Học phí giáo dục đại học: Tìm sự cân bằng giữa chất lượng và khả năng tiếp cận

Học phí là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kép của giáo dục đại học: đảm bảo chất lượng và mở rộng cơ hội tiếp cận. Không tăng học phí thì không đủ nguồn lực để đảm bảo chất lượng, tăng học phí thì người nghèo không có điều kiện học đại học.

Học phí và mức độ sẵn sàng chi trả của sinh viên

Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ năm 2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ quốc dân là văn bản pháp lý hiện hành quy định mức học phí bậc giáo dục đại học. Theo Nghị định này, học phí trần đối với các chương trình đại trà trình độ đại học tăng dần qua các năm và dao động từ 980.000 đồng/tháng tới 1.430.000 đồng/tháng tùy theo từng nhóm ngành vào năm học 2020-2021. Theo đó, tính trung bình, một học sinh theo học đại học ngành Y Dược phải trả tối đa khoảng gần 15 triệu đồng/năm trong năm học 2020-2021. Đây là một mức chi phí đáng kể so với thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 là 3,486,000 đồng.

Ngày 13/11/2020, trong một lần trao đổi với báo chí, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ xem xét, cho phép giữ nguyên mức học phí hiện hành trong năm học 2021-2022. Đây được xem là quyết định hợp lòng đa số vì nó đảm bảo sinh viên không phải chịu gánh nặng học phí quá lớn trong mùa đại dịch.

Tuy nhiên, liệu đó có phải là con số thực tế sinh viên bỏ ra cho việc học trong một năm học? Năm 2017, một khảo sát của Viện Thông tin Kinh tế và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt) thực hiện trên 600 sinh viên chỉ ra, có đến gần 90% sinh viên phải học thêm tiếng Anh ở ngoài trường đại học (Phuong, 2018). Điều đó báo hiệu một nhu cầu lớn về học thêm để nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng đang có ở sinh viên đại học.

Trong một nghiên cứu về mức độ sẵn sàng chi trả học phí của sinh viên đại học trong bối cảnh chia sẻ chi phí mà tôi làm đồng tác giả (Le et al., 2022), chúng tôi đã ước tính: trung bình mỗi năm, một sinh viên sẵn sàng bỏ ra 9.500.000 đồng cho việc học thêm ngoài trường đại học.

Cụ thể hơn, nhóm nghiên cứu trên đã tiến hành khảo sát 285 sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Theo đó, một sinh viên ở đại học công sẵn sàng chi trung bình khoảng 11.000.000 đồng/năm để đầu tư cho việc rèn luyện, bổ sung thêm những kiến thức ngoài trường đại học. Số liệu đối với nhóm sinh viên theo học tại các trường tư thục là khoảng 8.140.000 đồng/năm. Thú vị hơn, 237/285 sinh viên tham gia khảo sát trả lời, họ sẵn sàng đóng thêm số tiền họ dành cho việc học thêm vào trong học phí đại học nếu như nhà trường có thể cung cấp những dịch vụ giáo dục với chất lượng tương tự.

Kết quả trên cho thấy mức độ sẵn sàng chi trả của sinh viên đại học không hề nhỏ. Do đó, nếu Chính phủ ban hành các quy định với mục đích giữ trần học phí thấp, thì những sinh viên có điều kiện vẫn sẽ tìm cách đi học thêm những kiến thức, kỹ năng bên ngoài để phát triển bản thân và nâng cao cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

Thực trạng nguồn lực của các trường đại học Việt Nam

Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cao như vậy từ sinh viên, các trường đại học cần có nguồn lực tương xứng, trong đó nguồn lực tài chính được coi là yếu tố tiên quyết. Trên thế giới, nhiều trường đại học đang chuyển dịch dần sang mô hình doanh nghiệp khi các trường đại học tích cực tìm kiếm những nguồn thu ngoài những nguồn trợ cấp từ chính phủ. Đa dạng hóa nguồn lực tài chính là cách nâng cao nguồn lực của mỗi cơ sở giáo dục.

