Thành phố Hà Nội bước đầu triển khai hiệu quả đổi mới giáo dục phổ thông

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, sáng 9/2, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã có cuộc làm việc với UBND thành phố.

Cuộc làm việc có sự tham dự của lãnh đạo UBND thành phố, lãnh đạo Sở GDĐT, các sở, ngành, UBND các quận/huyện, cán bộ quản lý, giáo viên một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

“Sau 3 năm học chắc chắn học sinh sẽ được trang bị kiến thức tốt hơn chương trình cũ”

Tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến đã được đội ngũ giáo viên, lãnh đạo các nhà trường trao đổi, chia sẻ. Các ý kiến cho thấy, mặc dù có những bỡ ngỡ ban đầu song các nhà trường và đội ngũ giáo viên đã nhanh chóng bắt nhịp, việc triển khai đã mang lại những hiệu quả tích cực, thể hiện trong sự thay đổi của chính học sinh và giáo viên.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm việc với UBND thành phố về tình hình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông

Cô giáo Bùi Thị Thanh Hoa, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết: Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên đã được tiếp cận đầy đủ, kịp thời với các văn bản, hướng dẫn từ các cấp quản lý. Giáo viên cũng tham gia vào quá trình chọn lựa sách và bộ sách được chọn đúng như mong muốn của giáo viên.

Nhận xét về sách giáo khoa lớp 10 mới, cô Hoa cho hay: sách giáo khoa mới khắc phục được quá tải, cập nhật nhiều nội dung mới, hiện đại, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn - điều này sách giáo khoa chương trình 2006 không làm được. Việc giảm tải từ 13 môn xuống còn 10 môn học ở bậc THPT, theo cô Hoa cũng là một trong những điểm tích cực của chương trình mới, giúp học sinh tự tin và yêu thích hơn môn học, đỡ cảm giác bị quá tải.

Với những thay đổi về phương pháp, cách tiếp cận, cô Hoa nhận định: Sau một học kỳ đã nhận thấy rõ sự khác biệt giữa học sinh lớp 10 với học sinh khối 11, 12. Các em học sinh khối 10 tự tin hơn, chủ động hơn trong học tập. “Sau 3 năm học các con sẽ được trang bị kiến thức tốt hơn chương trình cũ”, cô Hoa tin tưởng.

Cùng chung đánh giá về những thay đổi tích cực của học sinh, cô giáo Nguyễn Phương Thanh, giáo viên Trường THPT Chu Văn An chia sẻ: Qua một học kỳ vừa qua, thầy trò đã thích ứng được với chương trình mới, từng bước chuyển hướng được theo mục tiêu giáo dục đánh giá năng lực, phẩm chất người học. Học sinh Chu Văn An, dù khối chuyên hay khối thường đã thể hiện được phẩm chất người học theo hướng chủ động, sáng tạo, tự tin hơn trước các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm sáng tạo. “Chúng tôi nhận định các con đã phát triển, đáp ứng mục tiêu đào tạo thế hệ học trò có thể hội nhập quốc tế”, cô Thanh nói.

Thầy Nguyễn Văn Hoàng, Trường THPT Tây Hồ chia sẻ tại cuộc làm việc

Dạy môn Toán lớp 10, thầy Nguyễn Văn Hoàng, Trường THPT Tây Hồ cũng nhận định chương trình mới có một số điểm tích cực. Theo đó, trước đây, giáo viên là người truyền thụ kiến thức, chủ yếu theo phương pháp giảng. Với chương trình mới, học sinh tự nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức, cùng trao đổi để giải quyết vấn đề, giáo viên là người định hướng, dẫn dắt. “Đó là một trong những thay đổi lớn nhất tôi nhận thấy sau hơn 1 học kỳ giảng dạy lớp 10”, thầy Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.

Với sách giáo khoa, theo thầy Hoàng cũng thay đổi tích cực, có nhiều bài tập vận dụng thực tế giúp học sinh phát huy sự tìm tòi, khám phá sâu từng vấn đề. Khi hiểu kiến thức mình học được sử dụng để làm gì, học sinh thấy việc học có ý nghĩa hơn.

“Tất nhiên, bước đầu chuyển sang giảng dạy theo phương pháp mới, cả thầy và trò đều bỡ ngỡ, học sinh chưa tiếp cận được ngay. Nhưng sau một thời gian, học sinh đã hiểu hơn và phối hợp tốt hơn với giáo viên trong các giờ học, từ đó việc học đạt hiệu quả cao hơn”, thầy Hoàng chia sẻ.

