Nghiên cứu giáo dục trong bối cảnh mới và vai trò của Tạp chí Giáo dục

Trong nhiều năm gần đây, Tạp chí Giáo dục (Tạp chí) của ngành đã có nhiều cống hiến trong định hướng tư tưởng, thông tin lí luận khoa học và thực tiễn giáo dục. Giá trị lớn nhất của tạp chí khoa học là sự chuẩn mực về học thuật, có nhiều đổi mới vượt bậc về nội dung và hình thức, ngày càng xứng đáng là người bạn đồng hành, tin cậy của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lí giáo dục.

GS. TS. Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thái Nguyên

Sự phát triển của khoa học giáo dục (KHGD) trong bối cảnh mới

Nghị quyết TW 4 khoá VII, Nghị quyết TW 2 khoá VIII, Kết luận 242 của Bộ Chính trị (2009) đã xác định: “Thực sự coi trọng vai trò của khoa học giáo dục. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục, giải quyết tốt những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình đổi mới giáo dục”. Đặc biệt, Nghị quyết 29 của Đảng (2013) đã nhấn mạnh các nhiệm vụ giải pháp trong đó trọng tâm là:“Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý. Quan tâm nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học quản lý, tập trung đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục quốc gia. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục. Triển khai chương trình nghiên cứu quốc gia về khoa học giáo dục”.

Đối tượng của KHGD là một quá trình sư phạm tổng thể, tập trung chủ yếu vào nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của nhân cách.. Chiến lược “dân trí, nhân lực, nhân tài” phải dựa trên nền tảng nhân cách (phẩm chất và năng lực). Từ mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học đã nhấn mạnh yếu tố năng lực, yếu tố phẩm chất của nhân cách. KHGD cũng làm rõ yếu tố cơ bản quyết định quá trình hình thành nhân cách trong 4 yếu tố chính (di truyền làm nền tảng, giáo dục là chủ đạo, môi trường là quyết định, tự hoạt động của cá nhân là quyết định trực tiếp). Giáo dục có thể mang lại những tiến bộ mà các nhân tố khác như bẩm sinh, di truyền hoặc môi trường, hoàn cảnh không thể có được. Giáo dục không chỉ thích ứng mà còn đi trước hiện thực, thúc đẩy phát triển, có giá trị định hướng, chủ đạo sự hình thành phát triển nhân cách, thúc đẩy sức mạnh bên trong của chủ thể thông qua tổ chức các hoạt động (dạy học, giáo dục) có mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp, kết quả,… có tính chuyên nghiệp cao. Do vậy, cách tiếp cận các vấn đề của KHGD hiện nay phát triển đa dạng và phức tạp hơn trước đây.

Do vậy, KHGD cần thiết tập trung công bố các kết quả trọng tâm, sâu sắc hơn về các nội dung sau đây:

Nghiên cứu tác động của môi trường xã hội đến con người. Giáo dục đã và đang có sự chuyển biến tích cực trong môi trường nhiều biến động lớn (kể cả trong không gian, thời gian vật chất và không gian số) với các thay đổi về tâm lí xã hội của con người, đặc biệt là học sinh. Những thay đổi về nhận thức, trí tuệ, cảm xúc, ý thức, thói quen, hành vi của tuổi trẻ,… đang tạo ra “hàng rào tâm lí” sẽ rất khó mở nếu chỉ với kiến thức tâm lí và phương pháp tiếp cận cũ. Từ đây, KHGD cần cách tiếp cận mới, vì đối tượng tác động đã có nhiều biến động. Giáo dục mở cần được nghiên cứu rộng hơn, mô hình mới, dạy học trực tuyến, gia sư, lớp học đảo ngược, homescholling, dạy học với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo,… cần được tổng kết lí luận. Ngay cả quan niệm rất cơ bản về quan hệ giáo viên - học sinh (ở phổ thông); giảng viên - sinh viên (ở đại học) cũng cần được tiếp cận khác với nội hàm rộng hơn về chức năng dạy - học đã thay đổi, có thể theo hướng mới: người dạy - người học với AI, với môi trường ảo.

