Các diễn giả và người điều phối buổi tọa đàm đều là những cựu sinh Australia, đang sống và làm việc tại Việt Nam hoặc Australia. Cụ thể, các diễn giả bao gồm:
- TS. Trần Lê Hữu Nghĩa, Cựu sinh Đại học Melbourne, Nghiên cứu viên, Trường Kinh doanh và Kinh tế, Đại học Quốc gia Australia, Australia.
- TS. Đặng Xuân Cương, Cựu sinh Đại học Flinders, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Việt Nam.
- PGS. TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Cựu sinh Đại học RMIT và Đại học Queensland, Giảng viên, Trường Giáo dục, Khoa Nghệ thuật, Thiết kế và Kiến trúc, Đại học New South Wales, Australia.
Buổi tọa đàm được điều phối bởi TS. Nguyễn Hữu Cương, Cựu sinh Đại học Melbourne và Đại học New South Wales, hiện là Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Văn Lang, Việt Nam.
Các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm đã thu hút hơn 130 người tham dự là các nhà quản lý, nhà nghiên cứu giáo dục, giảng viên, giáo viên, doanh nghiệp, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Nhật Bản… . Tại buổi trò chuyện trực tuyến này, các diễn giả với tư cách là những nhà nghiên cứu giáo dục thành công đã chia sẻ kinh nghiệm con đường trở thành nhà nghiên cứu của mình ở Việt Nam và Australia. Các diễn giả đã trao đổi về các phương pháp, kỹ thuật và chủ đề nghiên cứu trong giáo dục, cách triển khai nghiên cứu theo phương pháp trần thuật, cách thiết kế và thực hiện nghiên cứu định lượng, cách công bố kết quả nghiên cứu hiệu quả, và nghiên cứu đo lường và đánh giá trong giáo dục. Ngoài ra, các diễn giả cũng chia sẻ về những thử thách và cơ hội khi theo đuổi con đường sự nghiệp trong nghiên cứu giáo dục.
TS. Trần Lê Hữu Nghĩa chia sẻ tại buổi tọa đàm
Cuối buổi tọa đàm, các diễn giả đã dành thời gian trả lời những câu hỏi của những người tham dự. Phần hỏi – đáp trọng tâm vào cách phát triển chủ đề nghiên cứu từ ý tưởng, việc lựa chọn giáo viên hướng dẫn, tìm kiếm học bổng, kinh phí cho nghiên cứu; những điểm cần lưu ý khi thực hiện nghiên cứu định tính, định lượng; việc xác định độ tin cậy và độ giá trị của thang đo; và làm thế nào để tạo động lực và giữ được niềm đam mê trong nghiên cứu.
TS. Đặng Xuân Cương chia sẻ tại buổi tọa đàm
Kết thúc buổi tọa đàm, cả diễn giả và những người tham dự đều mong muốn có thêm thời gian hoặc những chương trình tương tự để trao đổi nhiều hơn và sâu hơn về từng phương pháp nghiên cứu, cách viết đề cương nghiên cứu hiệu quả để xin học bổng, những khó khăn trong quá trình học tập ở nước ngoài, những ngả đường hậu tiến sĩ…
PGS. TS. Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ tại buổi tọa đàm
Được biết, trong các hoạt động kết nối cựu sinh Australia tại Việt Nam, có tổng cộng 6 nhóm chuyên môn được chương trình Aus4Skills hỗ trợ thành lập, gồm: Giáo dục và Nghiên cứu, Luật và Pháp luật, Giới, Hòa nhập Người khuyết tật, Kinh tế và Kinh doanh, và Nông nghiệp. Mỗi nhóm chuyên môn hiện đang có 3 cộng tác viên chủ trì phụ trách tổ chức một số các hoạt động, sự kiện kết nối cựu sinh trong nhóm chuyên môn của mình. Nhóm chuyên môn Giáo dục và Nghiên cứu gồm: TS. Nguyễn Hữu Cương, Trường phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Văn Lang (Cựu sinh Đại học Melbourne và Đại học New South Wales), TS. Vũ Thị Thanh Nhã, Trưởng khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (Cựu sinh Đại học Đại học New South Wales), ThS. Nguyễn Thị Lan Anh, Giảng viên Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng.
Tạp chí Giáo dục