Một nghiên cứu về quan điểm của các giáo viên đối với việc sử dụng công nghệ của học sinh

Điện thoại thông minh, máy tính, các phương tiện truyền thông xã hội và Internet là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của trẻ em và thanh thiếu niên, kể cả ở trường học. Tuy nhiên, thực tế cách thức trẻ em và thanh thiếu niên ứng dụng các lợi ích của công nghệ trong học tập và giải trí đã làm giảm bớt những lo ngại về rủi ro khi đối tượng này dành quá nhiều thời gian trên màn hình hoặc hoạt động trực tuyến.

Trải nghiệm cuộc sống trong thời kỳ đại dịch, khi nhiều hoạt động học tập và giao tiếp xã hội được chuyển sang trực tuyến, cũng đã thay đổi thái độ của con người đối với việc sử dụng công nghệ. Cơ quan quản lý truyền thông của Vương quốc Anh Ofcom cho biết trong một báo cáo rằng vào năm 2020, chỉ có một số lượng rất ít trẻ em và thanh niên không trực tuyến hoặc không tiếp cận được với Internet.

Trong bối cảnh đó, các giáo viên đang ở một vị trí đặc biệt khi đánh giá cách trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng công nghệ như điện thoại di động và ảnh hưởng đối với các em. Họ xem cách trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng công nghệ để học hỏi, giao tiếp xã hội và cách thức công nghệ ảnh hưởng đến mối quan hệ bạn bè của đối tượng này.

Các tác giả Sarah Hodge (Giảng viên Tâm lý học và Tâm lý học điện tử, Đại học Bournemouth), Annita Ventouris và Constantina Panourgia (Đại học Tây London) đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu với 8 giáo viên, với hoàn cảnh xuất thân, độ tuổi, số năm kinh nghiệm chuyên môn và loại hình tổ chức giáo dục nơi họ công tác trên khắp Vương quốc Anh có nhiều khác biệt. Các nhà nghiên cứu đã hỏi các giáo viên về trải nghiệm của họ đối với việc trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng công nghệ: các đáp viên nghĩ công nghệ ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc, hành vi và việc học của họ cả trước và trong khi xảy ra đại dịch.

Các giáo viên đã nói về tầm quan trọng của công nghệ như một công cụ trong lớp học và học tập cũng như những cơ hội mà nó mang lại cho sự sáng tạo. Như một giáo viên đã chia sẻ: “Đó là những gì bọn trẻ đã quen thuộc và nó thu hút chúng nhiều hơn – nó là một công cụ hữu ích có thể bổ sung cho việc giảng dạy của chúng tôi.”

Trao quyền thông qua công nghệ

Các tác giả nhận thấy rằng các giáo viên rất lạc quan về vai trò của công nghệ trong việc trao quyền cho trẻ em và thanh thiếu niên. Một đáp viên chia sẻ: “Các em học sinh sử dụng các trang mạng xã hội để học hỏi lẫn nhau và bày tỏ niềm tin của mình – ngay cả những đứa trẻ ít nói trong lớp học, các em cũng thấy dễ dàng bày tỏ bản thân hơn trên mạng.”

Họ cho rằng trẻ em và thanh thiếu niên có thể học hỏi cách hiểu và nhận biết các dấu hiệu của việc sử dụng công nghệ không lành mạnh từ cảm xúc và hành vi của chính các em khi sử dụng chúng. Điều này bao gồm việc các em thể hiện sự đồng cảm và quan tâm thông qua việc để ý cảm nhận của chính bản thân và những người xung quanh. Một giáo viên cho biết trẻ em và thanh thiếu niên đang có xu hướng trở nên nhân ái hơn và giúp đỡ những người bạn đang gặp khó khăn hay đau khổ thông qua các bài đăng trực tuyến của họ.

Tuy nhiên, một số giáo viên đã bày tỏ lo ngại về việc tương tác trực tuyến ảnh hưởng đến trẻ em và các kỹ năng xã hội của thanh thiếu niên như thế nào. Một đáp viên cho biết: “Các em không biết làm thế nào để có những cuộc trò chuyện phù hợp với bạn bè mình. Các em không biết làm thế nào để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống bởi đứng sau màn hình, người trẻ có thể dễ dàng thể hiện các hành vi xấu tính mà không cần quan tâm đến việc phải giải quyết những hậu quả từ hành vi đó”.

Một người khác đặt câu hỏi về việc sử dụng công nghệ ảnh hưởng đến việc vui chơi của học sinh như thế nào: “Các em không biết chơi và thực sự bạn sẽ thấy các nhóm học sinh chỉ chăm chú vây quanh một chiếc điện thoại.”

Các giáo viên cũng chỉ ra những vấn đề của việc từ bỏ việc sử dụng công nghệ. Một giáo viên bày tỏ: “Các bậc cha mẹ liên tục phải lao vào những cuộc chiến để kéo con cái của họ ra khỏi màn hình điện thoại và ngày hôm sau họ kiệt sức, và họ cảm thấy khó khăn khi đưa các em đến trường vì bọn trẻ quá mệt mỏi.”

Các giáo viên đã thảo luận về giải pháp khuyến khích học sinh tham gia các môn thể thao đồng đội như một cách để khuyến khích giao tiếp trực tiếp và giải quyết xung đột. Tuy nhiên, trong khi một số vấn đề về an toàn trực tuyến và sử dụng Internet được đề cập ở trường, những hướng dẫn về cách thức chung sống với công nghệ, kiên cường đối mặt với những thách thức và sử dụng công nghệ một cách cân bằng cần phải được giảng dạy cụ thể và đầy đủ hơn.

Các giáo viên cũng cảm thấy rằng việc bổ sung các nội dung về an toàn trực tuyến vào chương trình giảng dạy sẽ rất có giá trị, cũng như tạo cơ hội cho trẻ em và thanh thiếu niên nói về trải nghiệm và nội dung công nghệ của chúng. Một giáo viên cho biết: “Có rất nhiều người xấu ngoài kia và chúng tôi thảo luận về các vấn đề an toàn trực tuyến với học sinh của tôi, nhưng một số nội dung nên chính thức được đưa vào và trở thành một phần của chương trình giảng dạy và phụ huynh cũng nên tiếp cận với những thông tin đó.”

Các giáo viên nhấn mạnh rằng họ cũng cần được hỗ trợ về kiến ​​thức công nghệ và đề xuất điều này nên được đề cập sâu hơn trong các chương trình đào tạo giáo viên. Một giáo viên chia sẻ: “Chúng ta cần bắt kịp thời đại và nếu có điều gì đó mà đại dịch này đã dạy cho chúng ta, thì đó là việc không phải giáo viên nào cũng có thể làm được điều đó… đào tạo một lần là không đủ, các trường cần đầu tư vào các hoạt động phát triển chuyên môn và trình độ công nghệ một cách liên tục.”

Trẻ em và thanh thiếu niên có thể nhận được những lợi ích đáng kể từ công nghệ, nhưng điều này cũng có những rủi ro. Chú ý nhiều hơn đến cách giáo viên có thể giải quyết vấn đề này ở trường học có thể là một cách vô giá để giúp trẻ em và thanh thiếu niên hiểu và cân bằng thời gian trực tuyến.

Vân An dịch

Nguồn:

Hodge, S. (2022, September 20). What teachers think of children and young people’s technology use. The Conversation. https://theconversation.com/what-teachers-think-of-children-and-young-peoples-technology-use-185232

Bạn đang đọc bài viết Một nghiên cứu về quan điểm của các giáo viên đối với việc sử dụng công nghệ của học sinh tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn