Dự Lễ khánh thành có Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GDĐT tỉnh Tuyên Quang.
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình nâng cấp, tôn tạo Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục
Khu di tích Bộ Quốc gia Giáo dục được đặt tại thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Từ năm 1951-1954, cơ quan Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GDĐT) sơ tán lên chiến khu Việt Bắc và đóng trụ sở đây.
Trong khoảng thời gian này, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Bộ Quốc gia Giáo dục đã có nhiều quyết sách, chỉ đạo quan trọng đối với toàn ngành, góp phần không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang của cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.
Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 08/2006/QĐ-BVHTT ngày 17/01/2006. Đây là một trong những địa chỉ đỏ của ngành Giáo dục, nhằm giáo dục truyền thống của ngành cho giáo viên, học sinh.
Bia di tích lịch sử địa điểm Bộ Quốc gia Giáo dục (1951-1954) tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang
Năm 2011, Bộ GDĐT đã đầu tư xây dựng công trình di tích Bộ Quốc gia Giáo dục với tổng diện tích 3.864 m2, bao gồm bậc tam cấp, văn bia bằng đá, sân cỏ và 2 công trình phụ trợ là lớp mẫu giáo và nhà văn hóa thôn Khuôn Trú.
Tuy nhiên sau hơn 10 năm xây dựng, một số hạng mục đã xuống cấp, giá trị của di tích chưa được phát huy. Do đó, ngày 24/7/2022, Bộ GDĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam khởi công công trình nâng cấp, tôn tạo di tích Bộ Quốc gia Giáo dục.
Công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng sau 3 tháng thi công đáp ứng niềm mong mỏi, tâm nguyện của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành Giáo dục, cũng như của nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Đây là một trong hai công trình đặc biệt kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định, việc nâng cấp, tôn tạo di tích Bộ Quốc gia Giáo dục là tâm nguyện của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, thể hiện sự tri ân, ghi nhận của Đảng và Nhà nước, của ngành giáo dục đối với các thế hệ cán bộ của Bộ Quốc gia Giáo dục thời kỳ kháng chiến cũng như ngành Giáo dục hôm nay. Đây cũng là sự tri ân đối với những ân tình yêu thương, che chở, đùm bọc của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang với sự nghiệp giáo dục trong những năm tháng khó khăn, gian khổ.
Di tích Bộ Quốc gia Giáo dục có ý nghĩa nhân văn và giáo dục truyền thống sâu sắc với các thể hệ nhà giáo và học sinh cả nước. Khu di tích là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho học sinh và người lao động trong toàn ngành; là nơi để các thế hệ cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên cả nước hướng về và thực hiện lời dạy của Bác về công tác giáo dục.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trồng cây lưu niệm tại khu di tích
Để duy trì hoạt động, bảo vệ cảnh quan của khu di tích, Thứ trưởng mong muốn các thầy cô giáo và các em học sinh Trường THPT Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa - đơn vị được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ khu di tích - sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình này một cách hiệu quả, thiết thực.
Thứ trưởng đồng thời đề nghị các Sở GDĐT, các trường đại học, các cơ sở giáo dục… trên cả nước tích cực tuyên truyền, quảng bá để các nhà giáo, học sinh, sinh viên biết và hiểu về di tích, để di tích trở thành điểm kết nối các thế hệ nhà giáo, học sinh tâm huyết, khao khát hướng về cội nguồn.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh gửi lời cảm ơn Công đoàn ngành Giáo dục đã tích cực tuyên truyền, vận động tạo nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp, tôn tạo công trình; cảm ơn UBND tỉnh, Sở GDĐT Tuyên Quang phối hợp các đơn vị, nhà thầu thi công, xây dựng công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng kỹ thuật.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh thăm hỏi, tặng quà gia đình ông, bà Hứa Văn Huấn (thôn Khuôn Trú, Yên Nguyên), với đại diện gia đình là bà Nguyễn Thị Vụ
Đặc biệt, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động toàn ngành đã quan tâm, đóng góp kinh phí để tôn tạo, nâng cấp công trình khang trang, xứng tầm với giá trị lịch sử và vị thế của ngành giáo dục.
Tại khu di tích Bộ Quốc gia Giáo dục, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã đến thăm hỏi, tặng quả gia đình ông, bà Hứa Văn Huấn (thôn Khuôn Trú, Yên Nguyên) - nơi Bộ Quốc gia Giáo dục đặt trụ sở từ năm 1951 đến 1954.