Các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết giữa các trường đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học: Nghiên cứu trường hợp ở Việt Nam

Tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương pháp quản trị đại học tiên tiến nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo. Nghiên cứu “Factors affecting the linkage between public universities, in the context of university autonomy: Case study in Vietnam” do Quang Bach Tran và cộng sự thực hiện nhằm mục đích xem xét mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến liên kết giữa các trường đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học ở Việt Nam.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương đổi mới giáo dục, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, một trong số đó là tự chủ đại học, liên kết giữa các trường đại học. Tuy nhiên, thực tế là các trường đại học công lập ở Việt Nam dường như vẫn hoạt động theo lối riêng, chưa liên kết chặt chẽ. Vì vậy, các trường đại học vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, dẫn đến khả năng cạnh tranh của các trường đại học công lập Việt Nam so với các trường đại học trong khu vực và thế giới còn hạn chế. Vì vậy, làm sâu sắc hơn mối liên kết giữa các trường đại học công lập để thu hút người học, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao khả năng phục vụ cộng đồng là vấn đề “sống còn” của các trường đại học công lập ở Việt Nam.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, thông qua phân tích mô hình nhân, với quy mô 528 mẫu là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tại các trường đại học công lập sau đó được chia theo các lĩnh vực khác nhau. Kết quả cho thấy có 5 yếu tố tác động thuận lợi đến mối liên kết giữa các trường đại học công lập trong bối cảnh tự chủ với trật tự ảnh hưởng được xác định là: (1) Chia sẻ thông tin; (2) Sự đồng thuận về mục tiêu; (3) Nguồn tài chính; (4) Giá trị thương hiệu trường đại học; (5) Sự cam kết. Từ đó, các tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm tăng cường mối liên kết giữa các trường đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học ở Việt Nam.

Thứ nhất, với việc chia sẻ thông tin cần tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các trường đại học, các trường đại học cần xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư hạ tầng thông tin để nâng cao chất lượng hoạt động và quảng bá sản phẩm nghiên cứu. Tổ chức các buổi đối thoại thường xuyên giữa Nhà trường cũng như các đối tác khác nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng làm cơ sở thiết lập các mối liên kết.

Thứ hai, với các mục tiêu đồng thuận, các trường đại học cần xây dựng kế hoạch và thiết lập hệ thống các mục tiêu đồng thuận để khuyến khích sự hợp tác giữa các trường đại học. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, tổ chức, tham gia hội chợ công nghệ, phát triển các hình thức hợp đồng trao đổi công nghệ, chuyển giao công nghệ và dịch vụ công nghệ phù hợp với bối cảnh quốc tế hóa.

Thứ ba, với nguồn lực tài chính, các trường đại học cần nghiên cứu xây dựng phương pháp phân bổ kinh phí cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới chính sách học phí theo nguyên tắc chia sẻ chi phí với xã hội, trong đó các trường đại học công lập có tư cách là nhà cung cấp dịch vụ.

Thứ tư, với giá trị thương hiệu của trường đại học, cần xây dựng hình ảnh thương hiệu có giá trị cạnh tranh bền vững, tạo được bản sắc thương hiệu riêng của từng trường đại học nhưng cũng có sự hội nhập chung với nền giáo dục toàn cầu.

Thứ năm, về cam kết, bên cạnh việc triển khai các giải pháp về đào tạo, giáo dục, các trường đại học cần thực hiện và đảm bảo các cam kết với các bên liên quan, đối tác và xã hội về hiệu quả của các hoạt động đã triển khai. Tạo niềm tin, sự ủng hộ từ người học và đối tác, từ đó tạo cơ sở tăng cường liên kết giữa các trường đại học công lập.

Huyền Đức lược dịch

 

Nguồn: Tran, Q., Nguyen, T., Nguyen, H., Tran, T., & Nguyen, D. (2023). Factors affecting the linkage between public universities, in the context of university autonomy: Case study in Vietnam. International Journal of Data and Network Science7(1), 439-448.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19