Sự xuất hiện và nổi lên của các phương pháp phân tích dữ liệu số là “chất xúc tác” để tạo ra những phương pháp giáo dục ‘khách quan’ chưa từng có trong lịch sử. Các hình thức phân tích dựa trên nền tảng dữ liệu được thực hiện thông qua các công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục được kỳ vọng sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới của tính chính xác và công bằng trong hoạch định chính sách giáo dục trên cơ sở khoa học.
Bài viết này phân tích cách thức mà tính khách quan được coi là một đặc tính của quá trình dữ liệu hoá thông qua tìm hiểu những công nghệ đánh giá đang phổ biến hiện nay, được thiết kế để thu thập dữ liệu về ‘việc học tập và các kỹ năng cảm xúc xã hội’ (SEL) của học sinh. Trong những năm gần đây, SEL và các loại hình tương đương, chẳng hạn như ‘kỹ năng mềm’, ‘giáo dục tính cách’ và ‘học tập phi nhận thức’ đã trở thành trọng tâm của các chính phủ, các nhà đầu tư công nghệ giáo dục, nhà tâm lý học, kinh tế học, các nhà đo lường học tâm lý, và các tổ chức quốc tế có tầm ảnh hưởng.
Thông qua việc theo dõi sự hình thành của lĩnh vực khoa học SEL mới này, việc triển khai, đo lường và các tác động về mặt chính sách có liên quan, chúng tôi xác định 3 thành tố then chốt của sự kiến tạo tính khách quan: (1) SEL được định nghĩa và chuẩn hoá như thế nào thông qua việc biến đổi các phép đo tâm lý và kinh tế học thành các loại hình có thể đo lường được; (2) các loại hình chuẩn hoá này được chuyển đổi thành sự thiết kế các công nghệ đo lường cụ thể, nhằm biến SEL trở thành một nguồn dữ liệu có tính khách quan; và (3) thông qua việc kiến tạo nguồn dữ liệu có tính khách quan chưa từng có, làm thế nào các tổ chức thúc đẩy việc sử dụng SEL có thể kiến tạo những tri thức khoa học và sau đó giúp chúng có tầm ảnh hưởng lên việc hoạch định chính sách, và điều này sau đó tiếp tục mở ra một thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ có thể mang đến dịch vụ thu thập các dữ liệu tâm lý dưới dạng những dữ liệu định lượng (có thể đo lường được).
Kết quả nghiên cứu của bài viết này cho thấy, các quy trình chuẩn hóa được đề cập trong bài viết cho thấy cách mà các kiến thức và sự thực hành khác nhau - chẳng hạn như lý thuyết nhân cách, sự phát triển tích cực của thanh thiếu niên và việc mã hóa các hành động (biểu cảm) khuôn mặt - đang được các tổ chức như OECD, CASEL và WEF công khai sử dụng và nhân rộng như thế nào, và từ đó thúc đẩy nhu cầu và kích thích sự phát triển một thị trường mới trong các công nghệ giáo dục dựa trên SEL, đồng thời tạo ra những tri thức định hướng, tác động đến chính sách. Với tư cách là một cộng đồng chính sách toàn cầu đang phát triển, các tổ chức này đang thiết lập một biên giới mới cho chính sách giáo dục khoa học-dữ liệu, đồng thời trao quyền cho chính họ với tư cách những nguồn quan trọng trong quá trình sản xuất tri thức chính sách khách quan theo quy trình và định vị mình là những “chuyên gia” về sự khách quan. Tính khách quan có ảnh hưởng đặc biệt mạnh mẽ đối với chính sách giáo dục, bởi nó nêu bật luồng quan điểm phản bác một luồng nhận thức chính thống “dường như phản ánh thực tế không có bất kỳ sai sót nào và do đó, dường như không thể phản bác được”. Tính khách quan là một yếu tố “có vẻ dễ khẳng định” nhưng lại “khó thực hiện trong thực tế”.
Cuối cùng, các phương pháp dựa trên khoa học dữ liệu được khám phá trong bài viết này quan trọng cần được nhìn nhận trong bối cảnh nền khoa học chính sách và sự hoạch định chính sách ngày càng nhấn mạnh vào bằng chứng khách quan, diễn ngôn về 'những điều phù hợp' và sự tiên tiến của các phương pháp tiếp cận chính sách khoa học - dữ liệu huy động tri thức tâm lý cùng với công nghệ xử lý dữ liệu như những phương thức để cung cấp nguồn thông tin, tri thức góp phần hình thành chính sách và việc thực hành chính sách trong giáo dục.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Ben Williamson & Nelli Piattoeva (2018). Objectivity as standardization in data- scientific education policy, technology and governance. Learning, Media and Technology. DOI: 10.1080/17439884.2018.1556215