Lý thuyết quản lý công mới (New Public Management – NPM) được đề xuất trong bối cảnh áp lực tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực công tại các quốc gia như Anh, Mỹ, New Zealand từ những năm 60 của thế kỉ 20 (Broucker & Wit, 2015; Tolofari, 2005). Trong giai đoạn này, hệ thống hành chính công của các quốc gia trên bị chỉ trích vì hoạt động thiếu hiệu quả cũng như tính cồng kềnh, quan liêu và lãng phí. Đến những năm 80, cùng với khủng hoảng tài chính, áp lực cắt giảm ngân sách trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tạo động lực để các quốc gia đẩy mạnh cải cách hành chính công. Giáo dục cùng với các lĩnh vực dịch vụ công khác trở thành đối tượng đầu tiên thử nghiệm những hoạt động cải cách này. Theo lý thuyết quản lý công mới, hệ thống hành chính công sẽ được thị trường hóa và hoạt động như một doanh nghiệp. Thêm vào đó, cơ chế NPM yêu cầu Chính Phủ đảm bảo tính phi tập trung hóa với sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định và giám sát hoạt động của hệ thống hành chính công nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả. Trong giáo dục đại học, NPM đã được áp dụng tại các quốc gia thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD và tại các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Malaysia… (Broucker & Wit, 2015; Tolofari, 2005). NPM trong giáo dục đại học có thể thể hiện trên bốn khía cạnh: (i) thị trường hóa, tư nhân hóa; (ii) cải cách tài chính; (iii) nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình; (iv) Đổi mới mô hình quản trị (Tolofari, 2005). Tuy nhiên, mức độ áp dụng và cách thức triển khai NPM của từng quốc gia là không tương đồng và dựa trên các đặc điểm về chính trị, xã hội của từng quốc gia. Ví dụ, tại những quốc gia tiên phong trong việc áp dụng lý thuyết NPM phải có cách chính sách hạn chế mức độ thị trường hóa, tư nhân hóa của hệ thống giáo dục đại học. Hai quốc gia này cũng đều thực hiện cơ chế kiểm soát đầu tư công trong giáo dục đại học, phân bổ ngân sách dựa trên kết quả, hiệu suất hoạt động. Do mức độ thị trường hóa, tư nhân hóa cao nên mức độ tự chủ của các cơ sở đại học là rất lớn. Ngược lại tại các quốc gia khác như Nhật, Đức hay Phần Lan, Chính Phủ vẫn là nhà đầu tư chính trong giáo dục đại học mặc dù đã có các cơ chế trao quyền tự chủ đến các cơ sở giáo dục đại học. Một đặc điểm khác trong NPM là đổi mới mô hình quản trị, hội đồng trường hoặc những đơn vị tương tự được thành lập đống vai trò quản lý, giám sát hoạt động của trường thay cho Chính Phủ và đổi mới cơ chế quản lý nhân sự gắn liền với việc giảng viên có còn là viên chức nữa không (Broucker & Wit, 2015; Hiep et al., 2023).
Các chính sách tự chủ đại học tại Việt Nam bắt đầu manh nha từ sau đổi mới cùng với sự chuyển đổi mô hình nhà nước bao cấp toàn phần sang mô hình “xã hội hóa” (Hayden & Thiep, 2007). Trong thập niên 90 của thế kỉ 20, việc thành lập các đại học quốc gia và đại học vùng trong giai đoạn 1993 đến 1995 và khuyến khích xã hội hóa hoạt động giáo dục theo nghị quyết 90 năm 1997 là các chính sách quan trọng về tự chủ đại học trong giai đoạn đầu đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đại học. Luật giáo dục đại học 2012 và Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018 cũng như các nghị quyết về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam cũng xác định vai trò của tự chủ đại học trong phát triển giáo dục đại học. Đến năm 2014, cơ chế tự chủ tiếp tục được thí điểm mở rộng tại 23 cơ sở giáo dục đại học công lập và Chính Phủ tiếp tục trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học công lập khác. Tuy nhiên, dưới góc độ NPM, các chính sách tự chủ đại học của Việt Nam còn chưa đồng bộ và mới chỉ ở mức sơ khai. Cụ thể, khía cạnh thị trường hóa, tư nhân hóa, khái niệm xã hội hóa được nhắc đến xuyên suốt trong các văn bản hành chính về cải cách giáo dục đại học đã bao hàm các đặc điểm về thị trường hóa, tư nhân hóa. Từ đổi mới đến nay, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng cùng với sự tham gia của khối tư nhân. Học phí đã trở thành một nguồn thu quan trọng thay vì nhà nước bao cấp toàn bộ như giai đoạn trước đó. Về khía cạnh tài chính, chính sách tự chủ của Việt Nam được chia thành hai nhóm chính bao gồm (i) cơ chế trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cùng với cắt chi thường xuyên và/ hoặc chi đầu tư và (ii) cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập thu vượt trần học phí. Về khía cạnh tự chủ và trách nhiệm giải trình, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách liên quan đến tự chủ trong vòng 30 năm qua, các chính sách về trách nhiệm giải trình cũng đã có những điểm đổi mới như triển khai hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học quốc gia, ban hành quy chế ba công khai hay xếp hạng đại học. Về khía cạnh đổi mới quản lý và quản trị, Việt Nam đã ban hành các cơ chế liên quan như thành lập hội đồng trường, bước đầu xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trên các khía cạnh nhân sự, tổ chức hoặc tài chính. Giảng viên các đại học công lập vẫn là viên chức (Hiep et al., 2023).
Có thể thấy, chính sách tự chủ đại học của Việt Nam mang những nét tương đồng với các đặc điểm của lý thuyết NPM mặc dù vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán trong cách tiếp cận. Mặc dù các chính sách về tự chủ đại học vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi, nhưng việc tham khảo NPM một cách chính thức sẽ giúp cho các chính sách về tự chủ đại học được tiếp cận đầy đủ, hệ thống hơn.
Hiệp Phạm, Oanh Phạm
Tài liệu tham khảo
Broucker, B., & Wit, K. de. (2015). New public management in higher education. In The Palgrave international handbook of higher education policy and governance (pp. 57–75). Springer.
Hayden, M., & Thiep, L. Q. (2007). Institutional autonomy for higher education in Vietnam. Higher Education Research & Development, 26(1), 73–85. https://doi.org/10.1080/07294360601166828
Hiep, H. P., Thao, T. T. P., Oanh, P. T., & Huyen, M. V. (2023). Phân tích chính sách tự chủ của Đại học Việt Nam từ góc nhìn của Lý thuyết quản lý công mới (NPM) (submitted). Tạp chí Giáo dục.
Tolofari, S. (2005). New public management and education. Policy Futures in Education, 3(1), 75–89.
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.