Quan tâm đến chuyên môn, giải quyết triệt để các vướng mắc của giáo viên

Nhấn mạnh tới 3 điểm được cho là “khác biệt” mang lại hiệu quả của Hà Nội khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THPT, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết: Đó là công tác chỉ đạo truyền thông về triển khai chương trình, tư vấn cho cha mẹ học sinh lớp 9 nắm bắt được chương trình mới, qua đó bắt nhịp nhanh hơn với những thay đổi ở lớp 10.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An trao đổi tại cuộc làm việc

Khi bước vào năm hoc, Sở GDĐT Hà Nội đã triển khai thành 16 cụm trường, các cụm xây dựng kế hoạch nhà trường và chỉ trong tháng 9 đã hoàn thành kế hoạch nhà trường. Ngoài ra, Sở GDĐT đã tổ chức các tiết dạy theo hướng dẫn từ Công văn 5512 của Bộ GDĐT, kết nối các trường cùng dự, sau đó rút kinh nghiệm để cùng thực hiện ở các trường.

Bên cạnh những việc đã làm được, theo Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để xã hội hiểu rõ về những điểm mới của chương trình. Các trường sự phạm trong đào tạo sinh viên cũng cần đưa vào nội dung mục tiêu của chương trình để sinh viên nắm chắc được mục tiêu này, biết xây dựng kế hoạch nhà trường, kể hoạch bài giảng.

Cho rằng, thực hiện chương trình mới không thể không thay đổi cách quản trị nhà trường, cô giáo Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú chia sẻ về những đổi mới trong cách thức quản trị trường học tại Trường THPT Trần Phú, gồm: Thay đổi văn hóa trong nhà trường, thay sự áp đặt bằng văn hóa xung phong, phân công nhiệm vụ phù hợp; xã hội hoá các hoạt động dạy học trong nhà trường; không xếp thời khóa biểu cứng như chương trình 2006; kết nối với các trường để sử dụng hiệu quả đội ngú giáo viên…

Đánh giá về sự linh hoạt, chủ động mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 mang lại, bà Yến cho rằng: Thầy cô vui vẻ, học sinh vui vẻ, việc học thoát ra khỏi khuôn khổ phòng học, khuôn khổ trường học.

Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến trao đổi tại cuộc làm việc

Một trong những đề xuất chung được giáo viên, lãnh đạo các trường THPT ở Hà Nội gửi tới Đoàn giám sát và Bộ GDĐT là mong sớm có phương án tổ chức thi THPT và phương án tuyển sinh đại học năm 2025 để học sinh, giáo viên, nhà trường có định hướng giảng dạy, học tập. Ngoài ra, việc sớm được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học để việc dạy học sẽ hiệu quả hơn nữa cũng là kiến nghị chung của nhiều giáo viên.

Đại diện Sở GDĐT, Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến cho rằng, một trong những điều nổi bật mà Hà Nội thực hiện tốt là rất quan tâm đến chuyên môn của đội ngũ, giải quyết triệt để các vướng mắc của giáo viên, nên công tác tập huấn được đặc biệt chú trọng.

“Chúng tôi có quan điểm, để triển khai tốt các môn học, quan trọng nhất giáo viên phải rõ, mọi khó khăn vướng mắc của giáo viên phải được tháo gỡ. Vì vậy, với các trường phổ thông, Sở GDĐT yêu cầu trong tháng 9 và 2 tuần đầu tháng 10 phải tổ chức xong chuyên đề ở các môn học. Trước đó, giáo viên nghiên cứu, có khó khăn thì gửi về Sở/Phòng GDĐT và các chuyên viên có trách nhiệm nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia để trả lời. Do đó, hầu hết vướng mắc giáo viên gặp phải đều được giải quyết”.

Tại buổi giám sát, đại diện UBND TP. Hà Nội và các sở ngành liên quan đã chia sẻ, trao đổi làm rõ các vấn đề đoàn giám sát yêu cầu xung quanh việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Điều mừng nhất là thầy cô thấm được chương trình…”

Phát biểu tại cuộc làm việc, với tư cách là đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ GDĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, Bộ GDĐT chính là nơi “thu hoạch” được nhiều nhất từ cuộc giám sát của Quốc hội lần này. Bộ trưởng cũng chia sẻ sự vui mừng trước những phát biểu, trao đổi thẳng thắn, khách quan, nhiều thông tin rất quý từ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc

Theo Bộ trưởng, qua báo cáo của thành phố, thông tin trao đổi của các sở, ngành cho thấy sự quan tâm đặc biệt của thành phố Hà Nội với giáo dục và đào tạo nói chung và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói riêng, cả trong đầu tư và trong chỉ đạo. Những trao đổi của thầy cô cho thấy thầy cô nắm rất chắc, thấy rõ cả tinh thần, những điểm tinh tế, quan trọng của chương trình.

