Hầu hết các tổ chức giáo dục đại học đã trải qua quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang mô hình học tập, giảng dạy từ xa trong giai đoạn đầu ứng phó với đại dịch COVID-19. Trên toàn thế giới, các cơ sở giáo dục nhanh chóng nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho cả sinh viên và giảng viên. Cụ thể, các tổ chức giáo dục đã cải thiện việc cung cấp hình thức học từ xa cho sinh viên thông qua: (1) Cải thiện cơ sở hạ tầng internet để tránh bị gián đoạn; (2) Sử dụng các công cụ trực quan hơn để giúp người học tiếp thu thông tin; (3) Cung cấp các nguồn tài liệu điện tử hấp dẫn và có tính tương tác; (4) Thúc đẩy tính sáng tạo bằng cách sử dụng các phương pháp dạy học mới; (5) Phát triển hệ thống quản lý học tập (LMS).
Theo một cuộc khảo sát gần đây (Schleicher, 2021), các nền tảng trực tuyến đã được sử dụng rộng rãi ở tất cả các cấp bậc giáo dục ở khắp các quốc gia. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này gặp phải những thách thức nghiêm trọng liên quan đến việc triển khai các giải pháp quản lý danh tính người dùng CNTT.
Quản lý danh tính người học đề cập đến một quy trình liên tục xác minh những tương tác giữa người dùng và hệ thống được thực hiện bởi người đã đăng nhập ban đầu, đủ điều kiện để sử dụng những nội dung, dữ liệu học tập trong hệ thống đào tạo từ xa. Hệ thống sẽ quản lý quyền truy nhập để những người phù hợp có thể thực hiện công việc của mình và những người không phù hợp, như tin tặc, bị từ chối truy nhập. Từ góc độ học thuật và giáo dục, việc liên tục xác minh danh tính của sinh viên là bắt buộc trong một số tình huống học tập trực tuyến để ngăn chặn hành vi gian lận mà trong đó các cá nhân cố tình mạo danh người khác để tham gia các hoạt động học tập một cách phi đạo đức. Ở một góc độ khác, việc nhận dạng người học liên tục không chỉ cải thiện độ tin cậy mà còn có thể được sử dụng hệ thống đào tạo từ xa như một công cụ để nhận thức về sự hiện diện của học sinh trong lớp học.
Do đó, nghiên cứu tập trung đánh giá toàn diện về những nỗ lực xung quanh việc nhận dạng người dùng, tập trung vào các hệ thống giám sát thông minh và phương pháp định danh tự động, cũng như khả năng ứng dụng của chúng trong giáo dục.
Kết quả nghiên cứu
Trong dạy học trực tuyến, công nghệ đóng một vai trò rất quan trọng. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng các cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu sử dụng công nghệ nhận dạng người học nhưng lại thiếu mô hình tích hợp hệ thống linh hoạt kết hợp nhiều đầu vào, chẳng hạn như: dữ liệu khuôn mặt, giọng nói và hành vi thực tế của sinh viên trên môi trường học tập số, đồng thời gặp phải nhiều rào cản liên quan đến bảo mật dữ liệu cá nhân trong quá trình thực hiện.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả giải quyết vấn đề nhận dạng người học liên tục từ góc độ công nghệ, tập trung vào các yêu cầu riêng của đào tạo từ xa. Để đạt được điều này, nghiên cứu cung cấp cái nhìn tổng quan về các hệ thống giám sát trực tuyến hiện hành và các phương pháp nhận dạng tự động dựa trên phân tích hình ảnh, giọng nói và tương tác của sinh viên. Hơn nữa, việc sử dụng sinh trắc học trong giáo dục đại học và các vấn đề bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu cá nhân được nhấn mạnh nhằm khơi gợi những khoảng trống nghiên cứu, các vấn đề mở và triển vọng cho sự tiến bộ của hệ thống nhận dạng người học trong tương lai.
