Có phải chúng ta đang bắt đầu kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực xuất bản học thuật?

Gần đây, nhiều người không khỏi bất ngờ trước sự tiến bộ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chẳng hạn như ChatGPT (OpenAI). Cụ thể, với công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), AI có thể tạo ra nội dung bằng văn bản tương tự như các sản phẩm do con người tạo ra. Trong bài viết này, Quan-Hoang Vuong và cộng sự sẽ thảo luận về một số điểm chính liên quan đến thực trạng và tương lai của AI trong giới học thuật; đồng thời trình bày một số kinh nghiệm thực tế khi làm việc với ChatGPT.

Lợi ích của việc ứng dụng trí tuệ nhân trọng (AI) trong xuất bản học thuật

- Hỗ trợ AI trong tìm kiếm và lọc thông tin có thể giảm đáng kể chi phí khoa học trong các bước khác nhau từ thu thập dữ liệu đến phân tích, viết bản thảo và xuất bản, vốn là vấn đề đau đầu, đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu ở những nơi có nguồn lực thấp 

- AI có thể hỗ trợ các nhà nghiên cứu những công việc kỹ thuật tẻ nhạt để họ có thể tập trung sức lực hơn vào nghiên cứu sáng tạo. Điều này cũng có thể hữu ích cho những biên tập viên đang phải chịu áp lực thời gian rất lớn trong hệ thống xuất bản hiện tại. 

- AI dựa trên NLP có thể trợ giúp đắc lực cho các nhà nghiên cứu không phải là người nói tiếng Anh bản xứ trong quá trình xuất bản và các nhà nghiên cứu mới bắt đầu. Những người không nói tiếng Anh bản xứ chiếm một tỷ lệ rất lớn trong cộng đồng khoa học toàn cầu. Với sự trợ giúp của AI trong việc chỉnh sửa ngôn ngữ, những nhà nghiên cứu này có thể nỗ lực nhiều hơn vào bản chất thực sự của khoa học: lý luận, phương pháp luận và tìm ra những hiểu biết quan trọng. 

- Phong trào khoa học mở phù hợp với AI nguồn mở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu minh bạch và phát triển hợp tác.

ChatGPT có đáng quan ngại như mọi người lo sợ không?

Để kiểm tra khả năng logic của ChatGPT (GPT-3), nhóm tác giả đã tiến hành hai thử nghiệm nhỏ.

(1) Thí nghiệm đầu tiên: bài toán về quả bóng màu

Bài toán được trình bày như sau: Một người xếp các quả bóng màu vào hộp theo trình tự sau: quả bóng xanh, quả bóng đỏ, quả bóng vàng, rồi đến quả bóng xanh, quả bóng đỏ, quả bóng vàng…. Nếu muốn có 10 quả bóng màu đỏ vào hộp thì người đó cần bỏ vào ít nhất bao nhiêu quả bóng?

Lúc đầu, ChatGPT trả lời: “Cần tối thiểu 30 quả bóng”. Chúng tôi biết rằng quả bóng thứ 30 có màu vàng và đã nói với ChatGPT điều này, nhưng một lần nữa nó khẳng định lại rằng 30 quả bóng là cần thiết. Sau đó tác giả hỏi: “Nếu người đó chỉ đặt 29 quả bóng thì có bao nhiêu quả bóng màu đỏ trong hộp?” Về điều này, nó trả lời rằng sẽ có chín quả bóng màu đỏ (Hình 3 ). Câu hỏi được lặp lại với tổng số nhỏ hơn mỗi lần (28, 27 rồi 26,...). ChatGPT đã trả lời với mỗi lần bớt đi một quả bóng đỏ. Khi tác giả hỏi: “Nếu người đó chỉ đặt 20 quả bóng thì trong hộp có bao nhiêu quả bóng màu đỏ?” nó trả lời rằng sẽ không có quả bóng màu đỏ nào.

Khi được hỏi về sự mâu thuẫn trong logic và câu trả lời, ChatGPT tỏ ra rất bối rối, sau đó đã xin lỗi nhưng vẫn tiếp tục mâu thuẫn với những tuyên bố trước đây của mình.

(2) Thí nghiệm thứ hai: chơi cờ

Trong thí nghiệm này, nhóm tác giả đã sử dụng công cụ tích hợp ChatGPT được xây dựng bằng Python (Python Software Foundation) và React (Meta Platforms Inc). Thay vì tập trung vào trận đấu, ChatGPT có vẻ “thích” nói chuyện hơn. Đáng chú ý nhất là khi được nhắc về những nước đi không hợp lệ, ChatGPT lại khen ngợi con người thay vì báo cáo những nước đi đó là phi logic. Sau đó nó cũng tiến hành thực hiện các động thái không hợp lệ.

Ý nghĩa của kết quả thí nghiệm

Trong các thí nghiệm của nhóm nghiên cứu, ChatGPT đã thất bại trong các bài kiểm tra logic, nhưng nó đã làm rất tốt vai trò của một chatbot. Tóm lại, những kết quả này chỉ ra 3 điểm chính về ChatGPT ở trạng thái ban đầu: (1) nó thiếu khả năng logic tốt; (2) nó có khả năng trò chuyện tốt (có thể tạo ấn tượng tốt, đặc biệt với những người không nói tiếng Anh bản xứ); và (3) các hướng phát triển tiếp theo đều có mục đích rõ ràng.

ChatGPT được phát triển như một AI có mục đích chung. Trong tương lai, NLP AI rất có thể sẽ không chỉ đơn giản là chatbot mà được tích hợp vào nhiều chương trình khác để tạo ra các ứng dụng có mục đích cụ thể. Trên con đường hướng tới tính thực tiễn, các ứng dụng AI sẽ ngày càng xuất hiện giống như các công cụ. Sẽ có nhiều tình huống không thể hoặc không cần thiết phải phân biệt giữa AI và công cụ tích hợp nó. Khi thời điểm đó đến, làm sao người ta có thể mong đợi loại bỏ việc sử dụng AI khỏi hệ thống xuất bản học thuật? Hãy xem xét kịch bản này: trong một tương lai (không xa lắm), các tạp chí uy tín nhất sẽ chỉ chấp nhận các bài viết trên “thẻ tre” để bảo vệ “tính xác thực” của con người.

Khả năng giải quyết vấn đề của GPT-4 được cải thiện nhiều

Chatbot AI GPT-4 được cập nhật vào tháng 3/2023 và nhóm tác giả đã thực hiện thí nghiệm tương tự. Câu trả lời nhận được đã hợp lý và logic hơn. Đáp án cuối cùng là 29 quả bóng được 10 quả bóng màu đỏ.

Giới học thuật cần thích ứng với một hệ thống tích hợp AI nhiều hơn, nhưng chúng ta nên cẩn thận với các hình thức bất bình đẳng mới dựa trên tài nguyên. Hỗ trợ AI không phải là xu hướng nhất thời mà là xu hướng tiến bộ công nghệ, cần được xem xét ứng dụng một cách cởi mở thận trọng. Xem xét lợi ích của việc hỗ trợ AI đối với các nhà nghiên cứu, biên tập viên và nhà xuất bản nên thu được nhiều lợi ích hơn và tận dụng các kỹ năng quản lý kiến ​​thức dựa trên AI. Cần chủ động chuẩn bị và khám phá AI bằng cách sử dụng khung xử lý thông tin tương thích. Mặc dù ChatGPT hiện thiếu khả năng logic tốt, nhưng NLP AI gần đây hơn, GPT-4 đã cho thấy khả năng giải quyết vấn đề được cải thiện hơn nhiều. Trong tương lai, nó sẽ được tích hợp vào các ứng dụng với mục đích cụ thể, xóa mờ ranh giới giữa AI và các công cụ.

Vân An lược dịch

Nguồn

Vuong, Q., La, V., Nguyen, M., Jin, R., & Le, T. (2023). Are we at the start of the artificial intelligence era in academic publishing? Science Editing, 10(2), 158–164. https://doi.org/10.6087/kcse.310

 

Bạn đang đọc bài viết Có phải chúng ta đang bắt đầu kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực xuất bản học thuật? tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn