Năm 2020 – 2021, Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) làm việc với TP. Hồ Chí Minh để bàn luận chiến lược phát triển thành phố. Khi đó, Mạng lưới Giáo dục (EduNet) của AVSE Global nghiên cứu giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, do TS. Nguyễn Thị Bích Diệp (Đại học Deakin, Úc) và TS. Nguyễn Xuân Khánh (Đại học Oulu, Phần Lan) phụ trách.
Sau khi tiến hành nghiên cứu, nhóm chỉ ra giáo dục phổ thông tại TP. Hồ Chí Minh, dù phát triển bật nhất cả nước nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề. Phụ huynh học sinh không hào hứng với mô hình trường công lập, một lớp học có số lượng học sinh quá đông khiến giáo viên không thể chú ý đến từng cá nhân, dạy học chú trọng nội dung hơn thực hành. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh; giáo viên và học sinh đối mặt với sự chuyển đổi môi trường học, từ trực tiếp sang trực tuyến một cách vội vàng mà chưa có sự chuyển bị về kiến thức và kĩ năng. Sức khỏe tinh thần của giáo viên bị ảnh hưởng do áp lực từ bệnh dịch và chất lượng dạy và học không đảm bảo.
Chính vì vậy, ý tưởng về một dự án hướng tới mục tiêu giúp đỡ giáo viên và sinh viên sư phạm thể thích ứng tốt hơn với quá trình số hóa giáo dục và các khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai, đồng thời, mong muốn giúp đỡ TP. Hồ Chí Minh sau những thăng trầm của đại dịch đã nảy nở. Khi biết Chính phủ Úc thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Úc (AAGF) thuộc chương trình “Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực” (Aus4Skills) đưa ra thông báo tài trợ các dự án cộng đồng dành cho cựu sinh Úc, các cựu sinh Úc đang hoạt động tình nguyện ở AVSE Global đã lập tức viết đề cương xin tài trợ ETUF. Dự án ra đời với sứ mệnh bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ giáo viên.
Với lá thư hỗ trợ từ Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và khoản tài trợ khiêm tốn từ Aus4Skills để trang trải chi phí cho dự án, nhóm dự án bao gồm: TS. Dương Thị Anh (Đại học Quốc tế Sài Gòn), GS. Bùi Thị Minh Hồng (Đại học Thành phố Bimingham), TS. Nguyễn Thị Bích Diệp (Đại học Deakin) và TS. Lại Thị Thanh Vân (Đại học Monash) đã làm việc tình nguyện bằng tất cả thời gian và chất xám của bản thân. Các thành viên thực hiện thành công chương trình kết hợp hai chuỗi bài giảng trực tuyến lẫn chuối năm hội thảo chuyên đề trực tiếp tại TP. Hồ Chí Minh.
Mặc dù, quy mô dự án còn khiêm tốn nhưng những tác động ban đầu của ETUF là khá ấn tượng. Sau khi tham gia chuỗi hoạt động dự án ETUF, phản hồi từ các thầy cô vô cùng tích cực. Dự án đã mang lại sự thay đổi nhận thức từ phía các thầy cô. Các thầy cô khi tham gia dự án được phát triển chuyên môn qua học tập nhiều các kĩ năng, phương pháp bổ ích giúp giải quyết các vấn đề phát sinh khi giảng dạy trong khủng hoảng. Khi thầy cô thay đổi thì học sinh sẽ thay đổi.
Thời đại AI hay Chat GPT đang dần xâm lấn, nó đặt ra những thách thức trong giáo dục. Tuy nhiên, khi người dạy luôn ý thức và luôn trau dồi kĩ năng, nâng cao năng lực trình độ thì chắc chắn không một công cụ nào có thể thay thế được!
Mọi thông tin chi tiết về dự án có thể truy cập tại: Empowering Teachers for an Uncertain Future - ETUF; https://www.facebook.com/etuf.project/
Tạp chí Giáo dục