Các nghiên cứu học thuật trong những năm gần đây đã quan tâm nhiều đến chủ đề “kết nối nghiên cứu, chính sách và thực tiẽn”. Một phần của nỗ lực này bao gồm việc tìm hiểu các vấn đề cản trở việc sử dụng nghiên cứu trong chính sách và thực tiễn. Từ những nghiên cứu này, một loạt các yếu tố đóng góp vào thực trạng trên đã được tìm ra, nhằm giải thích tại sao các dự án nghiên cứu cụ thể không có tác động thích hợp đến chính sách và thực tiễn giáo dục. Kennedy (1997) đã rút gọn các yếu tố này thành bốn nhóm riêng biệt: (1) chất lượng nghiên cứu thấp, (2) nghiên cứu không phù hợp, (3) ý tưởng nghiên cứu không thể tiếp cận được với người thực hành và (4) hệ thống giáo dục không chịu thay đổi. Bên cạnh việc các nhà nghiên cứu đã dành sự quan tâm đáng kể đến những thách thức này và đưa ra những kiến giải sâu sắc, họ cũng đã tìm ra các giải pháp tiềm năng để giải quyết thực trạng này.
Tuy nhiên, bất chấp nhận thức sâu sắc của các học giả về tầm quan trọng của việc tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu và chính sách nhằm đưa tới thực tiễn, một khoảng cách đáng kể vẫn tồn tại giữa những quá trình này. Các nhà nghiên cứu thừa nhận những lợi ích của việc sử dụng nghiên cứu trong chính sách và thực tiễn, nhưng khẳng định rằng việc thực thi vẫn còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu của nhóm tác giả Ayeshah Ahmed Alazmi và Huda Salem Alazmi hướng tới thu hẹp khoảng cách này trong giới nghiên cứu bằng cách phát triển một khuôn khổ hiệu quả, có cơ sở lý thuyết, cung cấp các quy định có hệ thống để tạo điều kiện hợp tác giữa các nhà nghiên cứu giáo dục và các nhà hoạch định chính sách; với mục tiêu những lợi ích thu được sẽ góp phần thiết thực vào việc cải thiện thực tiễn. Đề xuất khuôn khổ hoàn chỉnh với các quy định rõ ràng rõ ràng, dựa trên nền tảng lý thuyết do Lasswell và Kingdon phát triển, để giải thích làm thế nào sự hợp tác giữa các bên liên quan có thể diễn ra một cách có hệ thống theo từng giai đoạn.
Kết quả nghiên cứu là một đề xuất gồm sáu giai đoạn nhằm đạt được mục tiêu hợp tác có hiệu quả giữa các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và những người trực tiếp ứng dụng trong thực tiễn. Trên cơ sở mô hình các giai đoạn của Lasswell, sáu bước được đề xuất bao gồm: (1) giai đoạn tiền hợp tác, (2) xác định vấn đề và thiết lập lịch trình hành động, (3) hình thành chính sách và cơ sở pháp lý, (4) đưa ra quyết định, (5) triển khai chính sách và (6) đánh giá chính sách. Đây đều các quy trình động trong đó nhiều bên liên quan có thể có tác động đến việc hoạch định chính sách và không nhất thiết phải diễn ra một cách tuyến tính. Thật vậy, các giai đoạn có thể sẽ có sự tương tác hoặc chồng chéo lên nhau; chẳng hạn, mặc dù giai đoạn đánh giá chính thức thường diễn ra sau khi triển khai, nhưng đánh giá là một chu kỳ liên tục, diễn ra ở nhiều mốc thời gian trong quá trình hợp tác. Tuy nhiên, sáu giai đoạn phác thảo các quy trình hợp tác giữa nghiên cứu giáo dục và hoạch định chính sách này sẽ đóng vai trò là một công cụ hữu ích để cải thiện chính sách, việc thực hiện chính sách và cuối cùng là thành tựu khoa học.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Alazmi, A. A., & Alazmi, H. S. (2022). Closing the gap between research and policy-making to better enable effective educational practice: a proposed framework. Educational Research for Policy and Practice, 22(1), 91–116. https://doi.org/10.1007/s10671-022-09321-4
Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.