“Đây là điều mừng nhất. Thiếu một vài chiếc bàn chiếc ghế cũng là việc lớn nhưng sẽ không lớn bằng việc thầy cô chưa thấm được chương trình. Đi đường mà không biết đi đâu, đó mới là cái nguy”, Bộ trưởng nói, đồng thời đề nghị, thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất rồi sẽ quan tâm hơn nữa, đặc biệt là các gói đầu tư cần triển khai nhanh hơn, kịp thời với tiến độ triển khai đổi mới.

Từ ý kiến trao đổi của giáo viên và nhà trường về một số băn khoăn, vướng mắc trong việc chuyển trường của học sinh vì lý do nhiều bộ sách giáo khoa, khác nhau về tổ hợp môn học, khác nhau về chương trình giáo dục địa phương…, Bộ trưởng đã có những trao đổi và lưu ý cụ thể.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết: Trong rất nhiều điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, điểm mới quan trọng là tính nhất quán, thống nhất, hướng đích, “cứng” ở mục tiêu và chuẩn đầu ra. Các bộ sách khác nhau đều phải cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Quang cảnh cuộc làm việc

Chương trình dành khoảng rất rộng mở, linh hoạt cho lãnh đạo địa phương, Sở GDĐT, lãnh đạo các nhà trường, tổ chuyên môn, đặc biệt là chủ động của các nhà giáo và cuối cùng là chủ động của người học. Với việc được chủ động và linh hoạt như vậy, đừng đem tư duy rất “cứng” để xử lý các việc.

“Chương trình phổ thông thiết kế, học sinh khi kết thúc một cấp học nào đó phải đạt một chuẩn chung nhất định. Như vậy, phải lấy chuẩn cơ bản, thang năng lực cơ bản để làm chuẩn. Đừng vì lý do học sinh trường này học chậm hơn trường kia một vài bài; cũng không nên do trường này chọn một bộ sách, trường kia chọn bộ sách khác; hay các cháu có lệch môn trong tổ hợp… mà không cho học sinh chuyển trường. Làm vậy là đi ngược lại với tinh thần của chương trình mới”, Bộ trưởng nên rõ.

Với sự khác nhau của học sinh về lựa chọn môn học, theo Bộ trưởng, việc lệch môn có thể bù đắp được, vì học sinh học tập là lâu dài, học tập suốt đời. Bộ trưởng cũng cho rằng, đừng nên đặt câu hỏi: Học sinh học kiến thức giáo dục địa phương này, sang tỉnh thành kia lại học giáo dục địa phương khác? Vì phần quan trọng nhất cần trang bị cho học sinh là hiểu biết về quốc gia, dân tộc, về lòng yêu nước, về tính nhân loại; còn địa phương trang bị cho sâu sắc, tinh tế thêm, giúp học sinh hoàn thiện..

“Học sinh cần được hỗ trợ khi có nhu cầu dịch chuyển. Điều đó cần được thực hiện với tinh thần giáo dục để học sinh tự bù đắp, tự hoàn thiện và thầy cô, trường học hỗ trợ. Bộ GDĐT chỉ đạo một cách nhất quán như vậy. Lấy cái lớn làm căn cứ, bù đắp, khắc phục những cho cái nhỏ”, Bộ trưởng khẳng định.

Đối với việc hoàn thiện báo cáo gửi đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng lưu ý, thành phố Hà Nội cần nhấn mạnh hơn nữa, làm sâu thêm những điểm mới, những điểm cho thấy sự điều chỉnh về phương diện chuyên môn, lực lượng nhà giáo, tập huấn giáo viên…  

Bà Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận cuộc làm việc

Phát biểu kết luận, bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội nhận định: Bước đầu có thể đánh giá Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện và khá kịp thời trong triển khai 2 Nghị quyết quan trọng của Quốc hội. Thành phố cũng đã quan tâm, dành nguồn lực lớn cho giáo dục và đào tạo nói chung, cho thực hiện chương trình mới nói riêng.

Bà Phạm Thị Thanh Mai cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ, dù điều kiện thực hiện chưa bảo đảm đầy đủ, tối ưu nhất, một số trường còn thiếu trang thiết bị, một số lớp còn quá tải do di dân cơ học. Tuy vậy, thầy cô đã hết sức sáng tạo, cố gắng thực hiện tốt nhất trong điều kiện hiện có để đáp ứng yêu cầu bước đầu.

Trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục tăng cường truyền thông. Tiếp tục quan tâm rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục, sắp xếp, bố trí hợp lý để đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi về việc có đủ trường lớp theo chuẩn. Sử dụng hiệu quả  nguồn kinh phí đã bố trí. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với khối quận huyện, các trường. Xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết để cân đối nguồn lực, giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ...

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Thành phố Hà Nội bước đầu triển khai hiệu quả đổi mới giáo dục phổ thông tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19