Tự chủ đại học được hiểu là quyền tự quyết của các cơ sở GDĐH để thực hiện các hoạt động của nó mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Tự chủ đại học thường được xem xét dưới bốn khía cạnh: học thuật, nhân sự, tổ chức và tài chính (Jarernsiripornkul & Pandey, 2018). Trong bối cảnh các trường đại học vẫn nhận tài trợ từ Chính Phủ và được xem là một đơn vị cung cấp dịch vụ công, tự chủ đại học cần được điều chỉnh ở các phương diện và mức độ nhất định dưới sự can thiệp của nhà nước (Anderson & Johnson, 1998).
Trong khi đó, trách nhiệm giải trình được định nghĩa là “nghĩa vụ bắt buộc báo cáo với người khác, giải thích, chứng minh và trả lời câu hỏi về việc nguồn lực đã được sử dụng như thế nào, và tạo ra hệ quả gì” (Trow, 1996, p. 310). Theo đó, dưới góc độ chi phí – lợi ích, trách nhiệm giải trình có thể được xem xét trên 5 khía cạnh: học thuật, tài chính, hiệu quả sử dụng nguồn lực, chất lượng và sự phù hợp, cũng như mức độ bình đẳng (Salmi, 2009). Theo quan điểm truyền thống, các trường đại học phải có trách nhiệm giải trình với Chính phủ - nhà tài trợ chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập. Tuy nhiên, trong quan điểm hiện đại, các trường đại học không chỉ có trách nhiệm giải trình với Chính phủ mà còn đối với những bên liên quan khác như đối tác, phụ huynh, sinh viên và xã hội nói chung.
Vai trò của tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong phát triển các cơ sỏ giáo dục đại học công lập
Tăng cường tự chủ cho cơ sở GDĐH nói chung và cơ sở GDĐH công lập nói riêng cũng là chủ trương lớn của Nhà nước, được khởi động từ cách đây hơn 15 năm. Cùng với việc ban hành Luật GDĐH 2012 và Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung 2018, quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH công lập Việt Nam đã được mở rộng đáng kể. Khi nói về tự chủ cơ sở GDĐH công lập, chúng ta cần phân biệt tự chủ trong 4 lĩnh vực, bao gồm: (i) học thuật; (ii) tổ chức; (iii) nhân sự; và (iv) tài chính. Trong đó, tự chủ trong lĩnh vực tài chính có mối quan hệ mật thiết với vấn đề tăng cường nguồn lực cho cơ sở GDĐH công lập. Ví dụ, việc cho phép các cơ sở GDĐH được phép thu học phí không có mức trần sẽ giúp tăng cường nguồn thu của cơ sở GDĐH. Việc cho phép các trường tự chủ trong việc chi tiêu các khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước sẽ cho phép các cơ sở GDĐH tối ưu hóa nguồn lực, qua đó nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Hoặc việc cho phép các cơ sở GDĐH sử dụng tài sản hiện có để thế chấp vay vốn thương mại sẽ giúp các cơ sở GDĐH có thể có thêm nguồn lực đầu tư cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các trường ĐH đã có tác động tích cực đến nguồn lực tài chính của các trường và việc sử dụng nguồn lực tài chính gắn với chất lượng và hiệu quả hoạt động. Những tác động này thể hiện trên 02 khía cạnh của tăng cường nguồn lực tài chính: tác động tích cực đến nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở GDĐH và tác động tích cực đến việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực tài chính của cơ sở GDĐH: Tự chủ tài chính thúc đẩy các trường tích cực hơn trong công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính. Đối với các cơ sở GDĐH là đơn vị tự chủ tài chính, thiếu nguồn lực hỗ trợ của nhà nước buộc các đơn vị phải có các chính sách quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả và tiết kiệm hơn. Ngoài ra, các cơ sở GDĐH tự chủ tài chính còn có cơ chế mở rộng và tăng nguồn thu từ các hoạt động khác bao gồm học phí ,NCKH và sự đóng góp của xã hội. Điều này giúp các đơn vị có thể đầu tư phát triển nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH một cách hiệu quả, thông qua đó giúp thu hút và đa dạng hóa nguồn thu. Ngoài ra việc thực hiện chính sách tự chủ còn tác động tích cực khác đến sự phát triển của trường. Việc thực hiện chính sách tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã giúp các trường chủ động quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công.
Bên cạnh tự chủ, nghĩa vụ giải trình của cơ sở GDĐH thông qua các biện pháp như: kiểm định chất lượng, minh bạch thông tin, kiểm toán …. có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả chi tiêu công và là tiền đề để áp dụng các phương thức cấp ngân sách đầu tư nhà nước dựa vào kết quả như: cấp ngân sách theo kết quả đầu ra hay cấp ngân sách theo hợp đồng chất lượng.
Trách nhiệm giải trình về cơ bản là một khái niệm khá mới trong thực tiễn GD ĐH ở Việt Nam. Phải đến khi Luật GD ĐH sửa đổi 2018 được thông qua, cụm từ trách nhiệm giải trình mới chính thức được đưa vào văn bản pháp quy ở Việt Nam. Trước đó, các cụm từ thường được sử dụng thường xuyên hơn như: “tự chịu trách nhiệm” hay “trách nhiệm xã hội”. Việc giảm bớt các cơ chế trách nhiệm giải trình không cần thiết, đồng thời nâng cao hiệu quả của các cơ chế được sử dụng có thể xem là điều kiện quan trọng nhất giúp nâng cao hiệu quả của trách nhiệm giải trình, đồng thời qua đó giúp tăng cường nguồn lực cho cơ sở GD ĐH công lập ở Việt Nam. Việc có quá nhiều trách nhiệm giải trình, qua đó tạo ra gánh nặng cho cơ sở GDĐH cũng đã được một số nhà nghiên cứu cảnh báo trong các nghiên cứu trước đây (Erkkilä & Piironen, 2014).
Một số giải pháp mở rộng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở GDĐH
Để có thể thúc đẩy hoạt động tự chủ và giải trình, cần có sự thay đổi về cơ chế tự chủ và giải trình cho các cơ sở GDĐH công lập để hoạt động này trở nên hiệu quả hơn. Những khuyến nghị sau đây nhằm đề xuất đổi mới các quy định pháp luật về tự chủ và giải trình cho các cơ sở GDĐH công lập, cụ thể:
Chính phủ cần xây dựng một cơ chế tự chủ hiệu quả và trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các đơn vị giáo dục đại học công lập.
Các đơn vị GDĐH công lập cần được trao quyền tự chủ nhiều hơn trên mọi khía cạnh bao gồm học thuật, tổ chức, cán bộ và tài chính. Ngoài ra, Chính Phủ cần đồng bộ hệ thống quy định của pháp luật giúp cơ chế tự chủ được thực hiện trong thực tế. Bên cạnh việc trao quyền tự chủ cho các đơn vị GDĐH công lập, Chính Phủ có thể xem xét giảm vai trò của đơn vị chủ quản và nâng cao ảnh hưởng của Hội đồng Trường của các cơ sở GDĐH công lập theo thông lệ quốc tế. Thêm vào đó, Chính Phủ cần xây dựng một chương trình đào tạo hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị trong bối cảnh năng lực lãnh đạo và quản lý của các cơ sở GDĐH công lập còn hạn chế.
Cơ chế giải trình cần được xây dựng cân bằng và trở thành công cụ quản lý và điều hướng hoạt động cho các cơ sở GDĐH công lập của Chính Phủ
Bên cạnh việc nâng cao quyền tự chủ cho các đơn vị GDĐH công lập, Chính Phủ cần xem xét chuyển đổi cơ chế trách nhiệm giải trình không chỉ với Chính Phủ mà còn với sinh viên, phụ huynh và xã hội. Điều này có ý nghĩa rằng, Chính Phủ cần giảm bớt các công cụ giải trình trách nhiệm hiện nay như báo cáo, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở GDĐH công lập và nâng cao ảnh hưởng của các công cụ giải trình như kiểm định chất lượng, minh bạch hóa thông tin hoạt động của các cơ sở GDĐH công lập với cộng đồng. Ngoài ra, áp dụng cơ chế cấp ngân sách theo hiệu quả có thể áp dụng như là một công cụ trao thưởng và điều hướng cho hoạt động giải trình của các cơ sở GDĐH công lập theo ưu tiên của Chính Phủ.
Phạm Hiệp, Phạm Oanh
Tài liệu tham khảo
Anderson, D., & Johnson, R. (1998). University Autonomy in Twenty Countries (p. 31).
Erkkilä, T., & Piironen, O. (2014). Shifting fundaments of European higher education governance: Competition, ranking, autonomy and accountability. Comparative Education, 50(2), 177–191.
Jarernsiripornkul, S., & Pandey, I. M. (2018). Governance of autonomous universities: Case of Thailand. Journal of Advances in Management Research, 15(3), 288–305. https://doi.org/10.1108/JAMR-12-2016-0103
Salmi, J. (2009). The growing accountability agenda in tertiary education: Progress or mixed blessing?
Trow, M. (1996). Trust, markets and accountability in higher education: A comparative perspective.
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.