Đại dịch COVID-19 đã gia tăng áp lực buộc Việt Nam phải cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận của hệ thống giáo dục đại học để cạnh tranh với các quốc gia khác ở trong khu vực châu Á. Trog nỗ lực cải thiện chất lượng và sự linh hoạt để cạnh tranh với các hệ thống giáo dục phương Tây, cần phải đầu tư nhiều hơn để bù đắp những tổn thất do đại dịch gây ra.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận giáo dục đại học cũng đã trở thành một mối quan tâm quan trọng kể từ sau đại dịch. Áp lực gia tăng mức độ tiếp cận đối với nhóm sinh viên có hoàn cảnh thu nhập thấp ngày càng cao và khả năng tiếp cận cần phải được cải thiện để phản ánh phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau” được chính phủ sử dụng trong đại dịch

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi cơ chế xã hội hóa được ban hành lần đầu vào năm 1997. Theo đó, các trường đại học được phép thu học phí sinh viên và có thể tiếp cận các nguồn tài chính khác như tiền ngân sách, nhận quyên góp từ các cá nhân, tổ chức hay chuyển giao công nghệ. Các cơ sở giáo dục có nhiều nguồn thu hơn sẽ nâng cao được nguồn lực và tăng tính bền vững của chất lượng chương trình đào tạo.

Trong một nghiên cứu khác mà chúng tôi đang tiến hành, chúng tôi đã áp dụng chỉ số HHI (Herfindahl-Hirschman Index) - chỉ số đánh giá tính bền vững tài chính tương đối của cơ sở giáo dục đại học, để đo lường mức độ đa dạng nguồn thu nhập của 51 trường đại học Việt Nam giai đoạn 2015-2017 (Le et al., 2021). Kết quả nghiên cứu cho biết, về mức độ đa dạng tài chính của các trường đại học, hay còn là chỉ số sức khỏe tài chính, của các trường đại học Việt Nam đang ở mức báo động, khi các cơ sở không có sự đa dạng về tài chính. Cụ thể hơn, trung bình các trường phụ thuộc 58% vào nguồn thu từ học phí. Một số những trường nhận được nhiều sự đầu tư từ nhà nước như Đại học Ngoại thương Hà Nội cũng không có sự đa dạng hóa tài chính cao khi mức độ đa dạng hóa tài chính xếp loại Trung bình theo kết quả nghiên cứu.

Chất lượng và mức độ tiếp cận trong giáo dục đại học

Trong lĩnh vực Vận trù học, có bài toán rất nổi tiếng là tìm phương án tối ưu với việc sử dụng các nguồn lực hiện có nhằm đáp ứng những mục tiêu nhất định. Đối với hệ thống giáo dục đại học, bài toán đó là đáp ứng cùng lúc mục tiêu kép: chất lượng và mức độ tiếp cận. Để giải bài toán này, dường như học phí và việc đầu tư cho giáo dục là chìa khóa then chốt.

Trong phát biểu mới đây trên diễn đàn Quốc hội, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho rằng mức học phí trần quy định hiện hành rất thấp so với kỳ vọng và yêu cầu của cơ sở giáo dục. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nhận định trên, một khi mức trần học phí không khớp với kỳ vọng sẽ dẫn đến tình trạng “học đại” như ông Quân nêu. Tức là sinh viên đi học đại học với mục tiêu lấy tấm bằng và sẽ bổ sung kiến thức ở những nơi khác, không phải trường đại học. Ngoài ra, ông Quân còn nêu một quan điểm đáng chú ý, đó là “học phí bao giờ cũng bằng 2 năm tiền lương sau khi tốt nghiệp”. Ví dụ, nếu một sinh viên (hệ 4 năm) ra trường với mức lương 10 triệu đồng/tháng, hay 240 triệu đồng trong 2 năm đầu, thì mức học phí một năm học sẽ là 60 triệu đồng..

