Trong nghiên cứu về việc tăng cường nguồn lực tài chính cho các trường đại học công lập trên thế giới, có thể phân loại thành hai cách tiếp cận khái niệm "tăng cường". Theo một số tác giả (Albrecht và Ziderman, 1992; Johnstone, 2002), tăng cường nguồn lực tài chính đồng nghĩa với việc đa dạng hóa nguồn thu của các trường đại học. Trong khi đó, một số tác giả khác (Alexander, 2000; Kuo và Ho, 2008) cho rằng tăng cường nguồn lực tài chính liên quan đến việc sử dụng nguồn sẵn có một cách hiệu quả và kinh tế hơn.
Đa dạng hoá nguồn thu bao gồm cho phép các cơ sở giáo dục đại học công thu thêm phí hoặc nhận nguồn tài trợ khác ngoài nguồn kinh phí của nhà nước. Các nguồn thu này thường liên quan đến các chức năng cơ bản của trường đại học, như đào tạo (cho phép thu học phí để chia sẻ với đầu tư của nhà nước hoặc cho phép tuyển sinh viên đóng phí 100% chi phí đào tạo), nghiên cứu (cho phép nhận kinh phí tài trợ nghiên cứu từ nước ngoài hoặc khu vực tư nhân) và chuyển giao tri thức để phục vụ cộng đồng (cho phép thu phí dịch vụ liên quan đến hoạt động tư vấn/chuyển giao công nghệ). Cơ sở giáo dục đại học cũng có thể nhận tiền hiến tặng từ các tổ chức và cá nhân trong xã hội.
Các nước như Áo, Đan Mạch và Phần Lan cho phép các cơ sở giáo dục đại học công sử dụng nguồn kinh phí tích luỹ để gửi vào ngân hàng, từ đó tạo ra lợi nhuận để tái sử dụng vào hoạt động đào tạo và nghiên cứu (Pruvot và Estermann, 2017). Ngoài ra, theo hai tác giả này, các cơ sở giáo dục đại học công có thể bán bất động sản được cấp để tạo nguồn lực tài chính trực tiếp cho hoạt động hàng ngày.
Agasisti và Pohl (2012) đã tiến hành nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ các trường đại học ở Tây Ban Nha và Ý và kết luận rằng, hiệu quả đầu tư vào các trường đại học có thể được đánh giá thông qua mối quan hệ giữa kết quả đầu ra (đào tạo, nghiên cứu) và các thông số đầu vào (đầu tư kinh phí từ nhà nước). Tuy nhiên, Powell và đồng nghiệp (2012) cho rằng việc đo lường hiệu quả của giáo dục đại học là khó khăn, nhưng một số chỉ số đầu ra như số lượng bằng cấp được cấp cho sinh viên, số lượng sinh viên tìm được việc làm, số tín chỉ sinh viên tích lũy được hay thời gian trung bình để sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các trường đại học (kết hợp với các chỉ số đầu vào như đầu tư ngân sách).
Jaramillo và Melonio (2021) đã chỉ ra 4 cơ chế để tăng cường nguồn lực tài chính cho các trường đại học công lập: Cơ chế cạnh tranh, cơ chế đàm phán, cơ chế căn cứ theo kết quả và cơ chế không căn cứ theo kết quả.
Cơ chế cạnh tranh và cơ chế đàm phán: Các cơ sở giáo dục đại học cần phải cạnh tranh với nhau để thu hút nguồn lực tài chính theo cơ chế cạnh tranh. Tuy nhiên, theo cơ chế đàm phán, các cơ sở giáo dục đại học chỉ cần đàm phán trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước để nhận ngân sách, mà không cần phải cạnh tranh với các cơ sở giáo dục đại học khác.
Cơ chế căn cứ theo kết quả và không căn cứ theo kết quả. Theo cơ chế căn cứ theo kết quả, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học (đào tạo, nghiên cứu,..) trong chu kỳ trước sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài chính mà cơ sở giáo dục đại học công có được trong chu kỳ sau. Tuy nhiên, nếu kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục đại học không có ảnh hưởng gì đến ngân sách được cấp ở chu kỳ tiếp theo thì ta có cơ chế không căn cứ theo kết quả đầu ra.
Nguyễn Hương, Trịnh Minh Thông
Tài liệu tham khảo
Albrecht, A. Ziderman, Financing Universities in Developing Countries, http://documents.worldbank.org/curated/en/100391468740210335/Financing-universities-in-developing-countries/, 1992
Johnstone, Challenges of Financial Austerity: Imperatives and Limitations of Revenue Diversification in Higher Education, Welsh J. Educ./Cylchgr, Addysg Cymru, Vol. 11, No. 1, 2002, pp. 18-36, https://doi.org/10.16922/wje.11.1.3.
K. Alexander, The Changing Face of Accountability: Monitoring and Assessing Institutional Performance in Higher Education, J. Higher Educ, Vol. 71, No. 4, 2000, pp. 411-431, https://doi.org/10.1080/00221546.2000.11778843.
S. Kuo, Y. C. Ho, The Cost Efficiency Impact of the University Operation Fund on Public Universities in Taiwan, Econ, Educ, Rev, Vol. 27, No. 5, 2008, pp. 603-612, https://doi.org/10.1016/j.econedurev.2007.06.003
B. Pruvot, T. Estermann, University Autonomy in Europe III: The Scorecard 2017, European University ASSociation, https://eua.eu/resources/publications/350:universityautonomy in-europe-iii- the-scorecard-2017.html/, 2017
Agasisti, C. Pohl, Comparing German and Italian Public Universities: Convergence or Divergence in the Higher Education Landscape?, Manag, Decis, Econ, Vol. 33, No. 2, 2012, pp. 71-85, https://doi.org/10.1002/mde.1561.
A. Powell, D. S. Gilleland, L. C. Pearson, Expenditures, Efficiency, and Effectiveness in U.S. Undergraduate Higher Education: A National Benchmark Model, J. Higher Educ, Vol. 83, No. 1, 2012, pp. 102-127, https://doi.org/10.1080/00221546.2012.11777236
Jaramillo, T. Melonio, Breaking Even or Breaking through: Reaching Financial Sustainability While Providing High Quality Standards in Higher Education in the Middle East and North Africa (English), http://documents.worldbank.org/curated/en/714021468275946360/Breaking-even-or-breaking-throughreaching-financial-sustainability-while-providinghigh-quality-standards-in-higher-education-in-theMiddle-East-and-North-Africa/, 2011
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.