Theo truyền thống, việc quản trị giáo dục đại học được thực hiện theo sự kiểm soát theo cấp bậc ở nhiều quốc gia, trong đó nhà nước đứng đầu trong hệ thống phân cấp. Tuy nhiên, việc quản trị trường đại học đã áp dụng mô hình phối hợp giữa các chủ thể nhà nước và ngoài nhà nước.
Cụ thể, trước năm 1987, hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam đều do nhà nước sở hữu và quản lí. Hệ thống giáo dục đại học được quản lí tập trung, chịu ảnh hưởng từ mô hình của Liên Xô. Thay đổi quan trọng nhất trong quá trình hướng tới tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu bằng sự phát triển của các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập đầu những năm 1990. Quá trình tái cơ cấu hệ thống giáo dục đại học bắt đầu với việc thành lập 2 đại học quốc gia tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Vấn đề về cách thức quản lí giáo dục đại học ở cả cấp độ hệ thống và thể chế có thể được xác định bởi thực tế là sự kiểm soát của nhà nước và các lực lượng thị trường đều có vai trò quyết định trong quá trình quản trị. Các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước Bộ GD-ĐT về mặt học thuật; chịu sự giám sát của các cơ quan chính phủ khác nhau về mặt tài chính và hành chính. Các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập trong hệ thống có các mức độ tự chủ khác nhau. Hai trường đại học quốc gia được giao quyền tự chủ ở mức cao nhất; chịu trách nhiệm trực tiếp trước chính phủ và các cơ quan chính phủ trong các lĩnh vực thích hợp. Các cơ sở giáo dục đại học khác có mức độ tự chủ thấp hơn.
Ở cấp độ thể chế, các đơn vị mới đã được thành lập để mở rộng các hoạt động của trường đại học trong các lĩnh vực khác nhau. Các trung tâm hợp tác quốc tế đã được tăng cường tại nhiều trường đại học như một tín hiệu về quyền tự chủ lớn hơn được trao cho các cơ sở giáo dục đại học.
Nhóm tác giả xem xét một số thay đổi quản trị như quản trị về học thuật (phát triển chương trình giảng dạy, tuyển sinh, quản lí chất lượng); quản trị về ngân sách; quản lí tổ chức và nhân sự. Hiện nay, hầu hết các bên đồng ý rằng quản trị theo hình thức quản lí tập trung không còn phù hợp. Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ tập trung vào các vấn đề chính sách, bao gồm hoạch định và giám sát chính sách. Những tín hiệu về chính sách và thực tiễn tự chủ như hiện nay cần được quan tâm, nghiên cứu hơn khi mà tương lai còn cả một chặng đường dài để các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam bắt kịp hệ thống các trường đại học trên thế giới được hưởng quyền tự chủ hoàn toàn về thể chế và chịu trách nhiệm trước các bên liên quan về hoạt động của mình.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Pham, T. N., & Goyette, K. (2019). Higher education governance in Vietnam: Statism versus institutional autonomy. Transformations in Higher Education Governance in Asia: Policy, Politics and Progress, 197-212.