Suy nghĩ lại về đào tạo giáo viên trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19

Nhiều biến đổi và biến cố diễn ra trên phạm vi toàn cầu bao gồm cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi căn bản cuộc sống của chúng ta và thách thức các quốc gia suy nghĩ lại về các mô hình dạy - học cũng như sinh sống, làm việc trong bối cảnh mới.

Trong khi thế giới vừa bắt đầu học cách thích nghi với thực tế đầy biến động, thiếu chắc chắn, phức tạp và mơ hồ do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, chúng ta đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ vẫn kéo dài đến ngày nay: đại dịch Covid-19. Sự gián đoạn và khủng hoảng hiện nay đã buộc chúng ta phải suy nghĩ lại và thay đổi các mô hình học tập, làm việc và thậm chí là sinh sống. Trong lĩnh vực giáo dục, vai trò của giáo viên đang có sự thay đổi mạnh mẽ; cụ thể, giáo viên không chỉ là người hỗ trợ học tập mà còn đảm nhiệm chức năng của các nhân viên xã hội, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi, thậm chí là hỗ trợ công nghệ và bất kỳ vai trò nào khác mà học sinh yêu cầu trong thời kỳ đại dịch và hậu đại dịch.

Trong lịch sử, đã từng có nhiều chính trị gia, học giả đề xuất các quan điểm mở rộng về vai trò của người giáo viên trong quan hệ với học sinh ở nhiều bối cảnh. Trong đó, Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của giáo viên trong một quốc gia; ông coi  thành công của một quốc gia là nhờ công dân của quốc gia đó và ngược lại. Đồng thời, yếu tố quyết định đối với việc đào tạo, xây dựng phẩm chất của mỗi công dân là giáo viên của quốc gia đó. Ông ví vai trò của giáo viên là vai trò của những người xây dựng quốc gia, những người có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự bền vững của tăng trưởng kinh tế và xã hội của một quốc gia non trẻ. Quan điểm của ông về giáo viên là những người xây dựng quốc gia đã là kim chỉ nam tầm nhìn và sứ mệnh của giáo dục giáo viên ở Singapore.

Cụ thể, Singapore là quốc gia thích nghi rất nhanh với sự thay đổi nhanh chóng và khó lường của bối cảnh toàn cầu, biết tìm kiếm các giải pháp để thành công vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội trong vô số thách thức phải đối mặt. Rút ra các bài học từ các thông lệ quốc tế tốt nhất trong khi vẫn đảm bảo việc thích ứng phù hợp với nhu cầu của quốc gia và xây dựng thương hiệu riêng của đất nước, quá trình đào tạo giáo viên tại Viện Giáo dục Quốc gia Singapore (NIE) dựa vào việc áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên giá trị, dựa trên bằng chứng và tập trung vào tương lai, xây dựng dựa trên những nền tảng trong quá khứ.

Bài viết của tác giả Ee Ling Low trình bày chi tiết viện đào tạo giáo viên duy nhất của Singapore đang định hình lại suy nghĩ về đào tạo giáo viên như thế nào, qua việc làm rõ những đặc trưng, phẩm chất của một người giáo viên luôn sẵn sàng cho tương lai, cung cấp cho người học quyền tự quyết và tính linh hoạt cao hơn cũng như phát triển các chương trình liên ngành, đồng thời với đó là triển khai công tác tái tạo, tái cơ cấu và hợp lý hóa các chương trình đào tạo giáo viên. Cuối cùng, mục đích hướng đến là để bồi dưỡng các nhà giáo dục, giáo viên, học sinh và toàn bộ hệ sinh thái giáo dục sẵn sàng cho một tương lai đầy biến động trước mắt.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Low, E. L. (2023). Rethinking teacher education in pandemic times and beyond. Educational Research for Policy and Practice. https://doi.org/10.1007/s10671-023-09337-4

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Suy nghĩ lại về đào tạo giáo viên trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn