Cùng dự có Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; lãnh đạo các Ban của Quốc hội, các Bộ, ngành và tỉnh Hưng Yên.
Kiên định mục tiêu đổi mới, linh hoạt phương pháp triển khai
Báo cáo Đoàn giám sát về tình hình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông tại tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng cho biết: Tỉnh Hưng Yên đã triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thực hiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác thông tin, tuyền truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức, phương tiện, mang lại hiệu quả, nhận được sự đồng thuận từ phụ huynh học sinh và xã hội về triển khai chương trình.
Quang cảnh buổi làm việc
Tỉnh đã tích cực chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiếm tra đánh giá. Tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã nhận thức đầy đủ quan điểm, chủ trương đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiên định mục tiêu đổi mới, linh hoạt ở phương pháp triển khai. Công tác tập huấn, bồi dưỡng được chú trọng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệm vụ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới.
Các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và tự chủ của nhà trường, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cơ sở vật chất được tăng cường, các nhà trường đảm bảo đầy đủ sách giáo khoa và cơ bản có đủ thiết bị dạy học. Đến nay, việc tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hưng Yên được thực hiện theo đúng kế hoạch; đã tổ chức biên soạn, in ấn tài liệu giáo dục địa phương các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng báo cáo tại buổi làm việc
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại tỉnh Hưng Yên cùng còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục bậc THCS công lập của tỉnh còn thiếu so với định mức giáo viên/lớp. Năm học 2022-2023 toàn tỉnh thiếu 882 giáo viên các cấp.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ. Việc biên soạn tài liệu địa phương còn gặp khó khăn trong in ấn, phát hành do công tác đấu thầu. Việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên thông qua hình thức trực tuyến ảnh hưởng đến chất lượng bồi dưỡng…
Để việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới thuận lợi và đạt hiệu quả, tỉnh Hưng Yên kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên, nhằm ưu tiên và hỗ trợ đảm bảo thu nhập cho giáo viên.
Kiến nghị Chính phủ giao chỉ tiêu biên chế giáo viên đảm bảo đáp ứng việc dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; xem xét, triển khai một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định 116 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền tạm thời chưa áp dụng tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập; Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy định về định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông…
“Coi việc đẩy mạnh xã hội hoá như một giải pháp đặc thù của Hưng Yên”
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trao đổi nhiều nội dung đề nghị tỉnh Hưng Yên đánh giá, làm rõ thêm như: Việc ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện; công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận, công tác tiếp nhận ý kiến của xã hội về triển khai đổi mới; những khó khăn, vướng mắc trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; công tác thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương; công tác tuyển dụng giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy các môn học mới, dạy học tích hợp; giải pháp khắc phục thiếu trường lớp, thiếu thiết bị dạy học; mức độ xã hội hoá giáo dục của địa phương… Đại diện UBND tỉnh, các Sở, ngành của tỉnh Hưng Yên đã báo cáo làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát đặt ra.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trao đổi tại buổi làm việc
Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bởi thông qua đây, Bộ GDĐT thu hoạch được rất nhiều để chuẩn bị cho các chính sách, chỉ đạo trong toàn ngành. Theo Bộ trưởng, qua cuộc giám sát để thấy được sâu hơn, thấu hơn công việc của ngành; ngành Giáo dục cũng qua đây được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn.
Từ báo cáo về tình hình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông của tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng nhìn nhận, báo cáo đã cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh với giáo dục và đào tạo. Với những gì đã làm được thời gian qua, theo Bộ trưởng Hưng Yên đang cố gắng nhưng vẫn còn khó khăn và sẽ phải tiếp tục phấn đấu.
Góp ý váo báo cáo của tỉnh Hưng Yên gửi Đoàn giám sát, Bộ trưởng đề nghị Sở GDĐT khi tham mưu báo cáo cần tăng cường đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh; làm rõ từng Sở, ngành, địa phương triển khai đến đâu, cùng với đó là hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.