Đặc điểm người học trong bối cảnh môi trường đang có sự thay đổi lớn (môi trường quốc tế, đặc điểm vùng miền, đặc điểm các dân tộc, đặc trưng các độ tuổi…). Nhân cách người Việt Nam trong hội nhập phải được cá nhân hóa cao độ, do vậy nhiều nội dung, cách tiếp cận của KHGD cần quan tâm đến chuẩn quốc tế (ví dụ từ khung trình độ quốc gia hoặc khi ứng dụng KHGD vào đào tạo giáo viên về chương trình, về đánh giá, về mô hình học tập,…). Đặc biệt, vấn đề bản sắc con người Việt Nam trong xu hướng công dân toàn cầu, cần nghiên cứu hệ giá trị cốt lõi, những yêu cầu chuẩn mực, nền tảng đối với từng bậc học, đối tượng, khu vực và thậm chí từng nhóm người. Những giá trị đặc sắc về văn hoá con người trong hội nhập; vấn đề kinh tế học giáo dục đối với đầu tư cá nhân và đầu tư của xã hội cũng cần được quan tâm đặc biệt. Đối tượng trẻ em các độ tuổi và bậc học cần được nghiên cứu bài bản, sâu sắc hơn trước sự biến đổi nhanh về thể chất, tâm lí, xã hội, đặc biệt là trong môi trường số, trong giao tiếp gia đình, trong cộng đồng xã hội. Ngày nay, trong thế giới luôn biến động đã và đang xuất hiện nhiều kiểu dạng nhân cách không nhận diện được như đặc điểm tâm sinh lí, khí chất đã được mô tả trong giáo trình tâm lí học, giáo dục học ở thế kỉ trước.

Nghiên cứu triển khai các mục tiêu chiến lược quốc gia về giáo dục. KHGD đã góp phần hoàn thiện Luật Giáo dục (2019), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (2018). Giới nghiên cứu cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu cơ sở khoa học để thực hiện mục tiêu 3 đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII: “i) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển… ii) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để thực hiện chiến lược đột phá này, cần cách tiếp cận mới của KHGD với những kết quả ứng dụng cụ thể trong giai đoạn tới. Đặc biệt là cơ sở lí luận về phát triển chương trình giáo dục phổ thông và đại học, chuẩn và tiêu chuẩn trong đánh giá, kiểm định chất lượng trong điều kiện môi trường giáo dục đang thay đổi rất nhanh, phá vỡ các chuẩn cũ và các chỉ số về năng lực, nguồn lực giáo dục cũng đang đòi hỏi cách tiếp cận khác khi đánh giá con người. Hoàn thiện những luận cứ khoa học cho các giải pháp trọng tâm như: thể chế, quản lí, công bằng, quy hoạch, nội dung - chương trình - phương pháp, nhà giáo, cán bộ quản lí, tài chính, công nghệ thông tin - chuyển đổi số, khoa học và đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế,… Để chiến lược giáo dục quốc gia góp phần nâng tầm đất nước, thực hiện mục tiêu khát vọng Việt Nam đến năm 2045. KHGD phải xác lập được căn cứ định lượng để đầu tư ở tầm vĩ mô hay vi mô. Phát triển giáo dục trong bối cảnh kinh tế thị trường cần phải làm rõ quy luật cung cầu, giá thành, lợi ích,… tôn trọng quy luật xã hội và sự phát triển con người; quan hệ giữa con người và môi trường với vai trò chức năng dẫn dắt hay đáp ứng, chấp nhận hay thay đổi,… Những yếu tố thuộc đặc tính con người gây kìm hãm sự phát triển cần xác định nút thắt và giải pháp giáo dục, huy động các lĩnh vực liên ngành trong nghiên cứu KHGD, đặc biệt là kinh tế học, công nghệ, văn hóa,… Bộ ba trụ cột giáo dục - khoa học - văn hoá phải là nền tảng trong chiến lược giáo dục.

Luận cứ về thực hiện giáo dục phổ thông mới trước bối cảnh có nhều biến động lớn gồm: (1) Trí tuệ nhân tạo và sự thay đổi của giáo viên (2) Thiết kế môi trường học tập theo xu hướng giảm tải, giảm dạy, giảm thi, giảm áp lực,… (3) Giáo dục nhà trường có sứ mạng “dẫn dắt” thị trường lao động (4) Mô hình dạy học hiệu quả để người học lựa chọn (5) Đa dạng mô hình đào tạo người thầy.

Tầm nhìn mới, môi trường giáo dục đại học mới trong tự chủ đại học. Đối với giáo dục đại học cần đặt trọng tâm vào chuyển tải kiến thức và hiểu biết bền vững, khơi nguồn cảm hứng cho toàn cầu. Với giá trị: suy nghĩ phía trước, hợp tác, cam kết chất lượng là tâm điểm cho các hoạt động; truyền cảm hứng cho mọi thành viên, tạo ra một môi trường gồm các giảng viên cùng nhau nghiên cứu đưa ra các chương trình, nội dung, lĩnh vực cần đổi mới,… Đây có thể được coi là các nhân tố cơ bản tạo lập môi trường tốt nhất cho các cơ hội học tập và nghiên cứu sáng tạo - điều kiện đảm bảo cho một trường đại học có được chỉ số hấp dẫn cao. Sự có mặt của các chính khách, doanh nhân, nhà khoa học, nhà văn hoá, những người nổi tiếng,… ở trường đại học, với tư cách là “người dạy”, sẽ khơi nguồn cảm hứng cho người học, tạo nền cho ý tưởng mới, làm tăng vị thế trường đại học, làm phong phú hơn và hấp dẫn hơn các môi trường đóng kín, kinh viện. Như vậy, giải pháp phát triển môi trường giáo dục phổ thông và đại học cần tập trung vào các hoạt động của con người (học tập, giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn chính sách, phục vụ cộng đồng), đồng thời là các tiêu chí về cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống pháp luật đảm bảo trong bối cảnh tự chủ nhà trường ngày càng cao. Phát triển môi trường giáo dục, đổi mới sáng tạo lại càng phải duy trì sự “nghiêm cẩn” của trường học và sự “thiêng liêng” của giáo dục, đây là hai giá trị cần được bảo tồn và phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Tạp chí giáo dục và định hướng công bố các nội dung khoa học giáo dục

Từ những xu hướng phát triển mới của KHGD và vai trò công bố công trình khoa học , khuyến nghị Tạp chí cần tập trung tuyển chọn, hỗ trợ, giới thiệu các tác giả, công trình nghiên cứu có chất lượng cao về giáo dục ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Tạp chí cần có những đặt hàng nghiên cứu và công bố chuyên sâu về lí luận. Để có sản phẩm công bố kết quả về KHGD có chất lượng, cần thực hiện các giải pháp sau:

Tuyển chọn chuyên gia về KHGD và liên ngành. Tập trung xây dựng các danh mục lớn về nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, triển khai; mở rộng phạm vi nghiên cứu: quốc gia - khu vực ASEAN; bộ - ngành theo hướng liên ngành trọng điểm; cấp bộ - trường đại học giải quyết theo các nhóm vấn đề; chia theo nội dung vấn đề để giải quyết đề tài nghiên cứu; đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh và thạc sĩ giáo dục; đề tài cấp trường, cụm trường,… Trước mắt, chúng ta cần tập trung phát triển các mô hình nghiên cứu cơ bản về KHGD thông qua hoạt động Quỹ NAFOSTED, từ các trường sư phạm và viện nghiên cứu về giáo dục.

