Ở Thụy Điển, một số giáo viên đã nhận thấy lợi ích của việc sử dụng phương pháp học tương tác và lớp học đảo ngược như một cách thiết kế dạy học hoặc một phần trong quá trình giảng dạy của họ. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra các mức độ tiến bộ tích cực khác nhau trong học tập của học sinh khi sử dụng phương pháp lớp học đảo ngược.
Các cách thiết kế khóa học lớp học đảo ngược đã được phát triển và khám phá trong nhiều lĩnh vực và môn học khác nhau trong ba thập kỷ qua, nhưng chủ yếu là ở bậc giáo dục đại học. Câu hỏi đặt ra là liệu lớp học đảo ngược có thể được triển khai thành công cho mọi lứa tuổi và mọi cấp học hay không. Cho đến nay, việc thực hiện cách tiếp cận này ở các cấp học thấp hơn hiện vẫn còn ít được nghiên cứu. Các tác giả nhận thấy cần nhanh chóng bổ sung những nghiên cứu như vậy bởi có một số lo ngại rõ ràng. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của phương pháp lớp học đảo ngược là tinh thần trách nhiệm học tập của học sinh.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả sẽ khám phá sự thành công của lớp học đảo ngược từ sự tham gia và cam kết của học sinh. Trong khi biến số về sự tham gia có thể được liên kết với các mục tiêu định lượng khác, chẳng hạn như đáp ứng kết quả học tập, nghiên cứu này tập trung vào yếu tố sự tương tác trong lớp học như một thước đo về sự tham gia của học sinh, phản ánh quan điểm của học sinh về lớp học đảo ngược. Cam kết học tập có thể được định nghĩa là sự sẵn sàng hoặc chuẩn bị của học sinh với việc đáp ứng các mục tiêu học tập do giáo viên đưa ra. Các vấn đề có thể xảy ra và cản trở cả sự tham gia và cam kết có thể bao gồm các biến số nhân khẩu học hộ gia đình, kinh tế xã hội, hành vi xã hội hoặc sự thiếu tương tác gắn bó của giáo viên. Trong nghiên cứu định tính này, sự cam kết của sinh viên chủ yếu được đánh giá bằng cách quan sát lớp học và bằng cách lắng nghe phản ứng của họ đối với phương pháp sư phạm mới.
Nghiên cứu được thực hiện tại một trường trung học phổ thông ở Thụy Điển. Có tổng cộng 8 học sinh tham gia, tất cả đều là các học sinh theo học chương trình khoa học quốc gia. Các học sinh đã được quan sát trong hơn sáu tuần và các cuộc phỏng vấn nhóm tập trung đã được thực hiện sau đó. Tất cả các học sinh đều tự nguyện tham gia trong các cuộc phỏng vấn nhóm tập trung này. Phương pháp thu thập dữ liệu về ấn tượng và quan điểm của học sinh về lớp học đảo ngược bao gồm hai phần. Việc đầu tiên đòi hỏi phải triển khai các cuộc tiếp xúc thân mật và cởi mở với học sinh. Phần này của nghiên cứu sẽ đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải tham gia và quan sát trong lớp và trong giờ giải lao, nhằm có được một bức tranh tổng thể về công việc hàng ngày của học sinh ở trường. Trong quá trình tham gia và quan sát trong lớp, nhà nghiên cứu thực hiện các cuộc phỏng vấn không chính thức để thu thập tài liệu và câu hỏi cho các cuộc phỏng vấn nhóm tập trung. Những cuộc phỏng vấn này được tổ chức trong suốt sáu tuần và rất hữu ích trong việc thiết lập mối quan hệ làm việc giữa nhà nghiên cứu và sinh viên. Các cuộc phỏng vấn nhóm tập trung - phương pháp thứ hai để thu thập dữ liệu - được thực hiện có cấu trúc và khép kín. Chúng được tổ chức sau giờ học nên những học sinh tham gia phải hi sinh thời gian rảnh để thực hiện. Trong các cuộc phỏng vấn, các vấn đề về thiết kế lớp học đảo ngược, vốn đã được các học sinh đề cập trước đó trong các cuộc phỏng vấn không chính thức, đã được thảo luận chi tiết hơn. Phương pháp phỏng vấn nhóm tập trung cho phép nhiều quan điểm và câu hỏi được đề cập hơn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong khi hầu hết học sinh đều cho rằng phương pháp lớp học đảo ngược có đem lại những lợi ích nhất định trên khía cạnh giúp học sinh quản lý hiệu quả khối lượng công việc học tập và thực hiện các nhiệm vụ khó hơn trong lớp, thì Lukas, một học sinh được chẩn đoán mắc cả chứng khó đọc và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), gặp khó khăn trong việc đột ngột thay đổi cách học của mình. Nhìn chung, học sinh nhận thấy việc được xem các đoạn phim trước khi vào bài học có đem lại tác dụng tích cực và thừa nhận rằng theo thời gian, họ sẽ làm quen với cách làm việc mới. Tuy nhiên, trong khi Lukas đánh giá cao rằng những bộ phim ngắn có thể giúp ích cho em trong việc học, thì việc thay đổi những thói quen vốn đã quen thuộc của mình đã tạo ra những khó khăn và tạo ra sự xâm phạm không mong muốn vào thời gian rảnh rỗi của học sinh này. Bên cạnh đó, hầu hết học sinh chấp nhận rằng với phương pháp mới, họ cần phải chịu trách nhiệm cho việc học của mình. Đối với một số học sinh khác, như Lukas, việc chuyển sang lớp học đảo ngược đã tạo ra sự lo âu đáng kể và buộc các em phải miễn cưỡng chấp nhận bất kỳ trách nhiệm mới nào.
Một số vấn đề nảy sinh trong quá trình chuyển đổi thành công sang lớp học đảo ngược cũng được nhóm nghiên cứu tìm ra thông qua các cuộc phỏng vấn. Thứ nhất, sự tiếp xúc trực tiếp giữa giáo viên hoặc các nhân vật thực tế và học sinh khó có thể thay thế hoàn toàn bằng các video clip. Thứ hai, việc vô tình quên hoặc chểnh mảng trong việc chuẩn bị bài học không chỉ khiến học sinh khó tham gia vào lớp học hơn mà còn có thể khiến các thành viên khác trong lớp khó chịu. Thứ ba, có thể khó thúc đẩy những học sinh đạt thành tích cao phải chuẩn bị quá nhiều trước mỗi tiết học. Thứ tư, học sinh cảm thấy căng thẳng khi các em không hiểu nhiệm vụ hoặc đoạn phim mà các em phải xem/sử dụng khi chuẩn bị cho bài học.
Do đó, kết quả nghiên cứu kết luận rằng việc sử dụng lớp học đảo ngược chỉ có thể được áp dụng như một công cụ cho các nhiệm vụ cụ thể. Nó có thể được áp dụng cho một số phần của môn học, và với điều kiện giáo viên quan tâm để đảm bảo rằng tất cả học sinh đều đạt được mục tiêu của mình. Việc sử dụng lớp học đảo ngược như một phương pháp sư phạm cho toàn bộ các môn học ở trường trung học phổ thông chưa nên được khuyến khích tại thời điểm này.
Vân An tổng hợp
Nguồn:
Ölmefors, O., & Scheffel, J. (2021). High school student perspectives on flipped classroom learning. Pedagogy, Culture and Society, 1–18. https://doi.org/10.1080/14681366.2021.1948444
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.