CÔNG BỐ QUỐC TẾ: GỢI Ý CHO CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU MỚI VÀO NGHỀ

Keisha N.Blain là một phó giáo sư chuyên ngành Lịch sử tại trường Đại học Pittsburgh và Chủ tịch Cộng đồng Tri thức Lịch sử người Mỹ gốc Phi. Bà là tác giả của cuốn sách xuất bản năm 2018 và đã thắng rất nhiều giải thưởng với tựa đề “Set the World on Fire: Black Nationalist Women and the Global Struggle for Freedom” (Tạm dịch: Thành công rực rỡ: Người phụ nữ da đen theo chủ nghĩa dân tộc và sự đấu tranh cho tự do trên toàn cầu).

Việc viết một bài báo cần rất nhiều thời gian và những học giả bắt đầu dấn thân vào hành trình này đều hi vọng rằng việc đó dẫn đến kết quả là bài báo của mình sẽ được công bố, xuất bản. Tuy nhiên có một sự thật rằng không phải tất cả mọi bài báo đều được chấp thuận hay được đi đến bước chỉnh sửa và tái nộp. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về hoạt động xuất bản học thuật nhưng hoạt động này vẫn là một điều bất di dịch, đóng vai trò quan trọng đối với giới nghiên cứu học thuật.

Quả thực, ngày càng có nhiều chương trình thạc sĩ về khoa học xã hội và nhân văn khuyến khích sinh viên xuất bản những bài báo của mình với hi vọng làm gia tăng thêm cơ hội của họ trong thị trường việc làm ảm đạm hiện nay. Hội đồng biên chế vẫn luôn kì vọng những nhà nghiên cứu trong giai đoạn đầu của sự nghiệp có thể viết những bài báo học thuật trong các lĩnh vực thuộc các tạp chí ấy, đối nghịch với một bản chuyên khảo vốn là một yêu cầu chính cho việc đạt được biên chế.

  Mặc dù không ai có thể đảm bảo rằng bài báo của mình sẽ tiến tới việc được công bố xuất bản, một vài chiến lược mang tính thực tiễn cũng có khả năng gia tăng cơ hội cho những học giả “trẻ” này được đăng bài của họ trên tạp chí. Những lưu ý và gợi ý sau đây đều xuất phát từ những kinh nghiệm thực tế và quan sát của chính tác giả trong vai trò là một người viết, người bình duyệt, biên tập viên và thành viên hội đồng biên tập trong một vài tạp chí học thuật.

 

 

“Làm bài tập về nhà”

Trong bài viết “Writing Your Journal Article in Twelve Weeks” (tạm dịch: Viết bài báo khoa học của bạn trong vòng 12 tuần), Wendy Belcher nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tìm hiểu về một tạp chí cần được thực hiện trong một khoảng thời gian dài trước khi gửi bài và thậm chí là trước cả khi viết bài. Chiến lược này có thể là một trong những điều quan trọng nhất cần được cân nhắc trong ngành xuất bản học thuật. Rất nhiều bài báo nhận lại sự từ chối sau khi gửi đi với lý do đơn giản rằng tác giả đã không thực hiện hoạt động tìm hiểu, được coi như là “bài về nhà” này.

  Việc làm bài về nhà này đòi hỏi nhà nghiên cứu suy nghĩ cẩn thận về câu hỏi liên quan đến sự phù hợp. Các câu hỏi có thể là: Bài báo của mình có thực sự phù hợp đối với tạp chí này? Sứ mệnh và mục tiêu cốt lõi của tạp chí có tương thích đối với những điều mà mình đang viết? Để có thể trả lời những câu hỏi này một cách hiệu quả, những nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp không chỉ cần theo dõi website của các tạp chí mà còn cần đọc kĩ lưỡng những bài báo mới nhất được xuất bản tại đó. Ví dụ như việc một bài báo không có sự liên kết giữa các ngành khác nhau mà gửi bài báo ấy đến những tạp chí liên ngành thì chắc chắn sẽ nhận được sự từ chối.

“Làm bài về nhà” đối với các tạp chí còn bao gồm việc xác định được quy trình xuất bản chung của tạp chí đó. Cần biết được rằng phải mất bao lâu để các bài báo được chuyển tiếp đến bước bình duyệt ngang hàng hay bao lâu sẽ được công bố sau khi bài báo ấy đã được chấp nhận. Bên cạnh việc ghi nhận những nhận xét từ các đồng nghiệp hay những người bạn trong cùng giới học thuật, các nhà khoa học với sự nghiệp còn trẻ như vậy cũng nên tham khảo tư vấn từ các nguồn như bài viết “Reviews of Peer-Reviewed Journals in the Humanities and Social Sciences” của Belcher. Cho đến cuối cùng, thời gian mà các nhà nghiên cứu sử dụng để tìm hiểu kĩ lưỡng về các tạp chí rồi xác định được đích đến phù hợp nhất cho bài báo của mình. thực sự rất xứng đáng.

 

Kết nối với những nhà biên tập 

Trước khi gửi một bài báo tới tạp chí, những nhà nghiên cứu với ít kinh nghiệm nên cân nhắc việc liên lạc, giao tiếp, kết nối với nhà biên tập của tạp chí đó. Có những biên tập dễ dàng để liên hệ hơn những người khác và rất nhiều trong số họ đều coi trọng việc có những tác giả tiềm năng chủ động liên lạc với họ. Nếu như bạn tình cờ gặp một nhà biên tập tại một hội thảo chuyên ngành, hãy giới thiệu bản thân mình và trình bày sơ lược với họ về bài báo mà bạn đang viết. Nếu ý tưởng tiếp cận biên tập viên tại một hội thảo như vậy khiến bạn cảm thấy không thoải mái, hãy cân nhắc đến việc gửi email. Đó có thể chỉ là những dòng chú thích ngắn để đơn giản bộc lộ sự quan tâm của bạn với việc xuất bản của tạp chí đó và đồng thời có bao gồm phần tóm tắt sơ lược nội dung bài báo mà bạn đang viết.

Khi còn là một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, tôi đã liên hệ tới biên tập của một tạp chí hàng đầu trong chuyên ngành của tôi để giới thiệu bản thân và trình bày rõ hơn với ông ý về bài báo mà tôi đang có dự định nộp. Nội dung của bài báo mà tôi đã viết ấy là sự kết hợp của tri thức và lịch sử xã hội và khi ấy tôi không hoàn toàn chắc chắn đó sẽ là sự phù hợp với tạp chí này. Nhà biên tập đó đã phản hồi lại một cách tích cực và thậm chí còn cho tôi thêm một vài gợi ý mà tôi nên lưu tâm khi tôi hoàn thành bài viết đó của mình. Phản hồi đó chứng tỏ một điều vô cùng quý giá vì tôi đã gửi bài báo đó sau vài tuần và nó vượt qua vòng bình duyệt thông thường và được chấp nhận rồi công bố. Nếu khi ấy tôi không có can đảm gửi email ấy, điều ấy cũng nghĩa là có thể tôi đã tự thuyết phục bản thân mình không gửi bài đến tạp chí đó.

 

Tự tạo lập quá trình bình duyệt cho chính bản thân mình 

Với công việc là một người bình duyệt, đôi khi tôi cảm thấy ngạc nhiên trước những bài viết với chất lượng kém xuất hiện trên bàn làm việc của mình. Rõ ràng rằng bạn  nên tìm đến những người bạn hoặc đồng nghiệp tin cậy nhờ họ đọc những bản thả bài báo của mình trước khi gửi chúng đến tạp chí. Ai ai cũng đều bận rộn nhưng những người mong muốn  sự thành công đến với bạn sẽ dành thời gian để giúp bạn.

Tuy nhiên trong không khí căng thẳng và cạnh tranh của ngành học thuật, những học giả mới bắt đầu sự nghiệp đôi khi sẽ thấy áp lực cho việc được xuất bản thật nhanh. Việc quan tâm, lo lắng về những hạn định nộp bài chính và những vấn đề về thời hạn khác là điều có thể hiểu được, tuy nhiên, bạn vẫn nên cố gắng để nộp một bài viết thật tốt và chỉn chu. Bài báo ấy có thể không hoàn hảo và cũng không cần thiết phải hoàn hảo bởi quá trình bình duyệt được cho là có chức năng giúp bạn xác định những vấn đề cần sửa đổi. Nhưng bài báo của bạn nên có sự lập luận rõ ràng và minh chứng thuyết phục và không nên có chuỗi những lỗi đánh máy hay thiếu những trích dẫn của bài.

