Khảo sát nhận thức của sinh viên về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập tại các trường đại học Úc và Hong Kong

Chỉ trong một vài tháng vừa qua, nền giáo dục đại học ở nhiều quốc gia đã chuyển từ trạng thái lo sợ về khả năng gian lận nhờ các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, sang quan điểm chấp nhận việc áp dụng chúng một cách thận trọng, bằng cách cho phép sinh viên sử dụng trong một số trường hợp nhất định.

Để hiểu được trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần thay đổi nền giáo dục và xã hội như thế nào, các nhà nghiên cứu chủ yếu tìm hiểu ý kiến của các nhà giáo dục, các nhà quản lý và một số chuyên gia khác. Tuy nhiên, sinh viên, nhóm đối tượng mà việc học tập, sự nghiệp, các mối quan hệ và tương lai của họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi trí tuệ nhân tạo, chưa được khai thác nhiều.

Nhằm mục tiêu tìm hiểu thực trạng này, nhóm nghiên cứu gồm Danny Liu, Adam Bridgeman và Cecilia Ka Yuk Chan đã khảo sát suy nghĩ của sinh viên về việc trí tuệ nhân tạo nên được ứng dụng như thế nào trong công việc học tập của họ thông qua các bảng hỏi và thảo luận nhóm tập trung. Trong đó, khảo sát được tiến hành trên hơn 450 sinh viên ở Hong Kong và các cuộc thảo luận nhóm tập trung được tiến hành trên 13 sinh viên Úc.

Trí tuệ nhân tạo giúp khai thác thông tin dễ dàng hơn

Sinh viên nhận thức rằng ChatGPT đóng vai trò hữu ích đối với việc tóm tắt, tư duy, giải thích và gợi ý ý tưởng. Sinh viên cho biết ChatGPT giúp họ hiểu các vấn đề khó một cách dễ dàng qua hình thức của một cuộc hội thoại.

Một sinh viên cho biết: “Tôi chủ yếu có trải nghiệm tích cực. [ChatGPT] làm tốt việc giải thích các khái niệm mới và bạn có thể yêu cầu nó giải thích vấn đề rõ ràng hơn.

Một số sinh viên khác cho biết phần mềm giúp họ học tập trên lớp tốt hơn:

[ChatGPT giúp tôi] hiểu các định nghĩa mới nhanh chóng, giải thích các khái niệm mới và hỗ trợ các cuộc thảo luận khi lớp quá yên tĩnh hoặc mọi người không hiểu vấn đề.

Một sinh viên khác bổ sung, “Tôi cho rằng sinh viên cần hiểu rõ rằng trí tuệ nhân tạo không phải lúc nào cũng đúng”.

Trong khảo sát với hơn 450 sinh viên tại các trường đại học ở Hong Kong, 80% cho biết họ hiểu rõ những hạn chế và nguy cơ thông tin không chính xác.

Trí tuệ nhân tạo là chìa khoá với sự nghiệp tương lai của sinh viên

Sinh viên cũng trao đổi vè việc trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm bớt gánh nặng từ những công việc không quan trọng, để họ có thể tập trung suy nghĩ những vấn đề quan trọng hơn.

Một sinh viên cho biết, đối với việc học, “ChatGPT giống như một phiên bản nâng cấp của Google. Chẳng hạn như khi bạn gặp một khái niệm mới, bạn có thể hỏi ChatGPT một số câu hỏi và coi công cụ này như một Wikipedia có khả năng tương tác.

Sinh viên cũng cho biết họ muốn giảng viên hướng dẫn “làm thế nào để sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả nhất và biến trí tuệ nhân tạo trở thành một phần quen thuộc của việc học, tương tự như PowerPoint và Excel vậy.

Điều này bao gồm việc hướng dẫn sinh viên về các nguy cơ, sự thiên lệch và các hạn chế để sinh viên hiểu rõ về công nghệ họ đang sử dụng.

Sinh viên đồng ý rằng một bản hướng dẫn về “chuyện gì sẽ xảy ra nếu sử dụng trí tuệ nhân tạo” cần được nghiên cứu. Như một sinh viên tham gia thảo luận đã nói: “Xin đừng nghĩ đến kịch bản xấu nhất về chúng tôi. Thay vào đó, hãy hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng công nghệ này một cách đúng đắn và học được từ nó.

Lo ngại về sự công bằng và vấn đề đạo đức

Sinh viên bày tỏ sự lo ngại về những bất lợi một số người có thể gặp phải nếu không thể sử dụng ChatGPT.

Tất cả sinh viên đều nên có quyền tiếp cận bình đẳng đối với các công cụ và nguồn tài nguyên. Việc có người có thu nhập thấp hơn so với những người khác không nên là nguyên nhân khiến một số sinh viên có thể làm các bài kiểm tra một cách hiệu quả hơn so với những người còn lại.

Một số sinh viên khác lưu ý rằng trí tuệ nhân tạo không hoàn toàn miễn phí, bởi thường sẽ có một khoản phí để sử dụng các tính năng cao cấp hơn. Các trường cũng đang triển khai các cách tiếp cận khác nhau trên quy mô toàn cầu và ở từng khu vực. Một số trường cấm, trong khi một số lại cho phép việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Điều này có thể mở rộng sự bất bình đẳng hiện có.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Liu, D., Bridgeman, A. & Chan, C.K.Y. (2023). “Please do not assume the worst of us”: students know AI is here to stay and want unis to teach them how to use it. The Conversation. https://theconversation.com/please-do-not-assume-the-worst-of-us-students-know-ai-is-here-to-stay-and-want-unis-to-teach-them-how-to-use-it-203426

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.