Thông qua việc thử nghiệm và kiên nhẫn, giáo viên vẫn có thể tìm ra một số chiến lược phù hợp. Đó có thể là cung cấp cho học sinh một số lựa chọn, động viên, khích lệ các em, hay tạo ra môi trường tin tưởng để học sinh thể hiện hình ảnh bản thân. Giáo viên cần áp dụng linh hoạt với bối cảnh và học sinh của mình để đạt hiệu quả tốt nhất.
Sử dụng phương pháp SEL để khuyến khích học sinh bật camera trong các lớp học trực tuyến
Nếu bạn muốn áp dụng các chiến lược dạy học xã hội và cảm xúc (SEL) nhằm khuyến khích học sinh sử dụng camera trong các lớp học trực tuyến, hãy bắt đầu với nguyên tắc cốt lõi: Cần tạo không khí thân thiện, thoải mái, hay vì đòi hỏi sự phục tùng.
Xây dựng mối quan hệ. Tập trung vào sự tin tưởng trong các mối quan hệ, cả giữa giáo viên với học sinh và giữa học sinh với học sinh. Khi học sinh cảm nhận được bầu không khí an toàn và nhận được sự quan tâm của cộng đồng, các em sẽ thoải mái hơn khi bật camera lên.
Khảo sát học sinh. Hỏi cá nhân từng học sinh thông qua một biểu mẫu trên Google Forms về việc điều gì đã khiến các em ngại ngần khi bật camera trong một lớp học trực tuyến, và giáo viên có thể làm gì để giúp các em thoải mái hơn. Một khi bạn xác định được rào cản chính, bạn có thể thảo luận với học sinh về các phương pháp nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ các rào cản đó.
Sử dụng các công cụ “phá băng” bầu không khí. Hãy thử triển khai các hoạt động xây dựng tập thể nhằm khuyến khích các em lộ diện trước lớp. Chẳng hạn, đề nghị học sinh “tìm món đồ vật màu vàng lớn nhất trong nhà mà các em có thể đưa ra trước camera”. Một số trò chơi khác cũng có thể được vận dụng nhằm mục đích xây dựng tập thể thân thiện và gắn kết qua môi trường trực tuyến.
Chơi trò chơi. Các công cụ như hòn đá, tờ giấy hay cái kéo cũng có thể trở thành các dụng cụ học tập ngay cả trong môi trường trực tuyến. Giáo viên cần chủ động tham khảo các nguồn tài nguyên trên mạng, chẳng hạn như từ khoá “25 trò chơi thú vị qua Zoom”, nhằm tìm ra trò chơi phù hợp nhất với lớp học của mình.
Hoạt động biểu quyết hoặc chia sẻ suy nghĩ. Hãy yêu cầu học sinh biểu quyết bằng cách giơ ngón tay cái lên hoặc xuống để đánh giá một chủ đề. Giáo viên có thể thử yêu cầu cả lớp cùng đưa ra ý kiến về một vấn đề nào đó bằng cách thể hiện một kí hiệu hình thể nào đó mà không yêu cầu các em phải đưa ra lời giải thích; điều này vừa khuyến khích các em tương tác trực tiếp thông qua camera máy tính, vừa giúp các học sinh nhút nhát hay ngại ngùng trong việc nêu ý kiến có thể bày tỏ quan điểm của mình trước đám đông.
Đề nghị các học sinh “được yêu thích” trong lớp nêu gương. Giáo viên có thể tạo một khảo sát cá nhân để hỏi học sinh xem các em muốn làm việc nhóm với bạn nào nhất. Từ đó, giáo viên có thể thống kê và xác định những học sinh nào được nhiều bạn cùng lớp muốn được làm việc cùng nhất. Đó có thể chính là những “gương mặt thương hiệu” – những học sinh có nhiều vốn xã hội nhất trong lớp. Giáo viên có thể đề nghị các em này đóng vai trò “nêu gương” trong các hoạt động yêu cầu học sinh bật camera lên và tương tác trực tiếp.
Thể hiện sự đồng cảm. Giáo viên có thể chia sẻ với học sinh về những trường hợp bản thân cũng không thoải mái trong việc bật camera, chẳng hạn trong một buổi họp với những giáo viên khác. Hãy trò chuyện về việc bạn đã chuẩn bị bản thân như thế nào trước khi bật camera, ngay cả khi bản thân bạn đang không có tâm trạng tốt và sẵn sàng để làm điều đó. Giáo viên cũng nên chia sẻ thẳng thắn về những lo lắng về ngoại hình hay những trường hợp phải làm nhiều việc cùng một lúc khi họp trực tuyến. Những chia sẻ thực tế và thực lòng chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng của học sinh.
Vân An dịch
Nguồn:
Loya, B. Liz (2020). Strategies to Encourage Students to Turn Their Cameras On. Edutopia. https://www.edutopia.org/article/strategies-encourage-students-turn-their-cameras.
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.