Nghiên cứu này đề xuất việc thiết kế một khuôn khổ đổi mới để quản lý danh tính sinh viên. Nhóm nghiên cứu sử dụng các kỹ thuật bảo vệ quyền riêng tư để liên tục nhận dạng người dùng dựa trên khuôn mặt, giọng nói và sự tương tác. Dựa trên các nghiên cứu trường hợp ở các trường đại học khác nhau tại châu Âu, mục tiêu cuối cùng là triển khai hình thức này trong các trường đại học bằng cách sử dụng mô hình tích hợp hệ thống linh hoạt, thống nhất theo mục tiêu “Lấy người dùng làm trung tâm”.
Trên thực tế, trong bối cảnh đào tạo từ xa, một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng nhất của các cơ sở giáo dục đại học là xác minh rằng mỗi sinh viên đều đã trải qua một quá trình học tập đáng tin cậy để đạt được những kiến thức và năng lực cần thiết. Do đó, hệ thống quản lý danh tính người học sẽ lấp đầy khoảng trống quan trọng trong động lực làm việc hiện tại giữa các cơ sở giáo dục đại học, sinh viên và xã hội. Các trường đại học cần nâng cao mức độ sẵn sàng về CNTT bằng cách cung cấp các hoạt động giáo dục trực tuyến toàn diện, đáng tin cậy và cung cấp các giải pháp đổi mới để liên tục nhận dạng và nhận thức về sự hiện diện của sinh viên. Đồng thời, mô hình nguồn mở (open-source) cho phép các trường đại học tùy chỉnh các giải pháp phù hợp với nhu cầu, từ đó tăng tính bền vững trong kết quả và các công cụ được tạo ra. Điều này cho phép các trường đại học có thể tiến hành tự đánh giá chiến lược tổ chức đào tạo từ xa của họ. Song song, sự tham gia của sinh viên trong quá trình đào tạo từ xa góp phần vào việc tự phản ánh các thực tế hiện tạo để các cơ sở giáo dục đại học có thể xác định những điều cần cải thiện và điều chỉnh chúng cho phù hợp với quá trình dạy-học.
Tại Việt Nam, sự chuyển đổi từ học trực tiếp sang đào tạo từ xa có phần mới mẻ, đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức đối với người dạy. Trong số các thiết bị và ứng dụng công nghệ được sử dụng để hỗ trợ cho quá trình dạy học trực tuyến, đa số các cơ sở giáo dục đại học nước ta đều lựa chọn hệ thống quản lý học tập (Learning Management System - LMS). Mặc dù đa số giảng viên và sinh viên hài lòng với LMS nhưng tốc độ xử lý thông tin và tính ổn định của hệ thống vẫn là yếu tố khiến việc sử dụng LMS gặp nhiều bất tiện, đặc biệt trong việc quản lý danh tính người học. Cụ thể, người dùng phải đăng nhập nhiều lần mới vào được LMS, việc học thường bị gián đoạn do lỗi mạng, đôi khi họ bị tự động loại ra khỏi hệ thống khi đang làm bài kiểm tra, việc nộp bài trên LMS mất nhiều thời gian. Các hành vi gian lận trong học tập hoàn toàn có cơ sở xảy ra khi mà cá nhân khác cố tình mạo danh người học ban đầu để tham gia các hoạt động trong lớp học trực tuyến. Do đó, các trường đại học cần nâng cao mức độ sẵn sàng về CNTT bằng cách cung cấp các hoạt động giáo dục trực tuyến toàn diện, đáng tin cậy để đáp ứng nhu cầu giảng dạy - học tập trong thời đại 4.0.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Portugal, D., Faria, J. N., Belk, M., Martins, P., Constantinides, A., Pietron, A., ... & Fidas, C. A. (2023). Continuous user identification in distance learning: a recent technology perspective. Smart Learning Environments, 10(1), 38.