Xây dựng các danh mục định hướng nghiên cứu KHGD. Tập trung vào xác định mục tiêu, sản phẩm làm luận cứ cho ngành về những vấn đề nền tảng, căn cốt của KHGD như: nhân cách, giáo dục, dạy học, giáo viên, học sinh, nguyên tắc, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục, đánh giá, chuẩn, động lực, môi trường giáo dục, xã hội hóa, kinh tế học giáo dục, nhân học, sinh lí học thần kinh cấp cao, công nghệ giáo dục, chiến lược đầu tư, chiến lược phát triển con người, nhân tài, xã hội hoá giáo dục,… kể cả ở phổ thông và đại học. Luận cứ khoa học để bổ sung vào chương trình giáo dục phổ thông các lĩnh vực học tập cơ bản cần thiết, liên ngành trong tương lai: Giáo dục tài chính; Giáo dục môi trường và phát triển bền vững; Giáo dục số; Giáo dục văn hoá,…

Nghiên cứu bổ sung các vấn đề cụ thể của hệ thống: (1) Giáo dục phổ thông: đặc điểm tâm lí lứa tuổi (nhận thức, nhu cầu, thói quen - hành vi, đạo đức, thể chất, thẩm mĩ, lao động, giao tiếp, những thay đổi về lối sống trong môi trường số); đặc điểm giáo viên; năng suất lao động; chính sách nhà giáo và tiêu chuẩn nghề nghiệp (2) Giáo dục đại học: phát triển chương trình, đặc điểm sinh viên, giảng viên (người dạy); môi trường giáo dục đại học; kinh tế học giáo dục; xã hội học và văn hoá; giáo dục - văn hoá - khoa học; tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; bản chất và giá trị của tự chủ đại học; quan hệ giữa giáo dục đại học - nghề nghiệp; quan hệ giáo dục đại học - phổ thông; hoàn thiện tự chủ đại học; cải tạo lại chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ quản lí giáo dục theo hướng hiện đại; quy hoạch đại học (3) Về quản lí và quản trị: quản lí hệ thống nhà trường trong điều kiện ICT phát triển mạnh mẽ; quản trị hệ thống và quản lí; lớp học hiện đại; tự chủ phát triển chương trình nhà trường; kiến thức địa phương và hoạt động trải nghiệm; vấn đề người dạy (chuỗi người tham gia) với hoạt động của các thành viên dưới sự hướng dẫn chủ đạo của nhà giáo dục.

Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, cách tiếp cận giáo dục cũng như các vấn đề phát triển của đất nước để có tính khả thi cao, cần tuân thủ 3 bước: bắt đầu từ tư duy khoa học về vấn đề; sự lựa chọn của nhà quản lí về vấn đề đó và trên cơ sở khoa học và quản lí, hoàn thiện các chính sách cụ thể.

GS.TS. Phạm Hồng Quang - Đại học Thái Nguyên

Tài liệu tham khảo:

1. Luật giáo dục, 2019; Luật Giáo dục đại học sửa đổi, 2018.

2. Nghị quyết 29/TW ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện KTTT định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.

3. Hà Thế Ngữ, Đặng Vũ Hoạt - Giáo dục học, NXB Giáo dục, 1986.

4. Phạm Hồng Quang - Môi trường nghiên cứu khoa học giáo dục trong trường sư phạm (sách chuyên khảo - Quỹ NAFOSTED tài trợ), NXB Đại học Thái Nguyên, 2014.

5. Phạm Hồng Quang - Môi trường giáo dục, NXB Giáo dục, 2006.

6. Phạm Hồng Quang - Hoạt động NC KHGD của sinh viên sư phạm, NXB Đại học Sư phạm, 2006.

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu giáo dục trong bối cảnh mới và vai trò của Tạp chí Giáo dục tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn