Giúp học sinh hiểu toàn diện và đúng đắn về công nghệ là một trong những mục đích quan trọng của giáo dục công nghệ. Các nghiên cứu trước đây cho thấy nhận thức của học sinh về khoa học, công nghệ và cách nhìn của các em về các nhà khoa học thường bắt đầu hình thành ở giai đoạn tiểu học và tồn tại trong nhiều năm tiếp theo (Buldu, 2006; Newton, L. D., & Newton, D. P., 1998). Vì vậy, việc tìm hiểu và xác định mức độ hiểu biết của học sinh tiểu học về công nghệ là không thể thiếu. Nó có thể giúp các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục phân tích tốt hơn các yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành các quan niệm liên quan tới công nghệ, từ đó có những hành động nhằm giảm thiểu những sai lệch ngay từ giai đoạn đầu.
Do đó, nghiên cứu của nhóm hai tác giả Xun Su và Bangping Ding tiến hành tìm hiểu quan niệm của học sinh tiểu học Trung Quốc (9-12 tuổi) về công nghệ liên quan đến sự hiểu biết của họ về (a) khái niệm công nghệ, (b) tác động của công nghệ đối với cuộc sống con người và tự nhiên, (c) mối quan hệ giữa công nghệ và khoa học. Hiện tượng học [1] là phương pháp luận được sử dụng chính trong nghiên cứu này. Bằng các hoạt động khơi gợi hình ảnh và các cuộc phỏng vấn cá nhân, nghiên cứu đã thăm dò quan niệm của 63 học sinh tiểu học từ các trường nông thôn và thành thị về công nghệ.
Cấu trúc nghiên cứu xoay quanh hai nội dung hai chủ đề chính. Một là quan tâm đến những phát hiện chung về khái niệm “công nghệ” của học sinh tiểu học và hai là phân tích các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quan niệm của học sinh tiểu học về công nghệ. Đối với những phát hiện chung, học sinh một mặt có thể định nghĩa công nghệ từ nhiều góc độ khác nhau, mặt khác, các em thiếu khái niệm toàn diện, hợp lý về công nghệ và nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa công nghệ và khoa học. Và các yếu tố ảnh hưởng có thể được thảo luận bao gồm: các đặc điểm của công nghệ, nền tảng văn hóa và lịch sử của Trung Quốc, những trải nghiệm trong cuộc sống,...
Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng học sinh tiểu học ở Trung Quốc có thể định nghĩa khái niệm “công nghệ” từ các khía cạnh thuộc tính, sản xuất, vận hành và sử dụng cũng như chức năng của nó. Sự hiểu biết của học sinh về khái niệm “công nghệ” là sự kết hợp của nhiều quan niệm khác nhau, điều này cho thấy các em có thể định nghĩa “công nghệ” từ các quan điểm đa dạng. Bên cạnh đó, so với các nghiên cứu khác cùng chủ đề, nhiều học sinh trong nghiên cứu này đều nhận thức được tác động của công nghệ đối với xã hội và coi nó như “con dao hai lưỡi”.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng học sinh thiếu một khái niệm toàn diện và hợp lý về “công nghệ” và không thể hiểu đúng mối quan hệ giữa công nghệ và khoa học. Cụ thể, các em có xu hướng định nghĩa công nghệ (a) từ nhận thức cảm tính của họ, (b) từ đặc tính hiện đại của nó, (c) như các đối tượng, (d) như công nghệ vĩ mô và công nghệ vi mô hơn là công nghệ dựa trên kinh nghiệm và (e) như khoa học hoặc ứng dụng của khoa học. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy sự khác biệt trong quan niệm của học sinh về công nghệ ở Trung Quốc. Cụ thể, một số học sinh coi công nghệ là “thứ gì đó trông thú vị”, công nghệ “khó sản xuất và bảo trì”, công nghệ “được phát minh từ thời cổ đại”, công nghệ là “một loại kỹ năng hoặc kỹ thuật nào đó đòi hỏi phải học để nắm vững, các hoạt động và sử dụng công nghệ sẽ không gây hại cho môi trường tự nhiên và sức khỏe con người, đồng thời công nghệ có thể truyền cảm hứng cho việc phát minh khoa học”.
Những phát hiện này có thể giúp các nhà hoạch định chính sách, giáo viên và nhà nghiên cứu về giáo dục công nghệ hiểu rõ hơn về quan niệm của học sinh về công nghệ và mang lại sự “khai sáng” cũng như nền tảng cho chương trình giảng dạy và hướng dẫn công nghệ, khoa học tốt hơn trong tương lai cho Trung Quốc và các quốc gia khác.
Huyền Đức lược dịch
[1] Hiện tượng học là nhánh triết học nghiên cứu cấu trúc của sự trải nghiệm và ý thức (structures of experience and consciousness), được sáng lập vào những năm đầu của thế kỷ 20 bởi Edmund Husserl. Người được coi phát kiến đầu tiên lịch sử hiện tượng học là I. Kant. Với F. Hegel, hiện tượng học là “khoa học về kinh nghiệm mà ý thức trải qua”.
Nguồn:
Su, X., & Ding, B. (2023). A phenomenographic study of Chinese primary school students’ conceptions about technology. International Journal of Technology and Design Education, 33(2), 623-661. https://doi.org/10.1007/s10798-022-09742-5
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.