Con số do ông Lê Quân nêu khá tương đồng với cách tính khác của GS Phạm Phụ (Pham, 2016). Sử dụng cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới để ước lượng chi phí đơn vị (chi phí trên đầu sinh viên trong một năm) trong giáo dục đại học tại Việt Nam, trên cơ sở đối sánh với mức giá thành dịch vụ và GDP đầu người, ông ước tính chi phí đơn vị trong giáo dục đại học vào khoảng 120% so với GDP đầu người. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP đầu người của Việt Nam năm 2020 là khoảng 2.785 USD. Vậy chi phí đơn vị trong giáo dục khoảng 3.200 USD, tương đương khoảng 70 triệu đồng.

Như vậy có sự mâu thuẫn của việc cùng lúc đáp ứng mục tiêu kép về chất lượng và mức độ tiếp cận trong giáo dục đại học ở Việt Nam. Muốn chất lượng cao thì đầu tư người học phải cao, thể hiện ở học phí và ngân sách nhà nước. Ngược lại, khi đầu tư người học thấp (ngân sách nhà nước thấp) thì sinh viên sẽ phải trả học phí cao, điều này sẽ làm giảm mức độ tiếp cận của sinh viên với giáo dục đại học.

Học phí dựa trên khả năng chi trả

Để gỡ nút thắt này, chúng ta có thể cân nhắc ý tưởng chi trả dựa trên khả năng (pay-what-you-can-afford) và học phí cao – hỗ trợ cao (high tuition-high aid) đang được áp dụng tại một số trường đại học công tại Mỹ. 

Theo đó, mức học phí của sinh viên ở những chương trình giáo dục công sẽ được tính bằng chênh lệch giữa học phí của sinh viên theo học chương trình tự trả tiền (chất lượng cao, liên kết quốc tế) và khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, những sinh viên có ít khả năng chi trả sẽ được tiếp cận những khoản hỗ trợ tài chính hay các học bổng dựa trên nhu cầu.

Các thay đổi về phía hỗ trợ từ ngân sách cũng cần được triển khai. Các khoản chi ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học vẫn cần được duy trì, tuy nhiên cần thay đổi về mục đích chi. Thay vì chi thường xuyên như hiện nay, ngân sách cần yêu cầu các cơ sở giáo dục cam kết thực hiện các chỉ tiêu nhất định trước khi chi và kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo định kỳ. 

Trịnh Minh Thông

Nguồn:

Thong Minh Trinh (2023). Tuition fees: Finding a balance between quality and access. University World News, https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20230117141832985

Tài liệu tham khảo

Le, T. T., Nguyen, T. L., Trinh, M. T., Le, V. T., & Pham, H.-H. (2022). Investigating Vietnamese undergraduate students’ willingness to pay for higher education under the cost-sharing context. Policy Futures in Education, 20(1), 19-43. https://doi.org/10.1177/14782103211011898 

Le, T. T., Nguyen, T. L., Trinh, M. T., Nguyen, M. H., Nguyen, M. P. T., & Pham, H.-H. (2021). Adopting the Hirschman–Herfindahl Index to estimate the financial sustainability of Vietnamese public universities. Humanities and Social Sciences Communications, 8(1), 1-10. https://doi.org/10.1057/s41599-021-00927-2 

Pham, P. (2016). Investment and “Cost Sharing” in Higher Education. Giao Duc Vietnam. https://giaoduc.net.vn/dau-tu-va-chia-se-chi-phi-trong-giao-duc-dai-hoc-post169522.gd

Phuong, M. (2018, 12/11/2018). Nearly 90% of students have to study English outside the university. Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/gan-90-sinh-vien-phai-hoc-them-tieng-anh-o-ngoai-truong-dai-hoc-488439.html

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Học phí giáo dục đại học: Tìm sự cân bằng giữa chất lượng và khả năng tiếp cận tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn