Đôi nét về dự án ETUF
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới các mặt đời sống kinh tế – xã hội đặc biệt là ngành giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh; giáo viên và học sinh ở các cơ sở giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và tại Việt Nam nói chung đối mặt với sự chuyển đổi môi trường học, từ trực tiếp sang trực tuyến một cách vội vàng mà chưa có sự chuyển bị về kiến thức và kĩ năng. Nhận thấy thực trạng này, nhóm cựu sinh Úc bao gồm TS. Dương Thị Anh (Đại học Sydney, Úc), GS. Bùi Thị Minh Hồng (Đại học Birmingham City, UK), TS. Lại Thị Thanh Vân (Đại học Monash, Úc) và TS. Nguyễn Thị Bích Diệp (Đại học Deakin University, Úc), cùng sự cố vấn của TS. Nguyễn Xuân Khánh (Trường Đại học Oulu) đã cho ra đời dự án “Nâng cao năng lực giáo viên thời đại mới” (Empowering Teachers for an Uncertain Future – ETUF).
Dự án có sứ mệnh nâng cao năng lực cho giáo viên và sinh viên sư phạm tại Việt Nam để họ có thể thích ứng tốt hơn với quá trình số hóa giáo dục và các khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, dự án đầy ý nghĩa này vinh dự nhận được sự tài trợ kinh phí từ Chính phủ Úc thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Úc (AAGF) thuộc chương trình “Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực” (Aus4Skills) và sự đồng hành của Mạng lưới Giáo dục (EduNet) thuộc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).
Những hoạt động cụ thể
Hoạt động chính của dự án bao gồm 5 hội thảo chuyên đề phát triển chuyên môn với những chủ đề khác nhau. Khi dự án khởi động đã thu hút được các giáo viên và các nhà quản lý giáo dục trên trên khắp các tỉnh thành quan tâm và đăng kí tham gia. Sự lan tỏa của dự án đã có tác động tích cực đến cộng đồng các nhà giáo dục tại Việt Nam khi mang tới cho các thầy cô những chia sẽ lí thú ở những khía cạnh khác nhau của giáo dục thời đại mới.
Hội thảo chuyên đề “GIÁO DỤC THỜI ĐẠI SỐ” được đứng lớp bởi TS. Andy Nguyễn (Đại học Oulu, Phần Lan) tại Đại học Sư phạm TP.HCM (7/2022)
Không khí sôi nổi tại hội thảo chuyên đề "NÂNG CAO SỨC KHỎE TINH THẦN CHO GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG" cùng TS. Nguyễn Thụy Phương (10/2022)
Nội dung của dự án đưa tới những vấn đề mới mẻ như: những chuyển biến của giáo dục trong kỉ nguyên 4.0, các xu hướng mới trong kiểm tra đánh giá,... và trong đó vấn đề Nâng cao sức khỏe tinh thần cho giáo viên thông qua phương pháp "khai vấn" đã cung cấp cho các thầy cô kiến thức về chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Các thầy cô khi tham gia dự án đã nâng cao chuyên môn qua học tập những kĩ năng, phương pháp được hướng dẫn trực tiếp bởi các chuyên gia đầu ngành và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Từ đó, thầy cô có thể thích ứng tốt hơn với quá trình số hóa giáo dục và đối mặt các khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Không chỉ vậy, các thầy cô được hỗ trợ kinh phí khi tham gia các buổi hội thảo chuyên đề.
Nối tiếp thành công của hai hội thảo trước, để trang bị thêm kiến thức cho thầy cô về các xu hướng mới trong kiểm tra đánh giá, dự án ETUF tổ chức buổi hội thảo chuyên đề số 3 với sự đồng hành của TS. Phạm Thị Hương. Tháng 11/2022, dự án ETUF tiếp tục tổ chức buổi hội thảo mang tên “Người thầy và tầm ảnh hưởng xã hội” với sự đồng hành của giảng viên Bùi Thị Minh Hồng. Dự án khép lại với hoạt động phát triển chuyên môn cuối cùng có tên là “Hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua chương trình GDPT mới” do cô Tô Thuỵ Diễm Quyên chia sẻ vào tháng 12/2022 tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong tương lai, dự án sẽ mang đến các khóa học và hội thảo chuyên đề khác được tổ chức song song trực tiếp và trực tuyến tại miền Bắc. Nhóm dự án mong sẽ tiếp tục lan tỏa các kiến thức bài bản, kĩ năng hiệu quả tới nhiều thầy cô giáo khắp cả nước, và các thầy cô Việt Nam có thể tiếp tục nâng cao năng lực từ những khóa học của dự án đầy ý nghĩa này.
Tạp chí Giáo dục