Bối cảnh tài chính của của hệ thống giáo dục đại học
Kể từ công cuộc Đổi Mới năm 1986, hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam đã chứng kiến hai sự thay đổi lớn. Đầu tiên là xu hướng đại chúng hóa khi giáo dục đại học không ngừng mở rộng về quy mô. Tính đến hết năm 2020, cả nước có hơn 240 cơ sở giáo dục đại học và hơn 1,9 triệu sinh viên, lớn hơn gấp nhiều lần về quy mô so với 63 cơ sở giáo dục đại học và 133,000 sinh viên vào năm 1987. Ngoài xu hướng đại chúng hóa, một xu hướng nổi bật khác là xu hướng tăng cường tự chủ. Hơn 18 năm kể từ Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP được ban hành, các cơ sở giáo dục đại học đã được trao quyền tự chủ đáng kể trên ba phương diện: học thuật, tổ chức nhân sự và tài chính.
Cùng với việc Nhà nước gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp tục đầu tư cho hệ thống giáo dục đại học, cơ chế xã hội hóa đã được triển khai nhằm tạo điều kiện cho các trường tiếp cận các nguồn thu khác. Hiện tại, ba nguồn thu chính tại các trường đại học công lập bao gồm: ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (chuyển giao công nghệ, từ các hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công tư …). Hiện tại, các trường vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí (Le et al., 2021). Để giảm bớt gánh nặng học phí, các cơ sở giáo dục đại học cần phải đa dạng hóa các nguồn thu. Tuy nhiên, hiện tại các trường vẫn đang gặp lúng túng trong việc triển khai một chỉ số để biết được mức độ da dạng hóa nguồn thu của mình đến đâu.
Áp dụng chỉ số HHI (Herfindahl – Hirschman Index) để đánh giá mức độ đa dạng hóa nguồn thu
Chỉ só HHI được xây dựng bởi hai nhà kinh tế học Hirschman (người Đức) và Herfindahl (người Mỹ) để đo lường mức độ cạnh tranh của thị trường và được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ áp dụng trong việc chống độc quyền.
Cụ thể, HHI được tính bằng tổng bình phương thị phần của mỗi công ty tham gia vào một thị trường nhất định. HHI dao động từ 0 đến 10,000. Theo đó, một thị trường sẽ có càng có ít tính cạnh tranh nếu HHI có giá trị càng cao. Ở mức độ cao nhất, thị trường chỉ có 1 doanh nghiệp tham gia và chiếm 100% thị trường thì HHI sẽ nhận giá trị tương ứng là 10,000. Nếu thị trường có rất nhiều doanh nghiệm tham gia và mỗi doanh nghiệp chỉ chiếm phân khúc nhỏ thì HHI sẽ có thiên hướng tiến dần tới 0. Một thị trường sẽ được phân loại là đa dạng và có tính cạnh tranh cao nếu HHI của nó <1500. Ngược lại, một thị trường sẽ được phân loại là tập trung cao nếu HHI của nó lớn hơn 2500. Giữa hai đầu của phổ, một thị trường có HHI nằm trong khoảng từ 1500 đến 2500 được phân loại là cạnh tranh vừa phải. Chẳng hạn, nếu năm công ty đang tham gia vào một thị trường với thị phần lần lượt là 30%, 20%, 15%, 17% và 18%, thì điểm HHI là 302 + 202 + 152 + 172 + 182 = 2138. thị trường được xếp vào loại cạnh tranh vừa phải.
Một số tác giả đã sử dụng hệ số chuẩn hóa để dễ biểu thị. Theo đó, hệ số chuẩn hóa HHI dao động từ 0 đến 1. Tương tự, các phân khúc điểm HHI lần lượt là [0-0.15], [0.15-0.25] và [0.25-1.00]. Bảng 1 thể hiện rõ phân loại mức độ tập trung thị trường theo hai cách tiếp cận.
Bảng 1. Phân loại mức độ bền vững tài chính của tổ chức theo HHI
Trong lĩnh vực giáo dục đại học, đã có một số nghiên cứu sử dụng HHI để đánh giá sự đa dạng hóa nguồn thu của các trường đại học. Ví dụ, Webb (2015) đã sử dụng HHI để đo lường mức độ đa dạng hóa thu nhập của 814 trường đại học và cao đẳng tư thục ở Mỹ. Song song đó, Garland (2020) đã thông qua HHI để theo dõi sức khỏe tài chính của 102 trường đại học công lập ở Anh. Tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 2 về Giáo dục Đương đại tổ chức tại Nga năm 2019, Pérez et al. (2011) đã trình bày nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích kinh tế và thống kê, tính toán chỉ số HHI để đánh giá mức độ tập trung của số lượng sinh viên và giá trị doanh thu của các hệ thống giáo dục đại học trong khu vực. Trong khu vực Đông Nam Á, Ahmad et al. (2019) đã áp dụng HHI để đánh giá mức độ da dạng hóa nguồn thu của các trường đại học công lập ở Malaysia.
Trịnh Minh Thông
Tài liệu tham khảo
Ahmad, N. N. N., Siraj, S. A., & Ismail, S. (2019). Revenue diversification in public higher learning institutions: an exploratory Malaysian study. Journal of Applied Research in Higher Education.
Garland, M. (2020). How vulnerable are you? Assessing the financial health of England’s universities. Perspectives: Policy and Practice in Higher Education, 24(2), 43-52. https://doi.org/10.1080/13603108.2019.1689374
Le, T. T., Nguyen, T. L., Trinh, M. T., Nguyen, M. H., Nguyen, M. P. T., & Pham, H.-H. (2021). Adopting the Hirschman–Herfindahl Index to estimate the financial sustainability of Vietnamese public universities. Humanities and Social Sciences Communications, 8(1), 1-10. https://doi.org/10.1057/s41599-021-00927-2
Pérez, S., Dominicis, L., & Fernández-Zubieta, A. (2011). European university funding and financial autonomy : a study on the degree of diversification of university budget and the share of competitive funding. Publications Office. https://doi.org/doi/10.2791/55199
Webb, J. (2015). A PATH TO SUSTAINABILITY: HOW REVENUE DIVERSIFICATION HELPS COLLEGES AND UNIVERSITIES SURVIVE TOUGH ECONOMIC CONDITIONS. Journal of International and Interdisciplinary Business Research, 2(7), 69-97. https://scholars.fhsu.edu/jiibr/vol2/iss1/7
Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.