Báo cáo cần nhắc đến Nghị quyết 29, bởi đổi mới giáo dục phổ thông là một phần của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29, qua đó khẳng định đổi mới là tất yếu, là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phải triển khai và đây không phải là việc của riêng ngành Giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại buổi làm việc
Tăng thêm yếu tố chuyên môn cho báo cáo cũng là lưu ý của Bộ trưởng GDĐT với tỉnh Hưng Yên. Bộ trưởng nhấn mạnh, cốt lõi nhất của đổi mới lần này là ở yếu tố chuyên môn - Đó mới là chất, linh hồn của đổi mới. Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá thêm về những thay đổi của hoạt động dạy và học khi chương trình mới trao quyền chủ động, sáng tạo nhiều hơn cho địa phương, nhà trường, giáo viên.
“Giáo viên có gì thay đổi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới? Tâm trạng giáo viên ra sao? Giáo viên đã được hỗ trợ chưa?” đặt những câu hỏi này với yêu cầu làm rõ trong báo cáo, Bộ trưởng đồng thời khẳng định: mức độ đổi mới của giáo viên sẽ thể hiện mức độ thành công của đổi mới.
Nhấn mạnh đổi mới có mục tiêu cần làm ngay nhưng cũng có những khoảng để địa phương dần thực hiện từng bước, Bộ trưởng mong muốn, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã quan tâm thì tiếp tục “lăn xả” chỉ đạo, ưu tiên đầu tư. “Công cuộc đổi mới này phải có đầu tư đặc biệt, nhất là năm 2023-2024, trọng tâm đổi mới rơi vào 2 năm này. Lúc này cần trường học, lớp học, thiết bị, cần giáo viên... Nếu không cố gắng con em Hưng Yên thiệt thòi”, Bộ trưởng nói.
Đề cập tới những giải pháp đặc thù của từng địa phương, Bộ trưởng gợi mở: Hưng Yên phải coi việc đẩy mạnh xã hội hoá như một giải pháp đặc thù. “Khu vực này đời sống người dân tương đối tốt, yêu cầu trường học chất lượng tốt là có thật. Đẩy mạnh xã hội hoá như giải pháp đặc thù của Hưng Yên. Câu chuyện căng thẳng giáo viên giảm đi, huy động được nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục”, Bộ trưởng phân tích, đồng thời nhấn mạnh, tỉnh Hưng Yên nên có chính sách riêng cho việc này.
“Sự nghiệp giáo dục là của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ của ngành Giáo dục”
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh hết sức quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết được triển khai rộng rãi. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa là rất rõ ràng và đã chuyển biến thành hành động thiết thực, đem lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn vấn đề tồn tại, hạn chế cần tiếp tục có giải pháp tháo gỡ.
Yêu cầu các sở ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đồng thời chia sẻ giải pháp của địa phương trước những khó khăn, vướng mắc; một trong số đó là triển khai xã hội hóa. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Xã hội hóa giáo dục là câu chuyện rất lớn đối với Hưng Yên và tới đây địa phương sẽ có giải pháp cụ thể, căn cơ để triển khai vấn đề này.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Các quốc gia đều quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ. Đầu tư cho giáo dục, khoa học công nghệ là đầu tư khôn ngoan cho sự phát triển. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo là của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, không phải của riêng ngành Giáo dục.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc
Với tỉnh Hưng Yên, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý: Địa phương có nhiều mô hình, cách làm tốt, cần tổng kết, nhân rộng. Những vấn đề hạn chế, tồn tại cần tiếp tục phân tích, tìm nguyên nhân để quan tâm đầu tư xử lý. Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính trong giáo dục và đào tạo. Tăng cường bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, nâng cao hơn nữa nhận thức cho đội ngũ giáo viên, bởi thầy tốt thì có trò tốt; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ; thu hút nguồn lực cho giáo dục.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh: Hưng Yên cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm ở các cơ sở giáo dục. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong ngành.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền mạnh mẽ về Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, Nghị quyết 51, những vấn đề có liên quan đến giáo dục và đào tạ để xã hội, nhân dân đồng tình ủng hộ. Cuối cùng là đổi mới trong quản lý giảng dạy, học tập, tạo động lực phát triển toàn diện ngành Giáo dục…
Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông giáo dục