không. Tuy nhiên, sinh viên đại học có thể sử dụng thư viện của trường để truy cập toàn văn vào các nguồn mà họ tìm thấy trong các bài viết trên Wikipedia.
- Bài viết thay đổi thường xuyên
Mặc dù cập nhật kịp thời là một lợi thế của Wikipedia, nhưng tính chất tạm thời của các bài báo có thể khiến chúng khó dựa vào để lấy thông tin. Sinh viên có thể tìm thấy một phần thông tin trên Wikipedia nhưng nó có thể không còn giống như vậy khi họ quay lại. Mục "Thảo luận" (Talk) của Wikipedia cung cấp một cuộc thảo luận về những thay đổi đối với bài viết và Internet Archive Wayback Machine có thể được sử dụng để xem các phiên bản trước đó.
Huyền Đức dịch
Nguồn: Bridget Retzloff, Katy Kelly (2023). Is Wikipedia a good source? 2 college librarians explain when to use the online encyclopedia - and when to avoid it. The Conversation. https://theconversation.com/is-wikipedia-a-good-source-2-college-librarians-explain-when-to-use-the-online-encyclopedia-and-when-to-avoid-it-200636