Ngay với những bài viết với lập luận và minh chứng chắc chắn cũng sẽ trải qua những đánh giá, soi xét kĩ lưỡng trong quá trình bình duyệt nếu như người viết thể hiện vẻ cẩu thả trong việc trích dẫn và sự thiếu chú ý về mặt trình bày. Hãy ghi nhớ rằng một vài tạp chí không có những biên tập chính thức mà trông cậy hoàn toàn phía những tác giả cho việc hoàn chỉnh bài báo của chính họ. Những lỗi của bạn có thể dễ dàng hiển lộ trong bản cuối cùng (cũng chính là bản cố định vĩnh viễn) nếu như được công bố và sẽ mang đến một loạt những thử thách, khó khăn dành cho bạn.

 

Tận dụng cơ hội từ những số đặc biệt của tạp chí

Số đặc biệt của tạp chí (special issues) thường là một trong số ít những cơ hội mà một nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp có thể làm việc và xuất bản bài viết của mình cùng với những học giả hàng đầu trong lĩnh vực. Những cơ hội này đều quan trọng cho những tiềm năng cộng tác trong tương lai và thường mang lại những nhận xét tập trung và hữu ích từ chính những người hiểu biết tường tận về lĩnh vực của bạn (ngay cả khi bài viết của bạn không được chấp nhận). Mặc dù có những số tạp chí đặc biệt chỉ bao gồm những bài báo được mời viết nhưng cũng có nhiều số đặc biệt chào đón bất cứ ai nghiên cứu trong lĩnh vực ấy mà không quan trọng tới thứ hạng hay quá trình công bố của họ. Hãy chú ý theo dõi những thư mời viết của những tạp chí học thuật thuộc chuyên ngành của bạn và việc hỏi một biên tập về những số đặc biệt về việc chúng có phù hợp với chủ đề nghiên cứu của bạn hay không là một ý tưởng không tồi. Có thể bạn sẽ muốn cân nhắc xem xét, chỉnh sửa lại bài báo mà bạn đã lên ý tưởng trước đó để khiến nó phù hợp hơn với số tạp chí đặc biệt ấy.

 

Sẵn sàng cho việc chỉnh sửa lại

Như rất nhiều học giả đã chỉ ra, quá trình bình duyệt cũng có những hạn chế đến từ rất nhiều lý do như “những người gác cổng”, phân biệt chủng chủng tộc, thành kiến giới, ... Những nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp sẽ phải đối mặt với sự thật không nhiều may mắn này. Nhưng đó cũng là một thực trạng mà nhiều người bình duyệt có thái độ nghiêm túc với quá trình làm việc này và họ đọc, đưa nhận xét một cách cẩn thận để hướng tới bài báo đó tốt hơn. Với vai trò là một biên tập và người bình duyệt được mời, tôi đã chứng kiến rất nhiều tác giả từ bỏ ý định công bố bài của họ với một tạp chí cụ thể sau khi nhận được yêu cầu phải rà soát, chỉnh sửa và nộp lại. Việc đọc một bài báo cáo lần đầu tiên có thể, đặc biệt với những bài rất. Nhưng việc suy nghĩ cẩn thận về việc bạn sẽ trả lời, giải quyết câu hỏi, thắc mắc từ phía người bình duyệt như thế nào là một việc cần làm nghiêm túc.

Một chiến lược hiệu quả đó là gửi bản báo cáo của bạn tới một người bạn hay người đồng nghiệp để nhận được thêm một ý kiến đánh giá khách quan cũng như sự giúp đỡ từ phía họ cho việc diễn giải những phản hồi từ phía tạp chí. Và thậm chí khi là một tác giả trẻ, bạn có thể phản biện khả năng phân tích, phê phán của người bình duyệt trong thư phản hồi gửi tới nhà biên tập nếu bạn tìm thấy một ý kiến hoàn toàn có vấn đề hay vượt ra khỏi phạm vi của bài báo bạn đã viết. Việc cân nhắc chỉnh sửa lại bài báo sau khi qua vòng bình duyệt đồng nghĩa với việc thực hiện quá trình lại từ đầu và có khả năng sẽ phải đương đầu với những vấn đề tương tự ở một tạp chí mới đồng thời có thể tốn nhiều thời gian hơn.

Nhìn chung, quá trình viết và hoàn thành bài báo học thuật chứa đựng rất nhiều gian nan, thử thách. Sử dụng những gợi ý và cách thức trên sẽ không đảm bảo kết quả nhưng chúng có thể cải thiện những cơ hội của bạn và mang đến những trải nghiệm tốt đẹp hơn.

Bạn đang đọc bài viết CÔNG BỐ QUỐC TẾ: GỢI Ý CHO CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU MỚI VÀO NGHỀ tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19