Lí luận và thực tiễn giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư

Ngày 26/4/2023, tại Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Tạp chí Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: Lý luận và thực tiễn Giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tới dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Trung tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị; Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Chính trị; Thiếu tướng, PGS. TS. Lương Thanh Hân, Phó Giám đốc Học viện Chính trị; Thiếu tướng, TS. Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Bộ Giáo dục và Đào tạo); PGS. TS. Nguyễn Tiến Trung, Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

             

Đoàn Chủ tịch Hội thảo

Giáo dục quốc phòng, an ninh là bộ phận của giáo dục quốc dân, có vai trò rất quan trọng trong việc khơi dậy và nêu cao tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, nhất là thế hệ trẻ; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; bảo vệ Tổ quốc, chủ động đấu tranh chống lại mọi âm mưu chia rẽ, phản động của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; củng cố vững chắc an ninh chính trị, trật tự xã hội, gắn kết tinh thần dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Hiện nay, giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học chính khóa, môn học duy nhất được luật định trong các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường chính trị, hành chính và đoàn thể. Do đó, giáo dục quốc phòng, an ninh còn hướng tới mục tiêu giúp cho nhân dân có khả năng làm chủ, biết sử dụng tri thức, sức khỏe và năng lực của mình để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh của đất nước, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo chỉ rõ: Giáo dục quốc phòng, an ninh là tổng thể những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, trang bị kiến thức và rèn luyện khả năng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, góp phần trực tiếp tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng, an ninh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, đòi hỏi tất yếu phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn dân về đường lối cách mạng và những hiểu biết cần thiết về quốc phòng, an ninh.

Trung tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phát biểu tại Hội thảo

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 68 bài tham luận gửi tới, Tạp chí Giáo dục đã bình duyệt và xuất bản Số đặc biệt gồm có 43 bài báo của 61 tác giả và đồng tác giả, đến từ các đồng chí lãnh đạo, các tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu đã và đang công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị trên cả nước. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng như:

- Tập trung làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Làm rõ vai trò của công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

- Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến đổi mới công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; quan điểm của Đảng về công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và ý nghĩa của công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên hiện nay…

- Đề xuất các giải pháp nhằm bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy cho đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh ở nhà trường quân đội đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.

- Đề xuất các giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên hiện nay; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong tình hình mới; quản lí hoạt động học tập của sinh viên ở các Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ đối tượng 2 và một số đối tượng đào tạo ở Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Trung tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị khẳng định: Các bài viết và các tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo đã tập trung làm rõ chủ đề của hội thảo; khẳng định vai trò của công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; khẳng định, bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động đến các yếu tố của giáo dục quốc phòng, an ninh là tất yếu khách quan; đề xuất các nhóm giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

                                                                                          Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Lí luận và thực tiễn giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại chuyên mục Hội thảo khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19