Điểm số trở thành thước đo năng lực chính yếu của các hệ thống giáo dục trong hơn một thế kỷ.
Những năm 1800, thành tích của học sinh ở trường được thông báo cho phụ huynh thông qua hình thức truyền miệng. Dần dần, hình thức truyền miệng này được chuyển thành các thông báo bằng văn bản.
Ban đầu, điểm số được coi là một cách hiệu quả để thông báo thành tích học tập của học sinh với phụ huynh. Điểm là sự thể hiện, sử dụng chữ cái hoặc số, chất lượng (và đôi khi cả số lượng) học sinh học tập trong một môn học, trên bài tập hoặc trên học bạ.
Với ý nghĩa này, điểm số đã trở thành “đơn vị tiền tệ chính” của việc học.
Nhưng điểm số có những tác động mạnh mẽ tới cuộc sống cuộc của học sinh. Các trường đại học tuyển thẳng sinh viên và trao học bổng chủ yêu dựa trên điểm số.
Điểm số cao dẫn đến nhiều cơ hội giáo dục sau đại trung học hơn, những minh chứng về thành tích tốt có thể mở ra các cơ hội việc làm được trả lương cao hơn trong tương lai. Có điểm cao hơn cũng có thể mở ra cơ hội học tập tại các quốc gia khác.
Với những hậu quả của điểm số, không ngạc nhiên khi nhiều học sinh và phụ huynh bị ám ảnh bởi điểm số.
Trong một cuộc khảo sát với các giáo viên trên khắp thế giới, nhóm nghiên cứu bao gồm: Nathan Rickey, Andrew Coombs, Christopher DeLuca và Danielle LaPointe-McEwan đã phát hiện ra rằng những người được hỏi đã xác nhận “nỗi ám ảnh điểm số” (grade obsession) là một trong những thách thức hàng đầu trong giáo dục. Giáo viên cảm thấy rằng nhiều học sinh, phụ huynh và các nhà giáo dục khác chủ yếu tập trung vào điểm số hơn là những phản hồi nhằm cải thiện học tập.
Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả chỉ ra rằng nỗi ám ảnh về điểm số gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe, việc học tập và giáo dục công bằng (equitable education) của học sinh.
Những tiêu cực từ nỗi ám ảnh điểm số
Sự ấn định điểm số có thể làm giảm lòng tự trọng và sự hài lòng trong cuộc sống của học sinh. Điểm số khuyến khích so sánh và cạnh tranh giữa các học sinh, có khả năng gây tổn hại đến mối quan hệ của học sinh với bạn bè và giáo viên.
Kiểm tra, một trong những công cụ chính được sử dụng để tính điểm, đã được chứng minh là làm tăng sự lo lắng ở học sinh, điều này thực sự có thể làm suy giảm trải nghiệm học tập tích cực. Trong những trường hợp nghiêm trọng, học sinh cho biết đã từng có ý định tự tử liên quan đến áp lực kỳ thi.
Nỗi ám ảnh điểm số thay đổi cách học sinh học. Khi chủ yếu được thúc đẩy bởi việc đạt điểm cao, người học có xu hướng tập trung vào việc ghi nhớ thông tin thay vì hiểu sâu các khái niệm mới, tạo ra kết nối và mở rộng sáng tạo.
Học sinh có khả năng chấp nhận rủi ro trong quá trình học tập thấp – một phần quan trọng của quá trình trưởng thành và phát triển. Việc chỉ tập trung có được câu trả lời đúng có thể làm lu mờ quá trình học sâu (deep learning) và tích hợp phản hồi của giáo viên.
Đặc biệt đáng lo ngại, khi điểm số được xây dựng từ các thước đo hạn hẹp về thành tích của học sinh – chẳng hạn như trong các bài kiểm tra – chúng sẽ loại trừ [1] các nhóm học sinh và hạn chế các cách hiểu biết đa dạng.
Ví dụ, quan điểm của người bản địa tại Ontario, Canada coi việc học là sự cân bằng giữa phát triển nhận thức, cảm xúc, xã hội, tinh thần và thể chất. Hiện tại, việc chấm điểm trong các trường học phương Tây ưu tiên yếu tố nhận thức mà không coi trọng đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của các khía cạnh học tập khác.
Vai trò của gia đình và nhà giáo dục
Điểm số cũng ảnh hưởng đến phụ huynh và giáo viên. Phụ huynh chủ yếu dựa vào điểm số để biết liệu con mình có học tốt ở trường hay không – họ thường khó đánh giá thành tích học tập của con mình nếu không có điểm số.
Phụ huynh cũng quan tâm đến việc so sánh con cái họ với các bạn cùng lớp như thế nào. Hiểu được hậu quả của điểm số, cha mẹ khuyến khích con tập trung vào điểm số là điều dễ hiểu.
Tại khắp Khu vực Greater Toronto (GTA) – khu vực đô thị lớn nhất của Canada – điểm số của học sinh ngày càng tăng, đây là xu hướng chung bắt nguồn từ đại dịch COVID-19, một hiện tượng được gọi là “chấm điểm nhân ái” (compassionate grading).
Xu hướng này gây thêm áp lực cho học sinh, các bậc cha mẹ lẫn giáo viên. Ở một số nước, kết quả của học sinh trong các kì thi quốc gia hoặc tiểu bang ảnh hưởng đến việc trả lương cho giáo viên, giáo viên thường cảm thấy họ phải “dạy để thi” hơn là tập trung vào các mục tiêu học tập rộng lớn hơn.
Trên thực tế, nỗi ám ảnh điểm số là do hệ thống giáo dục và sự cạnh tranh để giành được các vị trí sau trung học – không phải do phụ huynh, giáo viên hay học sinh.
Tuy nhiên, nhiều nhà giáo dục nhận thức được những tác động tiêu cực và đang bắt đầu phản đối.
Vượt qua nỗi ám ảnh điểm số
Nghiên cứu của các tác giả Nathan Rickey, Andrew Coombs, Christopher DeLuca và Danielle LaPointe-McEwan đã khẳng định rằng nỗi ám ảnh về điểm số đã ngăn cản giáo viên sử dụng kiểm tra đánh giá theo hướng “vì sự tiến bộ của người học”.
Phản hồi của giáo viên là một trong những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến việc học của học sinh. Tuy nhiên, nếu học sinh không ưu tiên phản hồi của giáo viên, điều đó không thể hỗ trợ sự phát triển của người học. Thực tế chứng minh, việc tập trung vào điểm số có xu hướng dẫn đến điểm thấp hơn trong khi tập trung vào phản hồi của giáo viên có thể giúp học sinh đạt điểm cao hơn.
Giáo viên muốn dành thời gian trên lớp cho các hoạt động tự đánh giá (self-assessment) của học sinh và đánh giá đồng đẳng (peer assessment). Những hoạt động này rất quan trọng để giúp học sinh phát triển các kỹ năng học tập độc lập.
“Assessment talk” (tạm dịch là “thảo luận về kiểm tra đánh giá”) được các giáo viên trao đổi trong khảo sát của nhóm tác giả nghiên cứu như là “chiếc chìa khóa” để thoát khỏi nỗi ám ảnh điểm số. Các giáo viên trình bày rằng buổi thảo luận về kiểm tra đánh giá liên quan đến việc giao tiếp cởi mở với học sinh, phụ huynh và các nhà giáo dục khác về cách tiếp cận kiểm tra đánh giá của họ.
Đồng thời, nhấn mạnh vào việc ưu tiên vào đánh giá quá trình – các phương pháp kiểm tra đánh giá hỗ trợ học sâu – bao gồm tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng, đặt mục tiêu học tập rõ ràng và có thể đạt được, đặt câu hỏi và đưa ra phản hồi.
Nắm bắt được giá trị của thông tin phản hồi
Khi bắt đầu năm học mới, nhiều giáo viên đã áp dụng đánh giá quá trình của học sinh nhằm chống lại sự tập trung vào điểm số. Đánh giá quá trình cho phép giáo viên, học sinh và phụ huynh hiểu học sinh tiến bộ như thế nào trong việc học và xây dựng kế hoạch học tập phù hợp.
Giáo viên đã sử dụng các hoạt động đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá để giúp học sinh thấy được giá trị của việc cho, nhận và sử dụng thông tin phản hồi. Thay vì cạnh tranh điểm số, học sinh tập trung vào việc hợp tác để giúp nhau tiến bộ.
Các giáo viên cũng thảo luận về đánh giá quá trình với phụ huynh trong các buổi họp phụ huynh. Giáo viên nên tìm ra những cách để phụ huynh tham gia vào quá trình đánh giá, theo những cách liên tục.
Nhóm tác giả nghiên cứu khuyến nghị việc tạo ra các diễn đàn học tập mà phụ huynh có thể truy cập, đôi khi hàng ngày, để xem bài làm của con mình và phản hồi của giáo viên. Trong một số trường hợp, phụ huynh cũng được mời để nhận xét, tạo ra cuộc thảo luận kiểm tra đánh giá liên tục giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Cách tiếp cận như vậy hiệu quả hơn khi hỗ trợ việc học và cung cấp thông tin so với việc chỉ chờ điểm học bạ dựa trên học kỳ. Việc kiểm tra đánh giá chuyển từ một quá trình chỉ xảy ra với học sinh sang một quá trình liên tục mà học sinh, phụ huynh và giáo viên cùng tham gia.
Thông qua những cuộc thảo luận về kiểm tra đánh giá, học sinh tiến bộ hơn, từ đó, dẫn đến điểm số của học sinh sẽ được cải thiện!
Huyền Đức dịch
[1] marginalize (tạm dịch: loại trừ; loại trừ xã hội hoặc bên lề xã hội). Đây là một thuật ngữ được sử dụng trong các lĩnh vực bao gồm: giáo dục, xã hội học, tâm lý học, chính trị và kinh tế. Khi bất cứ đối tượng xuất hiện đi chệch khỏi các chuẩn mực nhận thức của số đông đều có thể trở thành đối tượng của các hình thức loại trừ thô hoặc tinh tế.
Nguồn:
Nathan Rickey, Andrew Coombs, Christopher DeLuca, Danielle LaPointe-McEwan (2023). How “grade obsession” is detrimental to students and their education. The Conversation. https://theconversation.com/how-grade-obsession-is-detrimental-to-students-and-their-education-199980
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.