Một số rào cản ảnh hưởng tới kĩ năng quản lí tài chính của sinh viên tại Trung Quốc

Quản lí tài chính cá nhân là một kĩ năng quan trọng được nhiều chuyên gia và tổ chức giáo dục khuyến nghị nên được phổ cập từ khi còn trên ghế nhà trường. Để trả lời câu hỏi: “Liệu học tài chính có cải thiện thói quen và hiểu biết về tài chính của sinh viên hay không?”, tác giả Wei Huang cùng cộng sự đã thực hiện nghiên cứu mang tên “Does enrolling in finance-related majors improve financial habits? A case study of China’s college students”.

Hầu hết sinh viên thường “cháy túi” vì không làm chủ được số tiền “ra” và “vào” của bản thân. Nhận ra được điều đó, nghiên cứu của nhóm tác giả Wei Huang, Xiaowei Liao, Fan Li và Panpan Yao tập trung kiểm tra việc lựa chọn theo học ngành tài chính có cải thiện thói quen và hiểu biết về tài chính của sinh viên hay không. Nghiên cứu đã tiến hành theo nhiều phương pháp với số lượng khách thể gồm 1334 sinh viên từ 7 trường đại học ở miền trung Trung Quốc. Phương pháp hồi quy đa biến, phương pháp trọng số xác suất nghịch đảo, phương pháp phỏng vấn sâu kết hợp cùng thao tác so sánh được sử dụng để phân tích định lượng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sinh viên nói chung không hài lòng với tình hình tài chính của họ. Việc theo học ngành tài chính cải thiện thói quen tài chính của sinh viên rất ít, mặc dù trình độ hiểu biết về tài chính được cải thiện đáng kể.

Cụ thể, bằng cách tóm tắt các cuộc phỏng vấn định tính, nghiên cứu tìm ra 3 rào cản chính ảnh hưởng tới việc quản lí tài chính của sinh viên trong các chương trình đào tạo tài chính hiện tại.

Thứ nhất là thiết kế chương trình giảng dạy nặng về lí thuyết. Nhiều sinh viên theo cho biết chương trình giảng dạy đã nhấn mạnh quá mức các khái niệm, định nghĩa và mối quan hệ của chúng với tài chính công hoặc tài chính doanh nghiệp (Jin & Chen, 2012). Do đó, kiến thức và thực hành về quản lí tài chính cá nhân còn hạn chế. Có thể, sinh viên có thái độ tích cực đối với quản lí tài chính cá nhân, nhưng thiết kế chương trình giảng dạy thiếu cân đối và thiếu đào tạo về tài chính cá nhân đã cản trở sinh viên học tập và không khuyến khích sinh viên áp dụng kiến thức thu được vào cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, nếu không thiết kế lại chương trình giảng dạy và nâng cao chất lượng nội dung, sẽ khó cải thiện thói quen tài chính của sinh viên.

Thứ hai là thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ. Chương trình giảng dạy được thiết kế lại, nhưng việc đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ lại là một thách thức khác (Compen và cộng sự, 2019; Yue, 2018). Nhóm tác giả quan sát thấy hầu hết các giảng viên dạy quản lí tài chính tại đại học không được đào tạo cụ thể về kĩ năng quản lí tài chính cá nhân (Su và cộng sự, 2019). Chủ yếu giảng viên được trang bị kiến thức nền về tài chính doanh nghiệp và/hoặc tài chính công vững chắc.

Cuối cùng là gia đình hỗ trợ tài chính. Ở Trung Quốc, hầu hết sinh viên đều được cha mẹ hỗ trợ tài chính. Cha mẹ có xu hướng cố gắng hết sức để đảm bảo tài chính cho con cái (Yao & Meng, 2018). Khi sinh viên được cha mẹ hỗ trợ tài chính quá mức, họ hiếm khi lo lắng về các vấn đề tài chính (Yao & Meng, 2018), điều này có thể làm giảm động lực học các kĩ năng quản lí tài chính của họ.

Tóm lại, nghiên cứu cho thấy sinh viên học tài chính sẽ có mức độ hiểu biết về tài chính tương đối cao nhưng kĩ năng quản lí tài chính cá nhân thực tế của họ gặp những hạn chế. Trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay, đào tạo về quản lí tài chính cá nhân còn đang thiếu. Quản lí tài chính cá nhân hiệu quả rất quan trọng để xây dựng một cuộc sống kinh tế ổn định trong tương lai. Do đó, thiết kế chương trình giảng dạy và thực hành về kĩ năng quản lí tài chính cá nhân nên được giới thiệu để nâng cao thói quen quản lí chi - tiêu của sinh viên.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Huang, W., Liao, X., Li, F. et al. (2023). Does enrolling in finance-related majors improve financial habits? A case study of China’s college students. Asia Pacific Education Review. https://doi.org/10.1007/s12564-023-09856-y

Bạn đang đọc bài viết Một số rào cản ảnh hưởng tới kĩ năng quản lí tài chính của sinh viên tại Trung Quốc tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn